24/04/2017

Tọa đàm Hệ thống xử lý nước thải và chống ngập tiên tiến nhất của CHLB Đức

Sáng 16/04/2017, tại Hội trường U401 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) đã diễn ra buổi Tọa đàm “Hệ thống xử lý nước thải và chống ngập tiên tiến nhất của CHLB Đức” do HAU, Công ty Sao Khuê và Công ty Luritec (Cộng hòa Liên Bang Đức) phối hợp thực hiện.

TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Dự buổi tọa đàm có ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người sáng lập ra Hiệp hội bất động sản Việt Nam; ông Đoàn Ngọc Xuân – Chánh Văn phòng Kinh tế Trung ương; ông Phạm Văn Quân – Đại diện Bộ Công thương; ông Thân Thanh Vũ – Chủ tịch Công ty Sao Khuê; ngài Ralf Steeg – Giám đốc Công ty Luritec cùng sự có mặt của các chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước; đại diện một số công ty chuyên về lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, quy hoạch đô thị trên địa bàn Hà Nội
Về phía lãnh đạo Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng ban chức năng trong Trường, các thầy cô giáo là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường cùng các em sinh viên Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.KTS. Ngô Thị Kim Dung – Phó Hiệu trưởng HAU cho biết: “Trường Đại học có truyền thống hơn 55 năm đào tạo. Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị là một trong những Khoa lớn được thành lập đầu tiên của Trường. Khoa đã và đang đào tạo cho Bộ, Ngành và cho đất nước rất nhiều kỹ sư chất lượng cao, uy tín với các ngành Cấp thoát nước, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng và gần nhất là ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông. Đây là các chuyên ngành mà xã hội và ngành Xây dựng đang rất cần để góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nên bộ mặt khang trang, đồng bộ trong các đô thị, các khu công nghiệp và công trình xây dựng hướng tới phát triển bền vững…”

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Kim Dung: “Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức với nhân loại, với các Quốc gia trong đó có Việt Nam. Mặc dù có nhiều cố gắng xong chưa giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề thoát nước, chống úng ngập, đặc biệt là tại các đô thị lớn trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đó là niềm trăn trở, day dứt, là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà xã hội, những nhà quản lý, nhà chuyên môn cần chung tay góp sức…”

Vì vậy, việc phối hợp với Công ty Luritec – Một Công ty chuyên nghiên cứu xây dựng hệ thống nước thải hàng đầu CHLB Đức, dưới sự bảo trợ của Công ty Sao Khuê cơ hội quý báu. Đây là cơ hội để tập thể Nhà trường, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, các nhà quản lý, nhà khoa học trong ngành cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, công nghệ tiên tiến, các cơ sở khoa học và chuyên viên trong lĩnh vực thoát nước, môi trường; góp phần cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong Nhà trường ngày càng hoàn thiện.

Diễn giả chính của buổi Tọa đàm – Chuyên gia Ralf Steeg – Tiến sĩ Kiến trúc cảnh quan và Quy hoạch môi trường, đồng thời là chuyên gia về hệ thống xử lý nước thải, Giám đốc Công ty Luritec cho rằng ông rất ấn tượng với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng về nước với các bờ biển dài, sông ngòi, ao hồ của Việt Nam. Tuy nhiên, giống như nhiều nước trên thế giới, nước thải đang là vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt giải quyết. Xử lý nước thải là một quá trình có sự liên quan mật thiết giữa Quy hoạch đô thị và Kỹ thuật môi trường. Trong đó, vai trò của người Kỹ sư môi trường không phải là làm lại những gì đã có mà phải tạo ra các công nghệ mới và có năng lực thuyết phục các đơn vị liên quan hỗ trợ mình trong việc thực hiện…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe chuyên gia thuyết trình về các công nghệ ứng dụng, quy trình vận hành của hệ thống xử lý nước thải dạng ống – Sewage Treatment Pipe (STP). Khác với hệ thống xử lý nước thải truyền thống cần có nhà máy xử lý và hệ thống bể bùn hoạt tính, STP tích hợp tất cả các công đoạn xử lý vào hệ thống gồm 2 đường ống song song, hoàn toàn khép kín, tiết kiệm chi phí và hạn chế tối đa hiện tượng gây mùi. Đây là hệ thống bể phản ứng bán liên tục theo chu trình và cuối đường ống nước được thải ra là nước sạch. STP được trang bị nhiều cảm biến liên tục theo dõi và thích ứng với tính chất của nước. Ưu điểm tiếp theo của STP chính là từ công đoạn thiết kế, vận hành và cho ra thành phẩm nước sạch chỉ mất khoảng 1 năm. Đặc biệt, hệ thống được lắp đặt ngay trên mặt nước, có thể kết hợp lắp đặt, mở rộng dễ dàng và được thiết kế để thích ứng môi trường nước mặn, điều kiện mưa lũ, thiên tai.

Rất nhiều câu hỏi thú vị tại buổi tọa đàm xoay quanh công nghệ, ứng dụng, quy trình hoạt động của STP đã được đặt ra, trao đổi sôi nổi. Buổi tọa đàm là tiền đề mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Công ty Sao Khuê – Công ty Luritec và một số Công ty khác trong lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường.

Ông Tống Văn Nga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người sáng lập ra Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Diễn giả chính của buổi Tọa đàm – Chuyên gia Ralf Steeg – Giám đốc Công ty Luritec

Theo ĐH Kiến trúc HN