Cấp bách bảo tồn cầu Long Biên
Các thanh sắt, ốc vít hoen rỉ theo thời gian, mố trụ hư hại, 131 vòm cầu gạch giờ là quán xá nhếch nhác, cây cầu Long Biên 112 năm tuổi hàng ngày, hàng giờ vẫn phải gánh chịu 1 tải trọng lớn cho xe máy, xe đạp và xe lửa qua lại, và có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nếu không có phương án bảo tồn phát triển cầu Long Biên phù hợp thì sớm muộn cây cầu lịch sử sẽ biến thành… phế tích.
Xuống cấp trầm trọng
Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng với cái tên đã đi vào lịch sử – Long Biên – có kiểu dáng độc đáo. Cầu do hãng Eiffel thiết kế, có chiều dài 2.290m bắc qua sông, 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m, trải qua hơn 100 năm, hiện cây cầu đã xuống cấp ở mức báo động. Các thanh sắt, ốc vít hoen rỉ theo thời gian, mố trụ hư hại, 131 vòm cầu gạch giờ là quán xá nhếch nhác, dọc theo cầu cạn là các quán kinh doanh ảnh hưởng tới giao thông. Hàng ngày, cây cầu 112 năm tuổi này vẫn gánh chịu 1 tải trọng lớn cho xe máy, xe đạp và xe lửa qua lại.
Theo các chuyên gia, các KTS, các nhà quy hoạch đô thị thì cầu Long Biên cần được đại tu cấp bách và càng sớm càng tốt, nếu không cây cầu trên 100 năm tuổi này có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển cầu Long Biên như thế nào để phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, kỹ thuật mà cầu mang lại là điều cần bàn tính kỹ.
Đã là cầu thì chức năng đầu tiên và nguyên bản của nó là giao thông, nhưng theo các chuyên gia, hiện Hà Nội đã có 6 cây cầu bắc qua sông Hồng và tương lai con số này sẽ là 12, thì chức năng giao thông không còn đặt nặng lên cầu Long Biên nữa. Cây cầu đặc biệt này cần được bảo tồn và khai thác như một di sản “sống”.
Bảo tồn cách nào?
Theo KTS Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp, người dành nhiều tâm huyết cho Hà Nội, cầu Long Biên cần được bảo tồn, cải tạo phát triển đồng bộ với khu dân cư hiện có và các dự án đang triển khai trong khu vực đáp ứng nhu cầu phát triển của thủ đô, nhưng nên xây dựng cầu Long Biên trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang tính biểu tượng và đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết lao động, việc làm cho người dân.
KTS Nguyễn Nga đề xuất, cầu Long Biên nên được cải tạo theo hướng: cầu cạn thành vườn treo, gầm cầu thành vườn nghệ thuật và làng nghề truyền thống; 9 nhịp cầu nguyên thủy được cải tạo nguyên trạng theo phương pháp cũ đinh tán ri-vê, nhịp bị mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng với công nghệ đúc thép hiện đại phủ kính trong suốt để làm khu triển lãm, bảo tàng; bãi giữa sông Hồng thành quảng trường, triển lãm quốc gia nông – lâm – ngư nghiệp, công viên nghệ thuật.
Đồng thời, KTS Nguyễn Nga đề xuất trục đi bộ xanh mang tên “Đại lộ Hòa Bình” dài 4 km, kết nối các điểm du lịch, phố đi bộ tại trung tâm khu vực hồ Hoàn Kiếm với tuyến phố đi bộ cầu Long Biên, đầu cầu phía Long Biên xây dựng tháp Sen làm bảo tàng nghệ thuật.
Các chuyên gia tâm huyết đều cho rằng, việc bảo tồn phát triển cầu Long Biên là cần thiết và cần làm sớm nhưng hình dáng cầu nên bảo tồn thế nào thì tồn tại 2 quan điểm trái chiều, một là nên bảo tồn nguyên trạng cây cầu theo phương án cũ xây dựng năm 1902 và hai là bảo tồn hình dáng cầu hiện tại với những nhịp mất, nhịp còn khắc ghi chứng tích khi cây cầu phải oằn mình gánh chịu những trận mưa bom bão đạn của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
GS Phạm Đình Việt, Trường Đại học Xây dựng cho rằng: Trong chiến tranh, một số nhịp cầu đã bị mất, trong quá trình bảo tồn nên khôi phục lại hình dáng cũ của cây cầu. Đồng quan điểm với GS Phạm Đình Việt, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh thêm: Bảo tồn cầu Long Biên không chỉ bảo tồn vật chứng là cây cầu mà cần bảo tồn cảnh quan và không gian xung quanh, bảo tồn nguyên trạng hình dáng, phong cách, vật liệu của cầu Long Biên năm 1902. Nhưng bảo tồn phải thích ứng với đời sống đương đại, phù hợp với quy hoạch được duyệt và phù hợp không gian xung quanh.
Ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nhiều ý tưởng trong đề án nếu thực hiện được là điều đáng quý, đóng góp thêm công trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội. Nhưng nội dung trong đề án chưa hẳn đã thật hợp lý. “Nếu không mất gì mà có được tất cả những thứ như KTS Nguyễn Nga nói thì có dễ chấp nhận. Nếu thực hiện ý tưởng này thì ảnh hưởng gì tới những mặt khác, có hay không giá trị đánh đổi, đánh đổi lợi ích tới mức nào, hại tới mức nào? Bởi đến thời điểm này và trong những quy hoạch vẫn đang đặt ra thì cầu Long Biên vẫn là một công trình giao thông có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Nếu thực hiện được như dự án thì chức năng giao thông khó có thể thực hiện được”, ông Tuấn băn khoăn.
Ông Tuấn cho rằng, giả sử bên trên là đường sắt, bên dưới là những ý tưởng cho không gian văn hóa thì có dung hòa được không? Hà Nội cũng có những bảo tàng xây dựng quy mô nhưng giá trị phục vụ cộng đồng, tác động của nó với xã hội còn hạn chế. Ý tưởng Bảo tàng trên cầu Long Biên cũng cần cân nhắc khi tồn tại lâu dài, làm sao để lúc nào nó cũng hấp dẫn.
Theo PGS Đỗ Tú Lan, Bộ Xây dựng, chúng ta vẫn duy trì giao thông kết nối 2 bên bờ sông, tuy nhiên, với cây cầu “tuổi già sức yếu” này thì mức gánh giao thông cần vừa phải và lựa chọn giao thông xanh là phù hợp. Bảo tồn nên giữ nguyên dáng nhịp còn nhịp mất như hiện nay bởi nó là chứng tích lịch sử.
PGS Đỗ Tú Lan cũng nhấn mạnh, bảo tồn cầu Long Biên nhưng phải phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế kỹ thuật của cây cầu và giải pháp bảo tồn gắn với bảo tàng, đồng thời khai thác gầm cầu để trưng bày một số sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của KTS Nguyễn Nga được PGS Đỗ Tú Lan đánh giá cao.
Theo TS Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI (Bộ GTVT), chúng ta nên giữ dáng cầu và khôi phục lại theo sơ đồ cầu bản gốc, bỏ tất cả trụ tạm và nên sử dụng lại trụ giếng chìm, phần vòm nên giữ lại đến phố Hàng Giấy. Tuy nhiên, cầu Long Biên hiện rất thấp, không đáp ứng yêu cầu thông thủy, không đảm bảo tĩnh không cho giao thông đường thủy nên ông Sơn đề xuất nên giữ nguyên cao độ, hơi nâng về phía Long Biên lên 3m để đảm bảo cho giao thông đường thủy.
Đánh giá cao ý tưởng của KTS Nguyễn Nga, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh: Cầu Long Biên không đơn thuần là giao thông mà còn là bài toán văn hóa, lịch sử gắn với lịch sử của Hà Nội, của đất nước và đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô. Việc bảo tồn cầu Long Biên gắn với phát triển là điều cần thiết, nhưng cần dung hòa bài toán văn hóa và bài toán kỹ thuật gắn với quy hoạch 2 bên sông Hồng mà Hà Nội đang triển khai là điều cần thiết. Chúng ta không nên đặt giao thông nặng lên cầu Long Biên và nên lựa chọn giao thông đi bộ, cầu cạn là bức tường chết nay sống lại mang giá trị cao. Tuy nhiên, vấn đề vốn và kinh phí cần làm rõ hơn.
Theo KTS Nguyễn Nga, với tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 3.310 tỷ đồng, dự án hoàn toàn có thể thực hiện bằng hình thức đầu tư PPP. Việc huy động vốn đối ứng của Chính phủ từ nguồn vốn ODA trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa du lịch cầu Long Biên do Chính phủ Pháp tài trợ dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng còn vốn tự có từ chủ đầu tư và vốn huy động từ xã hội hóa khoảng 1.100 tỷ đồng.
Theo Báo Xây dựng