Hà Nội “khát” điểm đỗ xe
Cả chục năm nay, Hà Nội luôn trong tình trạng thiếu điểm đỗ xe cho cả ôtô và xe máy. Giờ đây, “cơn khát” đã lên tới đỉnh điểm khi lượng xe gia tăng quá lớn trong khi điểm đỗ ngày càng hiếm hoi.
Bài 1: Bí bách như tìm chỗ đỗ xe ở Thủ đô
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội hiện đang quản lý 630.710 xe ôtô, 5.319.822 xe môtô. Trung bình mỗi ngày có 1.300 xe môtô đăng ký mới và khoảng 200 xe ôtô đăng ký mới. Cư dân vẫn tiếp tục đổ dồn về đô thị, kéo theo đủ thứ nhu cầu, trong đó có nhu cầu để xe. Hà Nội đã từng có những dự án bãi đỗ xe tĩnh nhưng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Vậy, làm thế nào để giải bài toán thiếu trầm trọng điểm đỗ xe?
Vỉa hè, lòng đường ken đặc ôtô, xe máy. Giao thông ùn tắc cũng chỉ vì những chiếc xe dừng đỗ làm thu hẹp lòng đường. Chạy lòng vòng qua nhiều con phố, nhiều người không thể tìm được một điểm đỗ cho xe. Chưa bao giờ Hà Nội bí bách chỗ đỗ xe như thế.
Tiêu tốn nhiều xăng dầu tìm chỗ đỗ
Hà Nội sau ngày ra quân trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Trên nhiều vỉa hè vốn bị xe máy, ôtô chiếm dụng, giờ đã thênh thang, thông thoáng. Thế nhưng, nhiều người không thể tìm cho mình một chỗ đỗ xe mà cứ phải đi lòng vòng khắp phố này đến phố khác.
Anh Võ Xuân Thủy ở quận Hà Đông, Hà Nội công tác tại một trụ sở trên phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. Trước đây anh thường gửi xe ôtô tại một điểm gửi xe tự phát ở gần cơ quan. Nhưng sau đó, điểm trông xe này cũng đóng cửa nên anh chuyển sang gửi xe tại tầng hầm của một khách sạn cạnh đó. Tuy nhiên, tầng hầm này cũng có hạn nên nếu muốn có chỗ để xe thì anh phải đến sớm.
Có hôm, sáng ra anh phải đi làm việc ở Mỹ Đình, gần trưa về đến cơ quan thì không còn chỗ. Anh Thủy loay hoay đi khắp các con phố xung quanh cơ quan cũng chẳng tìm được nơi nào gửi xe.
Thiếu điểm đỗ, ôtô đỗ tràn lên vỉa hè và dưới lòng đường.
Anh kể: “Tôi đi ra phố Trần Quốc Toản nơi có một điểm trông giữ xe của Công ty 901 đã thấy chật kín xe, tiếp tục tới khu vực quanh Cung Hữu nghị Việt Xô, rồi hướng ra Công viên Thống Nhất… không thể tìm được một nơi để xe. Cuối cùng tôi đành đưa xe về tận Hà Đông rồi đi taxi lên cơ quan. Từ ngày Hà Nội siết chặt quản lý vỉa hè, xe cũng không thể để lung tung được nữa nên tôi chuyển sang đi xe máy”.
Câu chuyện của anh Thủy là điển hình về những tình huống đầy bi hài của người đi ôtô hiện nay ở Hà Nội. Sau ngày 10-3, nhiều người dân Hà Nội đã bỏ ôtô và đi làm bằng xe máy vì lý do không có chỗ gửi xe. Thê thảm hơn, lái xe của một UBND huyện ngoại thành Hà Nội chở lãnh đạo về nội thành họp cho biết, vì không có chỗ để xe nên anh cho xe chạy lòng vòng quanh thành phố tới khi gần hết xăng để chờ “sếp” họp xong.
Chị Phạm Hoài Phương, công tác ở một cơ quan trên phố Tuệ Tĩnh phải cạy cục mãi cuối cùng mới xin được một suất gửi xe tháng ở gần cơ quan. Thiếu trầm trọng chỗ để xe đã khiến một số bãi trông xe bắt đầu tăng giá, có bãi giá đã tăng lên 3 triệu đồng/tháng nhưng nhiều người vẫn buộc phải gửi.
Không chỉ thiếu chỗ đỗ ôtô mà ngay cả xe máy cũng ở trong tình trạng này. 8h ngày 17-3, chúng tôi có mặt ở phố Phủ Doãn đã thấy người đỗ xe máy thành hàng dài dưới lòng đường. Các bãi gửi xe của bệnh viện đều chật ních, người bệnh loay hoay chạy lòng vòng qua mấy tuyến phố quanh đó không tìm được chỗ gửi xe. Có người phải mang xe máy đi gửi cách đó hơn 1km, sau bắt taxi tới bệnh viện.
Trước đây vào giờ cao điểm buổi sáng, các điểm trông xe trái phép phía đối diện Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương “chém” khách 20.000đ/xe, nhưng từ 10-3 những bãi này không còn hoạt động nữa, người vào bệnh viện càng bí bách chỗ để xe.
Tiền tỷ trông xe chui vào túi cá nhân
5 phút gửi xe được coi như đã gửi xe 1 giờ đồng hồ, đó là thực tế quy định trông giữ xe ở các tòa nhà văn phòng cao tầng, trung tâm thương mại.
Chị Phạm Thanh Hà ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: “Tôi có việc giao dịch tại một tòa nhà ở Cầu Giấy. Xe ôtô xuống hầm được nhập dữ liệu điện tử. Mặc dù biết giá trông giữ xe theo giờ nhưng tôi chắc mẩm khung giờ quy định của thành phố là 2 tiếng. Bởi thế, giao dịch xong trong vòng 1 tiếng, tôi trò chuyện cố thêm vài phút nữa. Không ngờ khi trả tiền trông xe, máy tính tính mức giá 2 tiếng cho tôi (20.000 đồng/tiếng). Nếu biết trước thì tôi đã liệu thời gian cho đỡ tốn tiền. Một ngày tôi phải vào vài nơi như thế thì chi phí cho việc đi lại, đỗ xe vô cùng tốn kém”.
Trong các trung tâm thương mại, tòa nhà lớn có tầng hầm để xe nhưng nhiều người lại không dám đưa xe vào. Mức trung bình là 20.000đ – 30.000đ/h/ôtô. Nếu để xe một ngày thì số tiền này sẽ lên tới vài trăm nghìn đồng. Bởi vậy, nhiều người làm việc trong các tòa nhà lớn không dám đưa xe vào chính tầng hầm đó mà chuyển đi cất ở những nơi không được phép đỗ xe.
Tốn tiền gửi xe đã đành, nhiều người chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn cũng không thể mua được một điểm đỗ xe. Ở một số chung cư cao cấp, có người phải bỏ cả tiền tỷ để mua được một chỗ đỗ dưới tầng hầm nơi mình đang ở. Người ta ví, mua bán điểm đỗ xe trong chung cư giống như mua bán căn hộ.
Thượng tá Nguyễn Đình Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội đánh giá: 4 quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều nhất vi phạm ôtô, xe máy đỗ trái phép dưới lòng đường, vỉa hè.
Trước cửa nhiều cơ quan, công sở ôtô cá nhân vi phạm diễn ra triền miên, có đơn vị mà các lực lượng tiến hành kiểm tra, yêu cầu di chuyển nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện. Càng ở những khu nhà cao tầng càng khó khăn chỗ để xe.
Do thiếu điểm đỗ nên người dân buộc phải vi phạm để xe ở chỗ không phép, việc xử lý của cơ quan chức năng thời gian qua chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Khảo sát một số bãi đỗ xe được cấp phép ở Hà Nội chúng tôi nhận thấy, phần lớn các các bãi này đều lấn chiếm diện tích trông giữ xe. Số tiền “khủng” thu được từ những diễn tích lấn chiếm này đổ vào túi cá nhân.
Chưa kể nhiều bãi trông xe trái phép hoạt động. Có những bãi trông giữ xe trái phép tái vi phạm nhiều lần, xử lý xong bãi này thì bãi mới lại mọc lên để đáp ứng nhu cầu người gửi.
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát trật tự, Hà Nội có 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường, đặc biệt trong đó có hơn 200 điểm là không có phép. Số tiền thu được từ 200 bãi trông giữ xe trái phép mỗi ngày là cực lớn.
Điển hình là các bãi trông giữ xe trái phép ở quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu trong hội nghị “Triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT và trật tự đô thị” mới đây.
Hà Nội hiện đang trong chiến dịch ra quân lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ, theo đánh giá của Phòng Cảnh sát trật tự thì người dân kêu nhất vẫn là “Chúng tôi để xe ở đâu?”.
Điều này đồng nghĩa với việc bãi trông giữ xe trái phép vẫn mọc lên và tự đưa ra mức giá. Người đi xe vẫn phải chấp nhận trả phí trông xe cao trong khi nhà nước bị thất thu thuế.
Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, năm 2016 lực lượng Thanh tra giao thông đã xử phạt 4.310 trường hợp vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định gây cản trở giao thông với số tiền phạt trên 3,1 tỷ đồng. Đặc biệt, Thanh tra giao thông đã xử phạt 222 trường hợp vi phạm về trông giữ phương tiện, phạt tiền gần 1 tỷ đồng. |
Theo Việt Hà – Trần Hằng/Cand.com.vn