Phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu
Quy hoạch và phát triển đô thị xanh tại Việt Nam cần có tầm nhìn lâu dài để tránh làm lãng phí tài nguyên đất, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho con người trong tương lai.
Chưa có khái niệm nào định nghĩa rõ nét về đô thị xanh
Theo TS.KTS.Lê Thị Bích Thuận (nguyên Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng) các đô thị đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, thành phố của các công trình giao thông, các phương tiện cá nhân, lãng phí tài nguyên, giảm khả năng phát triển bền vững và mất dần tính bản địa của địa phương. Đô thị phát triển với tiêu chí chung là mật độ thấp, dân cư dàn trải, tiêu thụ tài nguyên và ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá. Do đó hầu hết các mô hình quy hoạch xây dựng đô thị đều dựa trên quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất chức năng dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới hệ sinh thái.
Trong tương lai, nếu các đô thị vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn phát triển theo hướng trên thì kết quả sẽ tạo nên những đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ. Sự phát triển của đô thị xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị trung bình và nhỏ. Sự phát triển của các đô thị xanh cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hoàn toàn chưa có khái niệm nào định nghĩa rõ nét về đô thị xanh, dù trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị đó là hệ thống cây xanh. Cụ thể, trong Luật Quy hoạch đô thị, tại Điều 33 về nội dung thiết kế đô thị, Luật đã quy định không gian cây xanh, mặt nước, sân vườn là một nội dung cần thiết trong các đồ án quy hoạch. Vấn đề cây xanh đô thị cũng được nêu tại Điều 68 “Quản lý cây xanh, công viên, cảnh quan tự nhiên và mặt nước”. Bên cạnh đó, Nghị định 37 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị có nêu tại Mục b, Khoản 5, Điều 15. Nội dung đồ án quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương yêu cầu xác định công viên cây xanh và không gian xanh, mặt nước là một trong các định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm.
Nhận diện đô thị xanh
TS Lê Thị Bích Thuận cho rằng, không chỉ dừng lại ở yếu tố cây xanh, để trở thành một đô thị xanh, tất yếu còn cần thêm việc quy hoạch hợp lý để năng cao chất lượng và độ phổ biến của các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân đồng thời tích hợp với việc sử dụng đất có hiệu quả…
Còn theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng, phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Trong các tiêu chí về đô thị xanh, tiêu chí về chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị là tiêu chí hướng tới đô thị xanh có hiệu quả cao nhất để tạo nên đô thị xanh. Tỷ lệ cây xanh đô thị hiện nay là 2-3m2/ người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người. Nghĩa là tỷ lệ cây xanh đô thị ở Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 so với tiêu chuẩn thế giới. Chính vì thế, quỹ đất vốn có của Việt Nam đang bị lạm dụng rất lãng phí, nếu tính đến vấn đề lâu dài, vô hình trung sẽ khiến môi trường sống bị phá vỡ.
PGS.TS Đỗ Tú Lan (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) thì cho rằng ở Việt Nam, việc quan tâm quy hoạch và trồng cây xanh đô thị vẫn được thường xuyên quan tâm thực hiện. Các công trình xây dựng trong thành phố có quy mô nhỏ, ít nhà cao tầng, do đó, diện tích cây xanh và hệ thống cây bóng mát tuyến phố cũng làm cho thành phố có độ xanh nhất định. Ý tưởng xanh hóa đô thị không phải dễ dàng thực hiện giống nhau ở các đô thị. Mỗi nơi có điều kiện khác nhau, do đó cần phải có các giải pháp thực tiễn hợp lý, có quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo và cộng đồng nhân dân cùng chung tay hợp sức.
Còn TS. Đoàn Văn Lư (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì lưu ý, sự biến đổi khí hậu với xu hướng nóng lên trên phạm vi toàn cầu cùng với các hoạt động và nhịp sống đô thị mạnh mẽ đã và đang có ảnh hưởng đến môi trường không gian xanh đô thị, không chỉ các mảng xanh mà còn đến cả mặt nước và nguồn nước. Vì vậy, trong kiến trúc không gian xanh đô thị, cây xanh phải có cấu trúc về chủng loại có thể thích ứng và chịu được những cực đoan về biến đổi khí hậu nhằm cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.
Đề cập đến giải pháp về phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng giải pháp đô thị nên là một lựa chọn quan trọng của đô thị xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp hạ tầng kĩ thuật và giao thông theo hướng hạ tầng xanh, phát triển giao thông công cộng hạn chế cacbonic (CO2). Với mạng lưới giao thông hợp lý, đô thị phát triển tập trung hơn sẽ tạo cho các dịch vụ cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho đô thị hoạt động hiệu quả và giảm được chi phí năng lượng để vận hành. Cấu trúc của hệ thống giao thông đô thị sẽ quyết định tới khả năng khai thác và sử dụng đất, đồng thời cơ cấu sử dụng đất sẽ quyết định tới nhu cầu đi lại.
Đặc biệt, để phát triển một đô thị xanh, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.
Hà Đào/Báo Xây dựng