Khác biệt giữa chung cư xanh và chung cư thường
Trước sự quan tâm rất lớn của khách hàng về chung cư xanh, nhiều người đã đặt ra câu hỏi thế nào là chung cư xanh và phân biệt như thế nào. Tại Hội thảo kiến trúc xanh lần 12 do Câu lạc bộ Kiến trúc Xanh TP.HCM tổ chức, kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ và là chuyên gia, giảng viên về chứng chỉ công trình xanh LEED, đã nêu ra những điểm khác biệt giữa tiêu chí đánh giá chung cư xanh và chung cư thường.
“Hiện nay, nhiều người cho rằng, những nơi cứ có cây xanh thì được gọi là chung cư xanh. Nhưng thực ra, chung cư thường cũng có cây xanh, bởi vì cây xanh là nhu cầu của tất cả mọi người. Ai có nhu cầu ở đều muốn có môi trường cây xanh hết”, kiến trúc sư Trần Khánh Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, giữa chung cư xanh và chung cư thường đều có những điểm chung, như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và đảm bảo an toàn sức khỏe cho cư dân. Cụ thể, để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, thì giao thông phải thuận tiện, có không gian thư giãn và những tiện ích xung quanh. Đồng thời, kết cấu những tòa nhà cao tầng phải vững chắc, đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn để người dân yên tâm sinh sống.
Như vậy, chung cư xanh và chung cư thường khác nhau như thế nào. Dựa trên các tiêu chí đánh giá công trình xanh của LEED, vị chuyên gia này cho biết, đối với chung cư thường, chỉ cần tuân thủ theo quy hoạch đô thị là được. Còn đối với chung cư xanh, ngoài việc đáp ứng đúng quy hoạch đô thị, còn phải tuân thủ theo 5 nhóm tiêu chí cơ bản nữa như địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng luợng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội – nhân văn bền vững.
Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, công trình xanh là phải hạn chế sử dụng vật liệu phát thải độc hại, từ lớp sơn phủ đến vật liệu hoàn thiện tòa nhà.
“Dù lớp sơn phủ phát thải chất độc hại rất ít, nhưng trong quá trình sử dụng lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Do vậy, cần phải lựa chọn những loại sản phẩm sao cho phù hợp với tiêu chí của công trình”, ông Trung cho biết.
Khắt khe lựa chọn vật liệu
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phong trào phát triển công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, trước khi xác định chiến lược đi theo công trình xanh, Phúc Khang đã có những chuyến nghiên cứu dài ngày ở các nước Singapore, Nhật Bản.
“Các nước phát triển làm được công trình xanh thì mình cũng làm được. Ngoài đội ngũ chuyên gia là các tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về công trình xanh, chúng tôi còn thuê những chuyên gia về phát triển công trình xanh của Mỹ và Hồng Kông làm việc cho mình”, bà Mẫu nói.
Vì vậy, bà Mẫu cho biết, Công ty phải nghiêm túc với nhà cung cấp vật liệu bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe nhất.
“Ở đây, chỉ có vật liệu đạt hay không đạt tiêu chuẩn của công trình xanh, chứ không có chuyện quen biết. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn thì sẵn sàng nói không và không có sự xem xét mối quan hệ gì ở đây”, bà Mẫu khẳng định.
Theo Phòng Đầu tư của Phúc Khang Corporation, hiện đã chọn được các vật liệu sử dụng trong quá trình xây dựng là hệ thống trang thiết bị vệ sinh Toto, sơn Nipon, Jotun, các vật liệu sắt thép của Nhật và Ý. Công trình cũng sẽ sử dụng kính Low – E giảm hấp thụ nhiệt và lót sàn gỗ trong phòng ngủ.
Còn tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả, dòng máy điều hòa cải tiến tạo ra nước nóng bằng nhiệt thải từ quá trình làm lạnh của Tập đoàn Daikin đang là ứng cử viên sáng giá.
“Trong quá trình làm lạnh, nhiệt lượng thải ra từ dàn nóng được thu hồi và đưa đến bình chứa nước để làm nóng nước bên trong đến 60 độ C nên điện năng tiêu thụ hàng năm giảm xuống xấp xỉ 35% so với việc dùng riêng máy điều hòa không khí và máy nước nóng”, đại diện Daikin Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, để phát triển mạnh mẽ công trình xanh trong tương lai, nhiều nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ cần có sự khuyến khích đối với những dự án công trình xanh như ưu đãi về lãi suất, chỉ số quy hoạch tốt hơn hoặc làm những quy trình duyệt về công trình xanh nhanh hơn để tiết kiệm vốn.