20/02/2017

Bộ Xây dựng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao

Ngày 17/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc về thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Xây dựng. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, các Thứ trưởng và các Cục vụ viện thuộc Bộ Xây dựng.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Chính phủ làm việc với Bộ Xây dựng.

Tích cực hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao

Báo cáo tại buổi làm việc của Bộ Xây dựng cho biết: Tính đến ngày 10/2/2017, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 311 nhiệm vụ, trong đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 233 nhiệm vụ (đạt 75%), 76 nhiệm vụ đang triển khai (chiếm 24%) và 2 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành (chiếm 1%).

Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đối với hai nhiệm vụ chưa hoàn thành: Nhiệm vụ “Xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex”, sau khi có được đủ tài liệu, Bộ sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/1017; Nhiệm vụ “Kiểm tra, khảo sát khu vực quy hoạch dự án Khu công viên hồ điều hòa thuộc địa phận quận Hoàng Mai, Thanh Xuân (Hà Nội)”, Bộ sẽ hoàn thành và báo cáo Thủ tướng trong tháng 3. Đối với 69 nhiệm vụ, đề án đang triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành đúng hạn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ Dự án Hồ điều hòa Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc vẫn còn một số nhiệm vụ thực hiện chậm so với tiến độ, nguyên nhân chính là do thủ trưởng đơn vị giao chủ trì chưa tập trung chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời. Tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của một số cán bộ, công chức được giao còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ trì với các đơn vị khác trong Bộ và ngoài Bộ còn chậm, chưa thường xuyên. Trong khi đó, một số nhiệm vụ có nội dung công việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, cần có thời gian xử lý; một số bộ, ngành, địa phương trả lời văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng còn chậm.

Phát triển lành mạnh thị trường nhà ở

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Bộ Xây dựng theo tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, xóa bỏ những rào cản, “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số vấn đề mà người dân, dư luận đang rất quan tâm như: Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm các thành phố, xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô. Về phát triển thị trường nhà ở, Bộ cần quan tâm đánh giá đúng yếu tố cung – cầu của thị trường; đảm bảo phát triển lành mạnh bởi thị trường nhà ở liên quan đến sự an toàn của hệ thống tín dụng, ngân hàng.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số vấn đề mà người dân, dư luận đang rất quan tâm.

Về vấn đề đơn giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ: Đơn giá vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã ban hành nhưng về các địa phương lại điều chỉnh đơn giá. Vấn đề cho thấy cần có sự phân cấp về thẩm quyền của Bộ, của các Sở, ngành tại địa phương. Bộ Xây dựng nên thống nhất với các địa phương để triển khai, không để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh giá.

Về vấn đề vật liệu xây dựng liên quan đến bảo vệ môi trường: Bộ Xây dựng lưu ý đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo các vật liệu mới, vật liệu tái chế, vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường để đưa vào sản xuất, xây dựng. Trong đó, Bộ cần tìm giải pháp nghiên cứu, phát triển vật liệu thay thế trong nước để không phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng: Hiện tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng cơ bản là đúng tiến độ, kế hoạch Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn thấp. Do đó, Bộ Xây dựng cần báo cáo, giải trình thêm với Chính phủ về vấn đề này và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.

Chú trọng phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng

Làm rõ thêm về một số vấn đề dư luận quan tâm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Về vấn đề sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng (gọi tắt là NĐ 59), Bộ Xây dựng đã thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương… Đến ngày 15/2/2017, Bộ Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định và trình Chính phủ xem xét. “Nghị định 59 phân cấp rất mạnh mẽ cho các địa phương, các Bộ ngành và các TCty, các Tập đoàn liên quan đến xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, giám sát” – Bộ trưởng nói.

Về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch: Để chấn chỉnh kịp thời, lập lại kỷ cương trật tự xây dựng đô thị, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, bổ sung nhiều hành vi vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên thực tế. Đồng thời, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, yêu cầu chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý, phát hiện kịp thời vi phạm ngay từ giai đoạn khởi công xây dựng, không để tái diễn vi phạm…


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của đảng về “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; quán triệt phương châm hành động của Chính phủ về một chính phủ “liêm chính, kiến tạo”, chống lại văn hóa “không nhúc nhích”; xây dựng thể chế, môi trường sản xuất kinh doanh tốt cho DN… Bên cạnh đó, bổ sung hoàn chỉnh các quy chế theo hướng công khai minh bạch. Với một bộ máy biên chế vô cùng ít ỏi (chỉ có 380 biên chế), riêng trong năm 2016 Bộ Xây dựng đã xử lý đến 25 nghìn văn bản, từ đầu năm đến nay đã xử lý hơn 2500 văn bản…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế; tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương trong vấn đề đầu tư, xây dựng; đồng thời chú trọng phân cấp trong quản lý xây dựng. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, công khai minh bạch các thủ tục hành chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng.

Vân Anh – Ảnh: Đình Hà/Báo Xây dựng