Chi tiết báo cáo của Hà Nội về dự án cao ốc Giảng Võ
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện quy hoạch chi tiết dự án 148 Giảng Võ, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án xây dựng công trình hỗn hợp với chiều cao từ 46 đến 50 tầng. Đồng thời, báo cáo cũng lý giải hạ tầng xã hội, kỹ thuật và khả năng đáp ứng giao thông của dự án này.
Công trình hỗn hợp cao từ 46 đến 50 tầng
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về quy hoạch chi tiết tại khu đất số 148 Giảng Võ, căn cứ vào các văn bản như: Thông báo số 30 ngày 3/2/2016 của Văn phòng Chính phủ về khu đất dự án số 148 Giảng Võ; Quyết định số 11/2016 ngày 7/4/2016 của UBND TP Hà Nội ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội…. UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 3560 ngày 29/6/2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tỷ lệ 1/500 tại khu đất nêu trên theo đúng quy định, với chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cơ bản như sau: Diện tích đất nghiên cứu lập dự án khoảng 58.776m2, với các chỉ tiêu như mật độ xây dựng khoảng 43,8%; tầng cao 4 đến 50 tầng; tổng quy mô dân số 7.345 người.
Được quy hoạch gồm các chức năng sử dụng đất như sau: đất trường tiểu học, trường trung học cơ sở; đất cây xanh, TDTT đơn vị ở. Riêng đất công trình hỗn hợp (gồm thương mại, dịch vụ, căn hộ ở, văn phòng có lưu trú, nhà trẻ) có tổng diện tích khoảng 42.711m2, với tầng cao từ 46 đến 50 tầng. UBND TP Hà Nội cho rằng, tầng cao công trình tại Dự án tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 2 Thông báo số 30 ngày 3/2/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, theo UBND TP Hà Nội các chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật của Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại khu đất số 148 Giảng Võ đã được cập nhật vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 tỷ lệ 1/2000. Ngoài ra, Hà Nội cũng lý giải về các chỉ tiêu quy hoạch và khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông.
Cụ thể, về quy mô dân số và mật độ dân cư, theo UBND TP Hà Nội quy mô dân số của dự án khoảng 7.345 người đã được cân đối dân số trong tổng thể khu vực nội đô Hà Nội đảm bảo giữ nguyên tổng quy mô dân số tại khu vực nội đô lịch sử 4 quận nội thành (gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần Tây Hồ), theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 là 800.000 người (Nội dung này UBND TP Hà Nội đã có công văn số 1598 ngày 16/3/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được trả lời tại công văn số 4116 ngày 30/5/2016: Khi phê duyệt Quy hoạch chi Tiết khu vực đất dự án tại số 148 Giảng Võ và khu vực đất dự án tại Mễ Trì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 30/TB-VPCP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ để xác định chiều cao công trình xây dựng phù hợp; đồng thời bảo đảm mật độ xây dựng và dân số phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực và của Thành phố Hà Nội).
Không gây ùn tắc giao thông
Về khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tại khu vực, Hà Nội lý giải dự án tại khu đất 148 Giảng Võ nằm trong ô quy hoạch ký hiệu I1, thuộc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 tỷ lệ 1/2000 đã được Sở QH-KT thẩm định báo cáo TP Hà Nội tại Tờ trình số 6564 ngày 2/11/2016. Trong đó về các chỉ tiêu mạng lưới đường quy hoạch đối với ô quy hoạch I1: Tỷ trọng đất giao thông (tính cho đường khu vực và phân khu vực) khoảng 15,7%. Đối với bản thân khu đất dự án Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại số 148 Giảng Võ trong tổng diện tích lập dự án 58.776m2 thì diện tích đất giao thông trên mặt bằng là 9.498m2 (đạt tỷ lệ 16,6%).
“Đối với bản thân khu đất dự án 148 Giảng Võ, lưu lượng giao thông giờ cao điểm của khu đất dự án chiếm khoảng 6,2% khả năng thông hành trên các tuyến đường xung quanh. Đối chiếu với Tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị, lưu lượng giờ cao điểm của ô đất dự án nằm trong phạm vi cho phép (từ 5-10%), đảm bảo khả năng thông hành bình thường của các tuyến đường tiếp giáp khu đất dự án, không gây ùn tắc giao thông”
Theo Hà Nội các chỉ tiêu mạng lưới đường giao thông thuộc ô quy hoạch ký hiệu II tại Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 đang nghiện cứu đã tuân thủ, phù hợp với quy định tại Quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Về khả năng thông hành trên các tuyến đường, Hà Nội cho rằng, đối với các tuyến đường thành phố và khu vực ở xung quanh khu đất dự án tiếp giáp với các tuyến đường cấp đô thị gồm: phố Giảng Võ (6 làn xe), phố Kim Mã (6 làn xe) và các tuyến đường chính khu vực gồm: phố Núi Trúc (4 làn xe) và phố Ngọc Khánh (4 làn xe).
Hà Nội lý giải theo định hướng Quy hoạch, trong giai đoạn trước mắt khi hệ thống vận tải hành khách công cộng chỉ có phương tiện xe buýt, đảm nhận được khoảng 15% tổng số chuyến đi, lưu lượng giao thông giờ cao điểm của ô quy hoạch II chiếm 9,4% tổng năng lực thông hành các tuyến đường thành phố (phố Kim Mã và Giang Võ) và đường khu vực (phố Ngọc Khánh và phố Núi Trúc). Đối chiếu với quy định tại Tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị-TCXDVN 104:2007 lưu lượng này nằm trong phạm vi cho phép (từ 5-10%), cơ bản không gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Về lâu dài khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được đầu tư xây dựng, vận hành (tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Kim Mã và tuyến BRT trên phố Giảng Võ), thì phần đảm nhiệm của phương tiện vận tải công cộng tăng lên thành 50% đến năm 2030 (và 65-70% các năm sau 2030); lưu lượng sử dụng phương tiện cá nhân trong phạm vi ô quy hoạch II giảm còn khoảng 8,6% khả năng thông hành trên các tuyến đường thành phố và khu vực xung quanh đảm bảo điều kiện lưu thông bình thường, không gây ùn tắc giao thông.
Đối với bản thân khu đất dự án 148 Giảng Võ, UBND TP Hà Nội lý giải lưu lượng giao thông giờ cao điểm của khu đất dự án chiếm khoảng 6,2% khả năng thông hành trên các tuyến đường xung quanh. Đối chiếu với Tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị, lưu lượng giờ cao điểm của ô đất dự án nằm trong phạm vi cho phép (từ 5-10%), đảm bảo khả năng thông hành bình thường của các tuyến đường tiếp giáp khu đất dự án, không gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, theo Hà Nội mạng lưới đường nội bộ khu đất dự án là hệ thống giao thông xây dựng ngầm, kết nối liên thông giữa tầng hầm các công trình không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống giao đường thành phố và khu vực ở xung quanh….
Huỳnh Tiểu Minh (Tiền Phong)