TP.HCM làm nhà giá rẻ: Hạ giá thành chứ không giảm diện tích
Đây là phát biểu của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại Hội thảo “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ TP.HCM” do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRea) tổ chức ngày 27/2.
Theo ông Thăng, hiện nay chính quyền thành phố đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện bằng được chính sách phát triển nhà cho người thu nhập thấp. Cụ thể là thành phố đã nghiên cứu học tập cách làm của Bình Dương trên cơ sở cách làm sáng tạo năng động, làm thế nào để áp dụng vào điều kiện thực tế tại TP.HCM.
Tạo chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào để giảm giá nhà
Tại Hội thảo, các đại biểu là doanh nghiệp đã và đang triển khai làm nhà ở xã hội (NƠXH) đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng chuỗi liên kết cung ứng nguyên vật liệu đầu vào.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Đinh La Thăng, nếu tất cả doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá các nguyên liệu đầu vào thì việc giảm giá nhà không quá khó. Chính quyền thành phố luôn lắng nghe để tiếp thu hoàn thiện các chính sách nhằm tạo ra những khu nhà ở có giá trị hợp lý.
“Cái gì hay chúng ta học, cái sáng tạo chúng ta tiếp thu, có thể chấp nhận rủi ro để làm nhưng không phải cứng nhắc rập khuôn. Điều thành phố cần học hỏi chính là quyết tâm chính trị của Bình Dương để giải quyết tận cùng vấn đề”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện TCty Xi măng Việt Nam cũng cam kết giảm 300.000 đồng/tấn xi măng, Cty Tây Nam cũng sẽ giảm 20% giá đá Granite… khi cung cấp cho các dự án làm NƠXH
Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình cho rằng muốn giảm được giá nhà thì cần cắt giảm các chi phí trung gian. Đơn cử như công tác xây lắp thì cần tập trung cho một số nhà thầu xây dựng để họ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong thiết kế thi công, hay mua trực tiếp vật liệu từ các nhà sản xuất…
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, thành phố không nên khuyến khích làm đại trà nhà 100 triệu đồng như Bình Dương, bởi trước mắt thì đáp ứng nhu cầu thực tế, song về lâu dài lại phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của TP.HCM. Cho nên muốn làm được nhà giá rẻ thì các doanh nghiệp phải cùng ngồi với nhau, mỗi đơn vị tư vấn, đơn vị cung cấp vật tư, nhà thầu… giảm một chút thì giá thành căn hộ cũng sẽ giảm.
Sở Xây dựng sẽ là đầu mối một cửa để làm nhà giá rẻ
Mặc dù thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, thực hiện “một cửa” nhưng thực tế vẫn phải xin lòng vòng khi các doanh nghiệp làm NƠXH. Tại Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị các thủ tục liên quan đến xây dựng nói chung và các dự án nhà giá rẻ, NƠXH nói riêng cần thông thoáng hơn, nhanh hơn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để có được một giấy phép đầu tư một dự án NƠXH tại huyện Bình Chánh, nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm.
Nhà ở xã hội 100 triệu tại Bình Dương.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty Hoàng Quân cho biết, các dự án nhà ở cao cấp có diện tích đất lớn hàng trăm hec-ta thì các đơn vị chức năng phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của ông đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay ở khâu lấy ý kiến sở ngành về quy hoạch, chỉ tiêu dân số, đền bù giải toả…
“Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cần thiết, nhưng phải trải qua rất nhiều cấp, nhiều ngành nên dự án nhiều khi đi vào lãng quên”, ông Tuấn than thở.
Sau khi nghe các doanh nghiệp phản ánh, ông Thăng chỉ đạo: Từ nay, mọi thủ tục đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng NƠXH cần quy về đúng một mối là Sở Xây dựng. Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm và hoàn thành việc giải quyết hồ sơ cho các chủ đầu tư trong vòng 6 tháng thay vì mất hơn 2 năm như hiện nay để các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án NƠXH tại thành phố.
Ngoài ra, cũng cần hình thành thị trường NƠXH và quy định bao lâu được bán để kích thích phát triển. Đẩy mạnh tạo cơ chế chính sách để người dân phát triển nhà trọ, nhà lưu trú theo tiêu chuẩn. Nhà ở phấn đấu rộng 40 – 60m2 và chính quyền cùng đồng hành với doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công.
Ông Thăng cho biết NƠXH của TP.HCM có lợi thế là được sử dụng chung hạ tầng của nhà ở thương mại, chất lượng tiện ích nhà ở thương mại. Tuy nhiên, quy định hiện nay đối với người mua NƠXH là sau 5 năm mới được mua bán, chuyển nhượng căn hộ là khá cứng nhắc. Bởi, người nghèo sau khi mua được căn NƠXH và qua quá trình tích cóp họ muốn chuyển đổi nơi ở khác tốt hơn thì nên tạo cơ chế thông thoáng cho việc mua bán này.
“NƠXH cũng phải đánh giá chất lượng trong một xã hội văn minh hiện đại chứ không phải là hình thành nên một khu ổ chuột mới trong đô thị. Chúng ta cần phải chú trọng đến khâu thiết kế sao cho thích hợp để cư dân được sử dụng thuận tiện hơn. Chính quyền cần tổ chức các cuộc thi thiết kế điển hình để tận dụng giảm giá thành. Đề nghị doanh nghiệp cho chúng tôi biết mình làm cái gì, thành phố cần phải làm cái gì, các sở ngành làm gì để có thể làm được NƠXH giá rẻ mà chất lượng như nhà ở thương mại”, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo.
Cao Cường/Báo Xây dựng