Hội thảo Đối thoại chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị
Ngày 20/4/2017, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị với sự tham dự của ông Rolf Alter -Trưởng Ban Quản trị công và phát triển lãnh thổ OECD và các chuyên gia của OECD, UN Habitat, đại diện các Bộ, ban, ngành và UBND các thành phố trong cả nước cùng nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đến dự, chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến các nhà hoạch định chính sách cấp cao từ các Bộ có liên quan về chính sách đô thị ở Việt Nam cũng như các chuyên gia trong nước, quốc tếcùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đề xuất các chính sách quản lý, phát triển đô thị có tính khả thi cao, tăng cường vai trò của tư vấn, phản biện, xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan đến đô thị, tìm kiếm phương thức mới trong khai thác các nguồn lực phát triển đô thị, kinh nghiệm quốc tế về quản lý đô thị cũng như sự tham gia của cộng đồng để phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững.
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ OECD, UN-Habitat, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) trình bày các tham luận về: Tổng quan chính sách đô thị quốc gia các nước trên thế giới; chính sách đô thị quốc gia – cơ hội và thách thức cho việc triển khai tại Việt Nam; tổng quan hiện trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; tổng quan tình hình phát triển đô thị quốc gia – hiện trạng và các thách thức.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Phát triển đô thị đang ngày càng trở nên nổi bật trong các chương trình nghị sự của các quốc gia. Tầm quan trọng của các khu vực đô thị lớn đối với nền kinh tế quốc gia cũng như vai trò của đô thị trong phát triển bền vững đã làm tăng sự chú ý của các chính phủ tới quá trình đô thị hóa. Tại Việt Nam, phát triển đô thị luôn nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ. Điều này được thể hiện qua sự ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đô thị như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Du lịch, Luật Nhà ở.
Trong gần 20 năm qua, hệ thống đô thị của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng cũng như về chất. Hệ thống đô thị trên toàn quốc đã được phân loại, phân cấp. Đô thị ở Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Quang cảnh Hội thảo
Quá trình đô thị hóa của Việt Nam, bên cạnh những thành công cũng gặp phải những thách thức, đó là: Sự hạn chế về nguồn lực phát triển, nhận thức và trình độ quản lý còn yếu, chất lượng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, hạ tầng đô thị chưa tốt, định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều mới mẻ đối với công tác phát triển đô thị.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh, Bộ Xây dựng đang từng bước hoàn thiện thể chế và hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo cán bộ quản lý đô thị. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với các chính sách lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng và OECD hợp tác xây dựng Báo cáo OECD đánh giá chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam với đóng góp kỹ thuật của UN-Habitat, GGGI và các đối tác khác.
Trần Đình Hà/Theo Moc.gov.vn