Chưa thể tích hợp toàn bộ
Định khung chưa nhìn nhận đến thực tiễn
Quy định của dự thảo Luật Quy hoạch sẽ dẫn đến một loạt biến đổi của cơ quan làm công tác quy hoạch. Hiện nay, ngoại trừ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có Sở Quy hoạch Kiến trúc riêng còn tất cả các địa phương khác, cơ quan làm công tác quy hoạch đều nằm trong Sở Xây dựng. Chưa kể, ở rất nhiều tỉnh, thành phố có Viện quy hoạch riêng. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì tất cả các đầu mối này sẽ chuyển đổi như thế nào? Lúc đó, cải cách hành chính, biên chế… tính sao? Trong khi đó, Bộ Nội vụ hiện cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định để sáp nhập một số sở tại các địa phương nhưng 2 năm trời nghiên cứu vẫn chưa xong, mới đây lại bảo hoãn dự thảo Nghị định đến tháng 10 năm nay mới trình được.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm |
Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nêu 5 vấn đề phải giải quyết về quy hoạch, với yêu cầu rất quan trọng là xác định cho cả hệ thống đô thị quốc gia. Tại sao Trung ương lại yêu cầu như vậy? Vì hiện nay, chúng ta có đến mấy chục nghìn quy hoạch nhưng có quy hoạch thì do bộ quản lý và tổ chức lập, có quy hoạch ngành thì do bộ phê duyệt, nhưng cũng có quy hoạch do địa phương, các đô thị trình lên, được bộ thỏa thuận đồng ý rồi chính quyền địa phương phê duyệt… Bản chất của hiện tượng quy hoạch này không phù hợp quy hoạch kia là do người làm khác nhau, người thẩm định khác nhau, và thiếu một đầu mối thẩm định.
Từ khi dự án Luật Quy hoạch được bắt đầu triển khai xây dựng đến nay đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức. Và gần như tất cả các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, Luật Quy hoạch chỉ nên là luật khung. Tức là, Luật Quy hoạch cần tập trung vào việc xác định hệ thống quy hoạch gồm những gì? Trình tự quy hoạch làm đến đâu, cấp thẩm định phê duyệt làm đến đâu… Tuy nhiên, cấu trúc của dự thảo Luật hiện nay lại có những nội dung rất chi tiết, ví dụ quy hoạch vùng kinh tế – xã hội. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội nêu rất cụ thể, từ nhiệm vụ, trình tự, nội dung đến hồ sơ ra sao. Quy định như vậy thiên về ngành kế hoạch đầu tư, kinh tế xã hội mà không nói gì cụ thể về luật khác nữa.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Quy hoạch cũng loại trừ quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn. Như vậy là không đúng với tinh thần chỉ đạo mà Trung ương đã đề ra trong Nghị quyết số 13. Trong khi đó, nội dung dự thảo Luật lại lấy các quy định từ các luật khác để chuyển vào Luật Quy hoạch. Quy định như vậy là không hợp lý. Hệ thống quy hoạch ở Điều 12 cũng không rõ ràng, vừa phân theo địa giới hành chính lại vừa phân theo ngành nhưng cũng không làm rõ được ngành ở đây là gì, hệ thống ngành là gì. Ví dụ, trong quy hoạch ngành quốc gia có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành ở cấp quốc gia, nhưng trong quy hoạch cấp tỉnh thì lại không nói gồm những loại quy hoạch gì.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý đối với dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay là phải xử lý các luật liên quan như thế nào. Qua các đề tài nghiên cứu khoa học, qua thực tế tìm hiểu, nghiên cứu thì luật hiện hành sẽ bị tác động bởi dự thảo Luật Quy hoạch, ít nhất sẽ phải điều chỉnh khoảng hơn 50 luật và gần 60 nghị định. Có vị nói rằng, việc sửa đổi các luật liên quan rất đơn giản, nhiều luật chỉ bỏ hai chữ “quy hoạch” đi là xong. Tôi cho rằng, cách suy nghĩ như vậy là quá đơn giản. Nếu vẫn giữ như dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay thì có rất nhiều luật phải sửa đổi nội dung, trong đó có cả những luật quan trọng, mới được QH thông qua trong vài năm trở lại đây như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Đất đai 2013… hay có luật nghe tên thì thấy có vẻ không liên quan gì đến Luật Quy hoạch như Luật Người khuyết tật cũng sẽ phải sửa. Rõ ràng, dự thảo Luật Quy hoạch định khung chưa nhìn nhận đến tính thực tiễn của điều khoản thực hiện, thời gian hiệu lực.
Nguồn: baoxaydung.com.vn |
Chỉ tích hợp được quy hoạch xây dựng vùng
Quy hoạch là định hướng nhưng cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý. Công cụ thì có công cụ tổng hợp và công cụ chuyên ngành. Quá trình thảo luận, các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm nên tích hợp quy hoạch. Cá nhân tôi cũng cho rằng, tích hợp quy hoạch là cần thiết và là xu hướng tích cực.
Vấn đề là tích hợp những nội dung nào? Đặc biệt là, có tích hợp được, quy hoạch các ngành quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể ở các địa phương không? Hiện nay, quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước một bước. Vậy thì sắp tới sẽ thế nào, quy hoạch xây dựng sẽ đi trước, song song hay là đi sau?
Trước hết, phải hiểu rõ định nghĩa về quy hoạch xây dựng. Đó là quy hoạch về không gian vật thể, có cả quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quy hoạch xây dựng là quy hoạch đã mang chức năng đa ngành hay nói cách khác, là một ngành khoa học tổng hợp. Mặc dù lời giải cuối cùng của quy hoạch xây dựng chỉ là quy hoạch không gian vật thể. Nhưng để có không gian vật thể, tức là chia ra chỗ này công cộng, chỗ này nhà ở, chỗ này công nghiệp… thì phải gắn kết với dự báo phát triển kinh tế – xã hội, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên môi trường… Nếu ai đó nói rằng, các nước không có cái gọi là “quy hoạch xây dựng” là chưa chính xác. Nước nào cũng có nội dung về quy hoạch xây dựng, chỉ khác nhau ở tên gọi. Đối với nước ta thì quy hoạch xây dựng càng được chú trọng, luôn đi trước các quy hoạch khác một bước. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng là tổ chức không gian vật thể sẽ xác định chức năng các khu vực để xác lập mối quan hệ với quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành. Quy hoạch xây dựng còn có nhiệm vụ cụ thể hóa quy hoạch trường học, quy hoạch giao thông, quy hoạch thể thao, quy hoạch vui chơi giải trí, quy hoạch cây xanh…
Theo kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, có thể tích hợp quy hoạch xây dựng vùng vào quy hoạch tổng thể, bởi đó là vùng kinh tế trọng điểm, vùng chức năng đặc thù. Còn quy hoạch xây dựng cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh thì chưa nên và khó tích hợp trong giai đoạn trước mắt. Lý do vì quy hoạch xây dựng cấp tỉnh là lĩnh vực rất cụ thể, tác động nhiều đến kinh tế – xã hội, còn quy hoạch kinh tế – xã hội thì không thể có tích hợp toàn bộ được.
Bài học của Hà Nội đã có thí điểm tích hợp quy hoạch nhưng là tích hợp ở khung chung, tổng quan chứ không tích hợp nội dung cụ thể của quy hoạch xây dựng (như đường ống cấp thoát nước bao nhiêu, đường là bao nhiêu, xây dựng cao tầng, thấp tầng ở đâu…). Rõ ràng, đó là chuyên ngành của xây dựng (quy hoạch vật thể) chứ không thể là quy hoạch kinh tế – xã hội. Hiện, nhiều nước cũng có quy hoạch riêng và nếu có tích vào quy hoạch tổng thể cấp vùng mà thôi.
A.Nhiên – V. Thủy ghi