03/12/2014

Huế: Dự án hàng chục năm vẫn treo khiến dân cơ cực

Phường An Tây nằm phía Nam thành phố Huế (được tách ra từ xã Thủy An cũ, năm 2007), diện tích đất tự nhiên 908,67ha, có 1.230 hộ, 5.881 nhân khẩu, chiếm 2/3 đất rừng và mồ mả, 1/3 đất ở và nông nghiệp. Trước đây, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, vài chục năm lại đây hàng loạt dự án được vạch ra như Dự án Công viên nước, Đại học Huế, Bệnh viện Điều dưỡng, Khu phố núi, Sông Đà… đưa người dân đến cảnh dở khóc, dở cười…

 

hue

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm đang xúc đá lẫn đất vào máy trộn bê-tông.

Người dân nuốt lệ vì dự án treo

Ông Trần Kỳ ở tổ 5, KV3, phường An Tây ngậm ngùi chia sẻ: Thửa đất gia đình được cha mẹ để lại, nguồn gốc trước năm 1960, cấp GCNQSDĐ năm 2003, hiện có 3 thế hệ ở cùng. Hơn 10 năm nay muốn tách hộ, làm nhà, vay vốn không nơi nào chấp thuận, vì đất trong vùng quy hoạch Khu biệt thự Phố Núi. Nay ông định bán đất lấy tiền chữa bệnh sỏi thận nhưng không chuyển nhượng được. Nhiều lúc tức ứa nước mắt không biết kêu ai, ngậm ngùi nuốt lệ, chịu cảnh cơ hàn. Không riêng dự án này, trong phường còn nhiều dự án tương tự đã treo vài ba chục năm. Ở đây, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nay ruộng lúa mất hết, đất màu cũng bị nhăm nhe, con cái thất nghiệp, sinh nghiện ngập, trộm cắp, tù tội… Nạn đói nghèo kéo dai dẳng, cuộc sống người dân đang nằm trên đống lửa.

Một cụ bà sống ở tổ 2, KV1, phường An Tây rơm rớm nước mắt kể: Thấy xã hội phát triển mừng lắm, ngày xưa ruộng ít, mỗi sào thu hoạch được vài chục cân thóc, bà con vui vẻ chung tay nuôi chiến sĩ nằm vùng, nay cũng chưa được gì. Giải phóng rồi các dự án mọc lên, Nhà nước đưa Công viên nước về tưởng chừng người dân khấm khá, ai ngờ bồi thường mét đất không đủ mua gói mì tôm. Nay thu hồi lại, giao Trường Đại học Luật đưa quán bar, cà-phê, sân bóng về kinh doanh. Phần còn lại Trường Đại học Huế làm nơi tái định cư, phân lô, bán nền. Có hơn 100 lô đất, không biết dân được suất đất nào không, mà có được cũng không có tiền mua, vì giá trên dưới chục triệu đồng/m2. Nghe đâu các ngã tư, lối rẽ đã có danh sách rồi. Dự án treo hàng chục năm lơ lửng như dây thòng lọng buộc cổ dân khi nào không biết. Chỉ cần chống lại, không giao đất để thi công đúng tiến độ, đất nhà thành đất công, lực lượng đến cưỡng chế cho là bảo vệ thi công. Mấy đứa cháu quanh xóm, cha mẹ cho đất, làm nhà ở, lực lượng về bắt tháo dỡ, cưỡng chế, chú không thấy à?

Quỹ đất hay “quỷ địa” hành dân đen?

Ông Lê Văn Nam, Tổ trưởng tổ 1, khu vực 1 than vãn: Các con đường Xóm Gióng làm lâu lắm rồi, nền đường bê-tông nứt nẻ, hư hỏng nặng, người dân hiến đất, cấp trên đã chấp thuận cho xi-măng, đến Ban Dự án Phát triển Khu đô thị mới Thừa Thiên Huế bị ách lại, vì đang nằm trong Dự án Đại học Huế. Dự án này treo hàng chục năm qua, dân Xóm Gióng mùa mưa chìm trong biển nước, mùa nắng khô khốc, người dân sống trong khốn khổ, cơm thiếu ăn, áo thiếu mặc. Trước năm 1975, người dân chịu khó chung tay, chia phiên cấp dưỡng chiến sĩ ẩn hầm. Thống nhất đất nước người dân chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế thì bị các dự án thu hồi đất, cuộc sống người dân tụt xuống đáy cùng xã hội, không được bố trí việc làm, thất nghiệp, tệ nạn xã hội tăng, hàng năm gánh chịu thiên tai, nghèo đói, lạc hậu do hậu quả các dự án treo gây ra.

Bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết: Ở đây có một số dự án chậm, có dự án trên 20 năm, đến nay vẫn chưa đo đếm, bồi thường, giải tỏa như Dự án Đại học Huế, Bệnh viện Dưỡng lão, Phố Núi, làng nghề truyền thống, cây xanh… Vừa qua phường, thành phố đề xuất lên cấp trên về số dự án chậm để có phương án, rút ra khỏi vùng quy hoạch, bảo đảm cuộc sống dân cư ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.

Để xác minh một số dự án đã và đang đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố Huế, nhóm phóng viên có cuộc thị sát, một số dự án chưa động tĩnh, một số dự án đang thi công như Khu tái định cư Trường Đại học Huế, Khu đô thị mới phường Phú Xuân, An Đông, đường Tố Hữu… có số điểm thi công không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, Công trình hạ tầng kĩ thuật dân cư 4, phường Xuân Phú, hạng mục hệ thống thoát nước mưa giao Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm thi công sử dụng đá không đúng quy chuẩn, lẫn đất bùn, đổ bê-tông trong nước. Tại công trình không có giám sát, không bảo đảm an toàn lao động…

Tiếng than vãn, người dân kêu cứu qua nhiều phiên họp, tiếp xúc cử tri, cuối cùng con người vùng đất quê nghèo xứ Huế cũng thốt lên lời cầu cứu, trách móc: “Cán bộ cấp trên sau cuộc tiếp xúc cư tri được thăng chức, tiến quan, có cương vị mới tốt hơn đều được người dân ủng hộ. Vậy nhưng, mỗi lần hứa hẹn trước dân như những lời hứa hão trong cuộc vui dã ngoại, tiệc tùng, chứ không phải trong cuộc tiếp xúc cử tri, hội nghị, đối thoại với dân”. Người dân hoang mang, mất lòng tin, cảnh khổ đeo bám, nước lũ hằng năm vẫn ập xuống, trẻ em mất mạng, tiếng khóc dâng trào, dù Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014, được sửa đổi một số điều, khoản có lợi cho người dân, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn bỏ ngỏ. Yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm khoản 3, Điều 49 và Điều 53 Luật Đất đai năm 2013, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội, đẩy nhanh lộ trình về đích “Thành phố trực thuộc trung ương”

 

Theo NCT