19/06/2017

Những hiểu lầm về công trình xanh

Tăng chất lượng công trình, tiết kiệm tài nguyên, hay tăng chỉ số sức khỏe…, được xem là những lợi ích mà công trình xanh có thể mang lại cho cộng đồng dân cư tại dự án và xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các chủ đầu tư và cả người mua nhà không nhận thức được điều đó.

Những hiểu lầm về công trình xanh

Ecolife Capitol, một trong những dự án xanh của Capital House được triển khai tại Hà Nội

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nếu năm 2010 – 2011, chỉ có 2 công trình xanh tại Việt Nam, thì đến năm 2012 – 2013, đã tăng lên 15 công trình và đến 2016 – 2017, số công trình xanh dự kiến đi vào bàn giao và hoạt động là 42 công trình.

Trong vài năm qua, số lượng các công trình xanh (được cấp chứng chỉ theo các tiêu chuẩn như LEED, LOTUS, EDGE hay GREENMARK) tăng lên khá nhanh, nhưng nếu so với con số 80.000 công trình xanh tại Mỹ, 1.200 công trình xanh tại Singapore, 500 công trình xanh tại Đài Loan (Trung Quốc) và 125 công trình xanh tại Malaysia, thì con số hơn 40 công trình xanh của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Không những vậy, đa phần các công trình xanh tại Việt Nam hiện tập trung vào ngành công nghiệp (các nhà máy) với 15/42 dự án, kế đến là dự án văn phòng 10/42 dự án. Còn các dự án khu dân cư, căn hộ, hay trung tâm thương mại, trường học đều rất hiếm hoi với chỉ khoảng 6/42 dự án.

Điều này này cho thấy rằng, các công trình xanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các khu dân cư, căn hộ hay trung tâm thương mại vẫn chưa thực sự phổ biến như kỳ vọng, dù nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các thành viên thị trường.

Theo đánh giá của ông Đặng Thành Long, Giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC Việt Nam), công trình xanh có ý nghĩa vô cùng to lớn tới môi trường và sự phát triển bền vững. Đây là một xu hướng tất yếu mà Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trên thế giới sẽ phải đi trong quá trình phát triển, trong điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, những hiểu biết về công trình xanh hiện nay vẫn còn tương đối hạn chế.

Trong đó, cách hiểu chưa sát về khái niệm công trình xanh, các tiêu chí xác định công trình, cũng như cách thức để tạo ra một công trình xanh và hiệu quả mà công trình xanh mang lại khi đi vào sử dụng, khiến cả chủ đầu tư, nhà phân phối lẫn khách hàng bối rối.

Chủ đầu tư thì không rõ nên bắt đầu công trình xanh từ đâu, nhà phân phối thì không biết nên tư vấn sao về công trình có yếu tố xanh, còn người mua nhà cũng không hiểu xanh chỗ nào và xanh có ích gì khi sử dụng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc phát triển dự án Capital House, đơn vị đang triển khai nhiều dự án xanh tại Hà Nội cho biết, lan tỏa được những hiểu biết thực sự về công trình xanh hiện nay là bài toán cần có lời giải đáp.

Thực tế, nếu nghĩ đơn giản thì công trình xanh là đem lại cuộc sống xanh, sử dụng tài nguyên (điện, nước,…) hiệu quả, hướng tới việc bảo vệ môi trường. Rồi sau đó, khi đi vào chi tiết hơn, chúng ta mới tính tới việc những giải pháp nào (thiết kế, thi công, công nghệ…) được áp dụng để làm được điều đó. Cuối cùng mới tiến tới câu chuyện làm sao để khách hàng sẵn lòng với công trình xanh, mà chủ đầu tư đang làm từ vấn đề chi phí, đến hiệu quả mà nó mang lại.

“Để làm công trình xanh sẽ phải tăng thêm chi phí đầu tư so với không làm công trình xanh. Thế nhưng, xét về tổng thể quá trình vận hành dài hạn, chắc chắn công trình xanh sẽ giảm được chi phí cho người sử dụng. Vấn đề là phải giúp người mua nhà hiểu được và cảm nhận được rằng, chi phí tiết kiệm thật sự.

Khi đó, khách hàng sẽ rất vui lòng trả thêm chi phí ban đầu, do những lợi ích gia tăng từ công trình xanh về sau. Chẳng hạn, căn hộ được sử dụng kính low-e hai lớp, dù chi phí cao hơn kính thường, nhưng căn phòng giảm được tới 70% bức xạ mặt trời, dẫn đến điện tiêu thụ cho điều hoà ít hơn, cách âm, cách nhiệt tốt hơn”, ông Bách chia sẻ

Theo ông Richard Colville, Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản, CBRE Việt Nam, xu hướng “xanh” trong thiết kế các công trình, dự án xây dựng đã được phát triển ở rất nhiều nơi trên thế giới và cũng đang có mặt ở Việt Nam. Nó là hướng đi mới, tích cực, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Thế nhưng, làm sao cho ý tưởng “xanh” này không rối rắm, mang lại giá trị cộng hưởng cho không chỉ là bài toán của một dự án, mà là bài toán của cả một cộng đồng, thì cần thiết phải có sự vào cuộc nhiều hơn của các cơ quan quản lý ngành xây dựng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Theo Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản