Đây là khẳng định của Kiến trúc sư Trần Thành Vũ – Chuyên gia Chương trình năng lượng sạch Việt Nam tại Hội thảo “Phát triển khu đô thị cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam” do Tập đoàn Nam Cường tổ chức vào sáng 7/3 tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước, quốc tế tham dự
Theo ông Trần Thành Vũ, Việt Nam hiện nay rất khó có được công trình xanh thực chất là bởi chủ đầu tư quá hà tiện cho chi phí thiết kế.
“Trong khi ở nước ngoài, chi phí thiết kế chiếm tới 10% tổng vốn đầu tư thì tại Việt Nam chi phí này chỉ vỏn vẹn 1% của giá trị xây lắp (loại trừ chi phí thiết bị). Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục quá lâu cũng là yếu tố khiến việc tiết kiệm năng lượng trở nên xa vời” – ông Vũ cho biết.
Chính vì những vướng mắc trên, ông Vũ nhìn nhận khả năng Việt Nam có công trình cân bằng năng lượng là khá mong manh.
Theo tính toán của IFC, các tòa nhà hiện đang tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam.
Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Mặc dù đã có nhiều công ty, tập đoàn hướng đến phát triển công trình xanh, nhưng số lượng công trình đạt chứng chỉ xanh trên cả nước còn rất hạn chế, chủ yếu là những tòa nhà văn phòng, siêu thị và một số ít công trình nhà ở.
Tập đoàn Nam Cường hiện đang có tham vọng xây dựng dự án Dương Nội trở thành khu đô thị đầu tiên tại Việt Nam đạt đến ngưỡng cân bằng năng lượng, hay còn được gọi bằng cái tên “công trình zero energy”.
“Zero energy” là tên gọi những công trình có mức sử dụng năng lượng trung bình cả năm bằng 0. Dạng công trình này đòi hỏi sử dụng năng lượng cực nhỏ, đủ để cân bằng với mức năng lượng tự sinh ra do các thiết bị tái tạo năng lượng (mặt trời, gió…). Thậm chí, nếu được thiết kế và vận hành tốt hơn, các công trình này còn có năng lượng tích cực, nghĩa là sản xuất thừa và bán lại cho lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trần Như Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường thừa nhận, “công trình zero energy” vẫn chỉ là một mục tiêu hướng tới chứ chưa phải là điều có thể thực hiện được. “Xây dựng một tòa nhà tiết kiệm được 20% năng lượng đã là thành tựu, đã là một thử thách rất khó khăn cho cả công tác thiết kế, thi công, đầu tư và vận hành chứ không hề đơn giản”.
Do vậy, ông Trung cho biết trước mắt Nam Cường sẽ tập trung lấy bằng được chứng xanh EDGE của IFC cho các dự án Anland 1, Anland 2… rồi tiến tới lấy chứng chỉ xanh cho toàn bộ sản phẩm thấp tầng.
Theo tính toán của ông Trung, chi phí xây dựng công trình xanh hiện nay dao động 2 – 19%. Tuy nhiên không phải cứ đổ nhiều tiền là sẽ có công trình xanh. Điều đó phụ thuộc vào độ thông minh trong thiết kế, lựa chọn vật tư, vật liệu. Với Nam Cường, ông Trung tự tin khẳng định chỉ cần 2% là đã có công trình đạt chuẩn xanh.
Tại hội thảo, kiến trúc sư Trần Thành Vũ cũng đưa ra lời khuyên tại các khu đô thị nên thực hiện bắt đầu từ công trình mẫu, một nhóm nhà rồi nhân dần lên thành khu đô thị xanh. “Các khu nhà cao tầng nên tính toán giảm mức sử dụng năng lượng với mục tiêu có thể giảm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng so với hiện nay” – ông Vũ cho biết.
Linh Nhi/VFPress