Quốc hội thảo luận liên quan đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Ngày 1/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc, nghe và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mở đầu phiên họp sáng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Sau đó cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu liên quan tới dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Phiên họp sáng 1/6 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sẽ điều khiển phiên họp với nội dung về dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Mở đầu phiên họp chiều, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sau khi Bộ trưởng Nghĩa đọc tờ trình về dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án sân bay quốc tế Long Thành. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Long Thành.
Chiều nay, Quốc hội nghe tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo trước khi bàn thảo việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Vào chiều qua, 31/5 các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 8 chương 50 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi đợt này, cũng như các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Dự thảo Luật khi được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách.
Góp ý tại Điều 7, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long Đỗ Đình Gần cho rằng: Sự thảo Luật đã quy định bao trùm tất cả người được trợ giúp pháp lý quy định trong Luật trẻ em, Luật phòng chống buôn bán người, Luật người khuyết tật… Tuy nhiên, tại khoản 6, điều 7 dự thảo Luật chỉ lựa chọn những người “khó khăn về tài chính” hay “không thuộc trường hợp buộc tội” là chưa phù hợp. Theo ông Đỗ Đình Gần, trẻ em hay người từ 16 đến dưới 18 tuổi thì đa số không có tài sản, tài chính…, vì thế dự thảo Luật nên xem xét lại điểm này.
Góp ý Điều 16 về chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, các đại biểu đề nghị bỏ quy định tổ chức đăng ký trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 1 năm liên tục (điểm c, khoản 2). Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị nâng thời gian lên 2 năm thay vì bỏ quy định đối với vấn đề này.
Thành Nam