12 tin nổi bật trong chuyên mục Công nghệ – Vật liệu năm 2016
Công nghệ – Vật liệu là chuyên mục mà kienviet.net luôn cập nhật những xu thế về công nghệ và vật liệu mới nhất cho giới Kiến trúc. Với những bài nổi bật được tổng hợp theo từng tháng trong năm 2016, độc giả có thể nhìn thấy sự lên ngôi của BIM, những vật liệu và công nghệ xanh, chống biến đổi khí hậu… nhưng bên cạnh đó những giá trị cũ như vẽ tay (phần mềm vẽ tay của Surface), những công nghệ mà do cộng đồng có thể triển khai như Warka hay cá nhân có thể tự làm(DIY) như EcoPOWER cũng rất được quan tâm, chỉ dấu này khiến chúng ta có một niềm tin về một xu thế Kiến trúc Hiện đại nhưng vẫn tôn trọng giá trị Nhân bản. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 12 tin nổi bật trong chuyên mục Công nghệ – Vật liệu năm 2016:
1.Thủ tướng phê duyệt Đề án áp dụng BIM
Việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Trong đó, chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10% (trong đó giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%); giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt; giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%; giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.
Đề án hướng tới xây dựng hành lang pháp lý và tạo sự đồng thuận trong xã hội tiến tới áp dụng BIM một cách rộng rãi.
2. Phần mềm lại khiến vẽ tay thăng hoa trong kiến trúc
Chúng ta vẫn nghĩ thời đại kỹ thuật số giết chết những kỹ năng như vẽ tay, diễn họa màu nước, nhưng sản phẩm mới của Microsoft chứng minh điều ngược lại: thậm chí nâng tầm vẽ tay lên 1 bậc.
Đó làm phần mềm Mental Canvas của Microsoft, đây không phải là phần mềm đầu tiên có tham vọng muốn đem trải nghiệm vẽ tay vào trong không gian 3D, nhưng đây là phần mềm đầu tiên đem tới trải nghiệm vẽ tay hoàn hảo trong không gian 3 chiều mà không cần dùng tới những ràng buộc của môi trường CAD điển hình. Phần mềm này sẽ được công bố cuối năm nay cùng với sự ra mắt của phần cứng Microsoft Surface & Surface Studio
3. Những vật liệu ứng dụng trong công trình xanh
Trong thực hành kiến trúc xanh, bên cạnh các giải pháp liên quan đến việc khai thác các yếu tố tự nhiên như nắng, gió, mặt nước và cây xanh…thì việc lựa chọn và quyết định sử dụng các vật liệu xây dựng và hoàn thiện cũng rất đáng được quan tâm. Những sản phẩm và vật liệu thân thiện dưới đây đang được sử dụng và phát triển rộng rãi.
4. Sở hữu máy phát điện dùng cả đời chỉ bằng giá tiền của một chiếc iPhone
Chỉ với giá thành của một chiếc iPhone, bạn sẽ có được một chiếc máy phát điện có thể dùng cả đời. Đây là dự án của hai chàng trai Ấn Độ, bằng việc phát triển một tuabin gió với chi phí thấp để tạo ra 3-5kW điện mỗi ngày, hứa hẹn sẽ mở ra vô vàn cơ hội cho những khu vực thiếu thốn điện năng.
5. TetraPOT – sử dụng rừng ngập mặn để phát triển hệ thống phòng thủ biển xanh
Trụ chắn sóng – những kết cấu bê tông có hình dáng giống như một loại giắc cắm đồ chơi kích thước lớn, bảo vệ các bờ biển trên khắp thế giới khỏi những con sóng nguy hiểm. Tuy nhiên chúng lại không bền vững và đồng thời cũng không thân thiện với môi trường. Những trụ chắn sóng này ảnh hưởng đến cảnh quan dọc bờ biển và có xu hướng bị bật ra theo thời gian do sự tác động liên tục của sóng biển. Lấy cảm hứng từ những trụ chắn sóng để tạo ra một “hệ thống phòng thủ biển xanh”, nhà thiết kế Đài Loan Sheng-Hung Lee đã thiết kế TetraPOT, một sự kết hợp giữa trụ chắn sóng bê tông với rừng ngập mặn tự nhiên.
6. EcoPOWER- Giải pháp giảm thiểu số lượng máy điều hoà
Mùa hè ở Seattle thường rất nóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên sinh viên và các nghiên cứu sinh ở phòng thí nghiệm kỹ thuật phân tử mới thuộc đại học Washington đã có thể sinh hoạt và học tập khá thoải mái mà không cần sử dụng điều hòa không khí.
Năm 2013, trường hợp tác cùng các kỹ sư và kiến trúc sư của văn phòng ZGF để bắt đầu thiết kế và xây dựng một phòng nghiên cứu mới. Các kỹ sư đến từ AEI đã nghiên cứu một giải pháp thông gió có thể mang đến không khí dễ chịu trong khi vẫn giữ được chi phí thấp. Họ bị thu hút bởi hệ thống mới của Edmonds, một nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực về các giải pháp thông gió hiệu quả. Edmonds đã kết hợp thông gió tự nhiên ( dưới tác dụng của trọng lực ) và thông gió cơ học để đạt được hiệu quả về năng lượng cho một sản phẩm phù hợp hoàn hảo với nhu cầu của trường.
7. Bê tông trồng cỏ: giải pháp phủ xanh mặt đường, sân
Bê tông trồng cỏ là một giải pháp tuyệt hảo được lựa chọn thay thế cho giải pháp bê tông thông thường. Đây là sản phẩm tạo nên tính độc đáo cả về mặt kết cấu cũng như tính hiệu quả tối ưu nhờ vào một số đặc điểm nổi bật như bề mặt bê tông đúc tại chỗ, nguyên khối và có tính chịu lực rất tốt.
8. Sàn nhẹ không dầm Nevo: một giải pháp xanh trong xây dựng
Được làm từ nhựa tái chế Polypropylen, hộp NEVO® giúp tạo các sàn phẳng không dầm làm việc hai phương vượt nhịp lớn. Hộp có 4 chân hình côn giúp tạo lớp bê tông dưới bao phủ lớp thép chính, có các phụ kiện kết nối định vị các hộp lại với nhau tạo nên một hệ dầm chữ I trực giao vững chắc. Hộp NEVO® giúp giảm đáng kể tải trọng bản thân bằng cách giảm tới 30% khối lượng bê tông sàn và giảm lượng ít nhất 15% lượng thép sàn sử dụng.Ngoài ra nhờ giảm tải trọng bản thân sàn (sàn chiếm 60% trọng lượng toàn công trình) nên mang đến các những ưu thế vượt trội:
– Giảm ít nhất 5% chi phí xây dựng phần thô
– Giúp vượt nhịp lớn (lên tới 20m), bỏ đi các cột và cọc không cần thiết, tiết kiệm vật liệu và nhân công làm thép, đổ bê tông và đào đất.
– Giảm tải trọng lên cột, móng giúp giảm bê tông và thép
– Sàn phẳng không dầm tiết kiệm chiều cao so với công trình với hệ sàn dầm truyền thống, giảm chi phí xây tô và vỏ bao.
9. Warka Water: thiết bị thu nước từ không khí
Ý tưởng Warka water cũng xuất phát từ tự nhiên. Tác giả của ý tưởng – kiến trúc sư Arturo Vittory đã lấy cảm hứng từ cơ chế hút nước của cây xương rồng, sự ngưng tụ nước trên mạng nhện, và cơ chế gom nước của cánh hoa sen.
Cuối cùng, Warka water ra đời, với khả năng gom nước từ sương mù, hơi ẩm trong không khí, đẩy quả một màng lọc xuống bể chứa nước. Và bạn biết không, Wakar Water có thể gom tới 1000 lit nước mỗi ngày.
10. Sinh viên sáng chế máy in 3D cho xây dựng
Dù ngành công nghiệp xây dựng đang là sân chơi của những tập đoàn lớn với những dự án ngân sách khổng lồ, nhưng vẫn có nhiều công ty startup nhỏ hay thậm chí là những cá nhân đã ghi dấu ấn khi tạo ra các công trình mang tính đột phát với công nghệ in 3D. Một trong số đó chính là Alex Le Roux, sinh viên kỹ thuật cơ khí trường đại học Baylor Univeristy ở Taxas.
11. Kiểm soát tiếng ồn trong công trình
Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và từ đầu thế kỷ 21 đến nay, tại rất nhiều các cuộc hội thảo quốc tế, các nhà khoa học vẫn khẳng định “kiểm soát tiếng ồn” vẫn là nhiệm vụ trong tương lai. Còn hiện tại để thực hiện trọng trách này, các nhà nghiên cứu sản xuất và ứng dụng đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu và đạt được những kết quả to lớn. Trong đó, các giải pháp chống ồn đối với công trình dân dụng được chú trọng về mặt tính năng kỹ thuật, tính thẩm mỹ yêu cầu trong thi công xây dựng và được chia theo mục đích xử lý:
– Cách âm nội thất.
– Cách âm ngoại thất.
12. Tre, nứa – “thép xanh” làm mát cho công trình
Vật liệu tre, nứa vốn dĩ đã rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Ngoài các công dụng trong kết cấu, nội, ngoại thất, tre, nứa còn là một giải pháp vật liệu hữu hiệu trong việc chống nóng cho công trình.
Với tính chất dẻo dai, màu sắc tươi sáng, tre và nứa vừa có thể được sử dụng trong kết cấu, vừa mang tính trang trí cho công trình.
Theo Bambou Habitat, nhà bằng tre có độ bền vững không thua kém gì các nhà gỗ. Ở Nhật, có những căn nhà tre tuổi thọ hơn 200 năm. Không chỉ dễ uốn, tre thực ra còn rất cứng (hơn gỗ sồi 27%), và được mệnh danh là “thép xanh”, với những đặc tính cơ học phù hợp cho xây dựng hơn nhiều so với các loại gỗ.
Theo Kiến Việt