24/01/2017

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy: Mừng vì có nhiều doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã hướng tới phân khúc nhà ở bình dân hay còn gọi là nhà ở xã hội (NƠXH). Đây là xu thế tất yếu của thị trường BĐS, hướng tới nhu cầu thực tế của nguồn cầu, đồng thời cũng là hướng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà Chính Phủ giúp cho doanh nghiệp (DN) cũng như người có thu nhập thấp trong xã hội được vay mua nhà và hưởng lãi suất ưu đãi.

Để hiểu rõ hơn về xu hướng đó, PV Báo Xây dựng đã phỏng vấn ông Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng về NƠXH và cơ chế, chính sách cũng như tình hình thực tế, định hướng thị trường BĐS trong năm 2017.

Thưa ông, nguồn vốn cho NƠXH hiện đang là xu hướng mới cho các DN lớn trong lĩnh vực BĐS hướng tới, nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về những doanh nghiệp này?

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy: Trước hết chúng tôi rất mừng vì hiện nay có nhiều DN chuyển mạnh sang xây dựng NƠXH, điển hình như TCty Viglacera, TCty Becamex Bình Dương, TCty IDICO của Bộ Xây dựng hoặc một số doanh nghiệp ngoài nhà nước như Tập đoàn P.H Group, Cty Thương mại Thủ đô, Cty địa ốc Hoàng Quân. Đây là xu thế đáng mừng và phù hợp với định hướng xã hội cũng như nhu cầu thực tế.

Với chính sách hỗ trợ của nhà nước như miễn giảm sử dụng đất, miễn giảm thuế VAT đầu ra, cho vay tín dụng ưu đãi như thời gian vừa qua, được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở, Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nếu doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt thì sẽ thành công trong lĩnh vực phát triển NƠXH. Nhất là trong giai đoạn khó khăn của BĐS từ 2011-2013, doanh nghiệp chuyển hướng sang NƠXH là một giải pháp để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định kinh doanh và phát triển.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy.

Cũng chính vì có sự thành công như vậy, đến nay đã có nhiều DN tham gia phát triển NƠXH và chúng tôi đánh giá rất cao các DN này. Nếu DN có chiến lược đầu tư đúng đắn với các giải pháp về thi công, công nghệ, sử dụng vật liệu hợp lý, thiết kế tối ưu rút ngắn thời gian thi công, tăng tiện ích sử dụng… thì DN hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực NƠXH như các DN tham gia phát triển lĩnh vực nhà ở thương mại.

Thực tế hiện tại nguồn vốn để xây NƠXH đang bị tắc? Liệu có nguồn vốn nào khác để tiếp tục phát triển lĩnh vực NƠXH không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy: Trên thực tế, quy định trên Luật Nhà ở, Nghị định 100 đã xác định rõ các nguồn vốn cho đầu tư phát triển NƠXH, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia cho vay ưu đãi đối với các chủ đầu tư phát triển NƠXH cũng như đối với người dân mua NƠXH.

Tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành mức lãi suất ưu đãi cho vay đối với các dự án phát triển NƠXH là 4,8%/năm thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Như vậy, có thể thấy rằng về mặt chính sách và quy định đã đầy đủ. Thời gian vừa qua, sau khi kết thúc gói 30 nghìn tỷ đồng, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai tiếp các gói tín dụng ưu đãi như đã nói, tuy nhiên do khó khăn chung của nền kinh tế và nguồn vốn đầu tư công nên không triển khai ngay được.

Mới đây nhất, tại Hội nghị toàn quốc về NƠXH, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Bộ Xây dựng với vai trò tham mưu thiết kế chính sách, đã phối hợp rất tích cực với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm nghiên cứu thu xếp nguồn vốn này để triển khai đầu năm 2017 sau khi gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ kết thúc vào 31/12/2016.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta triển khai được nguồn vốn hỗ trợ này, chắc chắn các dự án NƠXH sẽ được triển khai trên các đô thị, sớm cải thiện nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp.


Nhà ở xã hội 100 triệu đồng tại Bình Dương do Becamex IDC đầu tư.

Chúng tôi ghi nhận một số chủ đầu tư như Hoàng Quân, dù không được vay ưu đãi nhưng đã giảm bớt phần lợi nhuận của mình, thông qua việc hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà để người vay được hưởng như chính sách vay ưu đãi. Đây cũng coi như giải pháp kích cầu hỗ trợ cung cầu gặp nhau và giúp người mua nhà được vay ưu đãi NƠXH.

Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận thấy có một số ngân hàng thương mại dù chưa được bù lãi suất nhưng vẫn kết hợp với doanh nghiệp phát triển NƠXH cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay đối với nhà ở thương mại. Đấy là nỗ lực đáng mừng, góp phần giải quyết bài toán khát vốn vừa qua.

Liệu có sự canh tranh giữa các DN xây dựng nhà giá rẻ hiện nay hay không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy: Chúng tôi cho rằng nếu có một thị trường cạnh tranh trong phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và NƠXH thì đó là một tín hiệu đáng mừng. Bởi như vậy, DN đã nhận thấy rằng việc ưu tiên phát triển NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ giúp cho sự phát triển ổn định bền vững của DN. Càng có nhiều DN tham gia, càng có sự cạnh tranh thì người dân càng được hưởng lợi nhiều hơn với dịch vụ cung cấp tốt nhất, giá thành rẻ nhất,…

Như vậy, các DN cạnh tranh lành mạnh khi tham gia phân khúc BĐS này một mặt giúp cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững hơn, mặt khác người dân nghèo được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông đánh giá thế nào về tính dự báo của thị trường BĐS 2017?

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy: Thị trường BĐS sẽ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, tuy nhiên, đã xuất hiện biểu hiện lệch pha cung-cầu. Trong đó, nguồn cung trung và cao cấp thì dư nhưng lại thiếu nhà ở thương mại giá rẻ. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã có đề xuất, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tới đây Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát đối với phân khúc BĐS trung và cao cấp; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa chính sách phát triển NƠXH, nhà thương mại giá bán thấp để giải quyết lệch pha cung cầu cho thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hà Huyền (Thực hiện)