Vật liệu thân thiện
Từ những kiến trúc truyền thống
Sau thời kỳ xây dựng ồ ạt với những loại vật liệu mới, hiện đại thiếu thân thiện với môi trường; thì việc sử dụng vật liệu thân thiện đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu, để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, gìn giữ môi trường. Thực ra, ở Việt Nam, vật liệu thân thiện trong kiến trúc đã có từ rất lâu, từ khi chưa có khái niệm vật liệu thân thiện và kiến trúc xanh.
Có thể thấy, ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, vật liệu thân thiện (vốn mang đậm yếu tố bản địa) là những nếp nhà tranh – tre, nhà gỗ. Đó là những vật liệu sẵn có tại địa phương đó (hoặc vùng lân cận) và dễ chế tác. Một số loại vật liệu khác như đá, gạch xây, ngói lợp cũng là vật liệu bản địa. Việc dựng nhà không đòi hỏi nhân lực quá nhiều, kỹ năng không quá khó, vật liệu không phải vận chuyển từ xa. Ngay cả quy trình xây dựng cũng rất “thân thiện” và hợp lý; từ việc đào ao lấy đất đắp nền, sử dụng những vật liệu gần gũi trong môi trường như gỗ xoan, gỗ mít làm khung nhà; tre làm khung mái (hoành, rui, mè); mái lợp tranh, lợp ngói…
Nhà giàu thì tường xây mái ngói, nhà nghèo thì tường đất mái lợp tranh, rạ. Cây xanh và mặt nước là những “vật liệu” thân thiện rất đặc biệt tạo nên môi trường sống trong lành, cảnh quan đẹp, đặc trưng của nông thôn. Những loại vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa, lá… được trồng nhiều, liên tục sẵn có; và khi hết tuổi thọ được sử dụng cho nhiều mục đích khác hữu hiệu.
Ở miền núi phía Bắc, có thể kể tới tiêu biểu là nhà trình tường đất của dân tộc Mông và một số dân tộc khác. Nhà trình tường đất là một nét kiến trúc rất đặc trưng. Không chỉ ưu điểm sẵn có, dễ thi công mà những kiến trúc này còn thích ứng với khí hậu địa phương: mùa đông ấm, mùa hè mát, chống nồm ẩm. Ở cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), những ngôi nhà của người Mông còn có một nét rất riêng – đó là hàng rào đá. Hàng rào đá là một bộ phận quan trọng trong tổng thể ngôi nhà và quần cư người dân nơi đây, với vật liệu rất sẵn – đá. Vừa mang ý nghĩa công năng, hàng rào đá cũng là tác phẩm nghệ thuật độc đáo của kiến trúc nhà ở người Mông, là một đặc điểm nhận dạng đầy cá tính.
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) lại nổi tiếng với những ngôi nhà được xây bằng đá ong – một loại vật liệu bản địa rất sẵn. Đá ong làm nên nét riêng ở Đường Lâm không lẫn ở đồng bằng Bắc bộ. Và có thể kể thêm những vật liệu bản địa khác được sử dụng cho xây dựng công trình, nhà ở trong suốt chiều dài lịch sử, từ xa xưa cho tới tận bây giờ, ở nhiều vùng miền; như vật liệu đá ở vùng Ninh Bình, Thanh Hóa; lá cọ lợp mái ở vùng trung du phía Bắc, lá dừa nước lợp mái ở miền Trung và Nam bộ, tre và các loại cây họ tre ở khắp mọi miền đất nước… – tất cả đều là những vật liệu thân thiện, gần gũi, bền bỉ qua năm tháng tạo nên những giá trị đặc sắc trong việc tổ chức không gian sống.
Bên cạnh nhà ở, còn có những công trình quy mô lớn cũng sử dụng vật liệu bản địa, như thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) xây bằng đá ong, thành Tây Đô (thành nhà Hồ) ở Thanh Hóa xây bằng đá xanh; hay tuyệt tác nhà thờ đá Phát Diệm xây bằng đá ở Kim Sơn, Ninh Bình.
Vật liệu thân thiện trong kiến trúc hiện đại
Vật liệu thân thiện là một nhân tố quan trọng của kiến trúc thân thiện, bền vững – kiến trúc xanh. Trong kiến trúc hiện đại, khái niệm vật liệu thân thiện được mở rộng hơn, tất nhiên yếu tố bản địa vẫn rất quan trọng – bởi nó tạo dấu ấn kiến trúc – văn hóa riêng biệt. Vật liệu thân thiện đúng nghĩa được phân loại nguồn gốc và sử dụng theo những nhóm sau:
Các loại vật liệu có khả năng tái chế, tuần hoàn trong tự nhiên, có trữ lượng lớn, phát triển nhanh như một số loại tre, gỗ (với việc khai thác và tái đầu tư, sản xuất hợp lý).
Các loại vật liệu có sẵn ở địa phương, vật liệu dễ chế tác, thi công như đất, đá, các loại cây thích hợp dùng trong xây dựng… nhằm làm giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm năng lượng.
Các loại vật liệu giảm độc hại tới môi trường (bụi, khí thải, chất thải rắn…) trong quá trình sản xuất, thi công; ít ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên; giảm tiêu thụ năng lượng. Ví dụ các loại gạch không nung, bê tông nhẹ…
Các loại vật liệu tái chế như kim loại, thủy tinh, giấy bìa, gỗ…; các loại rác thải công nghiệp như chai lọ, container đựng hàng, xe hỏng… Tuy nhiên dạng vật liệu xanh này bản chất là một cách tận dụng phế thải, chủ yếu để làm những công trình tạm hoặc công trình đơn lẻ không yêu cầu bền vững. Mặt trái khác có thể là ảnh hưởng độc hại từ những loại vật liệu này.
Hạn chế sử dụng các loại vật liệu gây hiệu ứng không tốt về môi trường hay trong quá trình khai thác vận hành ở công trình; các loại vật liệu tiêu hao năng lượng lớn trong quá trình sản xuất. Ví dụ các loại vật liệu nung ở nhiệt độ cao, vật liệu kính.
Như vậy, có những sự thay đổi nhất định trong việc đánh giá về vật liệu thân thiện. Ví dụ như các loại vật liệu gạch ngói đất nung trước kia có thể coi là vật liệu bản địa, truyền thống – vật liệu thân thiện thì nay ở nhóm gây nguy hại cho môi trường; hoặc đá tự nhiên là loại vật liệu không thể tái tạo. Nhưng một loại vật liệu mới là thép lại có thể coi là thân thiện vì khả năng tái sử dụng, tái chế của nó.
Trong công trình, vật liệu xây dựng chiếm phần lớn tổng giá thành. Nếu sử dụng hợp lý vật liệu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tài nguyên thiên nhiên, trong đó có các nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên, đang ngày càng cạn kiệt; việc khai thác quá mức phục vụ nhu cầu xây dựng của thị trường đã dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xu hướng phát triển các loại vật liệu thay thế có ý nghĩa vô cùng lớn trong bối cảnh hiện nay, làm giảm tác động đến tài nguyên và môi trường sống, giảm giá thành của sản phẩm một cách tối đa, đồng thời có tính năng, chất lượng sử dụng tương đương, thậm chí nhiều sản phẩm còn mang nhiều tính ưu việt hơn sản phẩm truyền thống.
Đã có một số công nghệ mới như vậy được sử dụng tại Việt Nam như công nghệ sản xuất gạch nhẹ, gạch không nung từ phế thải công nghiệp (tro bay nhiệt điện, xỉ than…) thay thế cho gạch nung truyền thống; hay các loại gỗ nhân tạo sản xuất từ rơm rạ, trấu, vụn gỗ… để thay thế cho các loại gỗ tự nhiên. Gỗ nhân tạo về nhiều điểm có tính năng tốt hơn một số loại gỗ tự nhiên phổ thông như ít cong vênh, chịu nước, chịu mài mòn… Như vậy, phế thải từ nhiều ngành nếu biết cách sử dụng sẽ tạo nên các loại vật liệu có chất lượng cao, tiết kiệm được tài nguyên, giải quyết vấn đề môi trường.
Vật liệu địa phương cũng là xu hướng mà thế giới đã khuyến khích áp dụng từ lâu, vừa đem lại nét bản sắc vùng miền, vừa thân thiện và giảm giá thành xây dựng. Ở Việt Nam, các loại vật liệu như tre, nứa tại các vùng nguyên liệu trồng tái sinh cũng là những vật liệu địa phương nhiều ưu việt, cho hiệu quả thẩm mỹ cao và có thể ứng dụng tốt trong điều kiện Việt Nam. Nếu được xử lý bằng công nghệ mới, vật liệu tre có thể kéo dài tuổi thọ lên 20 năm và được sử dụng cho rất nhiều chức năng trong công trình như khung, vật liệu ốp tường, lát sàn, trang trí…
Mặc dù việc sử dụng vật liệu thân thiện trong kiến trúc hiện đại vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, chưa thực sự là một cuộc cách mạng song trào lưu kiến trúc xanh – vật liệu thân thiện trong những năm gần đây đã ít nhiều tạo nên nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, có thể coi là một sự khởi đầu đầy hy vọng trong tương lai.
Bài và ảnh Hà Thành
Theo tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp