Nghẽn tắc từ tầm nhìn quy hoạch
Trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thủ đô Hà Nội để giải cứu những bất cập ắch tắc giáo thông và hạ tầng quá tải, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nói như trải lòng: Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa đang tiến dần tới mình mà không biết làm thế nào!
Rõ ràng là Thủ đô đang rất cần tiền, nhiều tiền cho các dự án giao thông lớn. Tính ra trước mắt phải có trong tay tới 50 nghìn tỷ đồng! Thì đó đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long – sân bay Nội Bài khoảng 30 nghìn tỷ, thì đây dự án vành đai Hoàng Cầu – Voi Phục hơn 9.700 tỷ. Ngoài ra còn tới 4 dự án đầu tư nhóm A với 15 nghìn tỷ và 7 dự án PPP với 40 nghìn tỷ đồng, xem ra toàn các dự án cấp bách! Người đứng đầu Hà Nội đề nghị cho TP cơ chế phân cấp ủy quyền phê duyệt chủ trương cho cả loạt những dự án này! Lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành đều chia sẻ với những thách thức khó khăn của Hà Nội, vẫn cứ mong Hà Nội phải tư duy mới hơn.
Rõ ràng yêu cầu của Thủ đô đặt ra đều là những cấp thiết. Bởi Hà Nội nghẽn tắc giao thông, Hà Nội hạ tầng quá tải mà cư dân cứ đổ xô về Hà Nội mỗi năm ngày càng nhiều, thảm họa đang tiến dần, đang như hẹn trước là khó tránh!
Hà Nội vẫn nghẽn tắc giao thông, quá tải hạ tầng. (Ảnh minh họa)
Nhưng cũng từ câu chuyện Hà Nội cần cơ chế đặc thù, đề nghị Quốc hội phê duyệt ngân sách để tháo gỡ cho các dự án giao thông, cho 8 tuyến tàu điện ngầm dài hơn 300km với cả núi tiền, trong khi ngân sách quốc gia đang khó khăn, lại bật ra những vấn đề mà dư luận đang bàn tới bàn lui.
Phải nhìn lại quy hoạch tổng thể Thủ đô đã xây dựng căn cơ bài bản chưa? Làm cái gì cũng phải bắt đầu từ quy hoạch. Dự án càng lớn bạc tiền đầu tư, càng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu không cân nhắc kỹ càng, thì “đổ tiền” vào sẽ càng thêm lãng phí, mà mục tiêu ý tưởng lại không như mong muốn.
Hãy nhìn bức tranh quy hoạch Thủ đô được xây dựng ra sao! Nói thẳng là đang nhiều tồn tại, bất cập. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – người từng một thời giữ trọng trách Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đã mổ xẻ và chỉ thẳng nguyên nhân gốc rễ của nghẽn tắc giao thông của Hà Nội. Đó chính là do quy hoạch xây dựng chồng chéo và nắn vuốt, điều chỉnh loạn xạ. Ai hay Hà Nội có quy hoạch chung đến năm 2025, sau đó có quy hoạch chung xây dựng đến 2030 tầm nhìn 2050 họp bàn, hội thảo, tham vấn chả ít! Thiết nghĩ từ quy hoạc tổng thể đó, mở dự án, công trình gì tất cả phải bám vào quy hoạch đó thực hiện cho nghiêm. Nào ngờ quy hoạch ngành như GTVT lại điều chỉnh lại cả 2 cái quy hoạch trên đã vạch ra? Ai biết, ai ngờ quy hoạch Vùng Thủ đô vừa phê duyệt lại quay ngoắt sang điều chỉnh cả quy hoạch chung. Thế nên quy hoạch hành lang thoát lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cũng bị điều chỉnh lại. Cứ diễn tình trạng quy hoạch sau điều chỉnh lại quy hoạch trước, tổng thể quy hoạch sao có thể bài bản căn cơ?
Đã thấy chất lượng các bản đồ án quy hoạch cũng đâu ít vấn đề lộ ra những khiếm khuyết non tay. Hãy nhìn vào quy hoạch phân khu, lấn sang huyện Gia Lâm một tý, ôm sang huyện Đông Anh một tý, hỏi phần giáp ranh ai quản? Ngay hệ thống sông Hồng đi qua Hà Nội cũng bị quy hoạch như cát cứ. Long Biên quản giữa dòng hất sang tuyến bắc, bên này là các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng xảy ra sai phạm đâu dễ xử lý?
Rõ ràng là tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch còn quá nhiều lỗ hổng, quá nhiều khe hở. Nhìn xem: Từ Hiến pháp quốc gia cho đến Luật Thủ đô đều quy định cộng đồng có trách nhiệm với quy hoạch, giám sát quy hoạch. Nhưng nhìn rõ những tiếng nói góp ý, phản biện của công đồng, của dư luận liệu có lọt tai? Quy hoạch con đường phải thẳng, nhưng uốn éo, có lãnh đạo còn như che chắn là “đường cong mềm mại”? Có những đoạn đường như “nút cổ chai” đi từ hồ Linh Đàm ra đường Giải Phóng bao năm vẫn cứ “nút chai” kẹt cứng. Ngay cả dự án xe buýt nhanh đầu tư 1.100 tỷ đồng đi vào vận hành dư luận đang ồn ã có nguy cơ “vỡ trận”! Có hay dự án này ngay từ lúc manh nha, các chuyên gia và đông đảo người dân Thủ đô đã cảnh báo, nhưng có ai nghe? Dự án giờ đi vào thể nghiệm, giờ “ban ra” lệnh cấm đủ thứ xe trên hàng loạt tuyến đường, có hay đường sá quá chật, sao có thể có đường riêng dành cho xe buýt?
Mổ xẻ chuyện đường tắc, phố nghẽn là do tỷ trọng đất dành cho giao thông quá ít. Yêu cầu tới 20% mà giờ chưa được 10%, chưa nổi một nửa. Đất đai dành cho giao thông tĩnh phải 3 – 4%, nhưng chỉ có 0,3%, sao tránh nổi cái sự quá tải của một thủ dô với gần 10 triệu dân?
Rõ ràng phải mở rộng vận tải công cộng, nhưng mở đã quá chậm chạp. Thêm vào đó càng mở vận tải công cộng, thì càng sinh ra đủ bất cập, đường như càng nghẽn thêm ra. Nhìn xem: Hầm đường bộ, cầu vượt cho người đi bộ tốn phí bạc tiền mà hiệu quả quá ít. Ai hay kế hoạch từ 20 năm trước phải có 8 tuyến đường sắt đô thị mà giờ mới mở 2 dự án thì cả 2 vẫn đang ỳ ạch bày ra đủ ngổn ngang?
Rõ ràng phải giãn mạnh các cơ quan, trường học, bệnh viện lớn ra ngoài các quận trung tâm, nhưng vì sao thực hiện quá chậm? Trong hơn hai chục bộ ngành, 6 bộ ngành đã di dời, còn các bộ ngành khác thì sao? Phải ngó lại cả các bộ ngành đã dời đi, nhưng đã bộ ngành nào trả lại đất để cho TP làm các công trình công cộng, vườn hoa sân chơi chưa? Thêm nữa cũng cần chỉ rõ những “ký tá” cho các cao ốc xây dựng vút cao ở các quận trung tâm quá nhiều, sao có thể nói là TP xanh – sạch – đẹp được?
Không chỉ Thủ đô Hà Nội, mà TP.HCM cũng đang trong áp lực rất lớn của nghẽn tắc giao thông, của hạ tầng quá tải. Cần bạc tiền lớn, rất lớn để tháo gỡ cái nghẽn tắc, cái quá tải là không thể khác. Nhưng cần hơn là quy hoạch tổng thể bài bản căn cơ cho những đô thị lớn này.
Hôm nay Hà Nội gần 10 triệu dân, TP.HCM là 13 triệu dân, nhưng phải tính 10 – 20 – 30 năm sau, dân số sẽ là bao nhiêu để lo để tính từ hôm nay. Giãn mạnh dân, xây dựng các TP vệ tinh mới, thiết nghĩ phải là việc làm cấp thiết ngay! Còn nếu tư duy chưa thoát ra, cứ loay hoay lo bạc tiền “ném vào” những dự án tình thế “chữa cháy”, đường sá sẽ càng thêm tắc, càng thêm nghẽn, hạ tầng sẽ càng quá tải nặng nề hơn. Đó mới chính là cái thảm họa đang như báo trước!
Thiếu ngân sách bạc tiền, trong khi ngân sách quốc gia cũng đang rất khó. Cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội là rất cần. Nhưng trước hết lãnh đạo Thủ đô cần rà soát lại tất cả các khoản chi tiêu công xem đã chặn hết những lãng phí chưa? Chỉ một khoản cắt cỏ tỉa hoa, Chủ tịch Hà Nội cho rà soát đã đỡ một năm tới 700 tỷ đồng. Vậy đầu tư cho chống ngập, xử lý hồ ao, chỉnh trang hè phố, đèn chiếu sáng, cả những pa-nô khẩu hiệu quá nhiều có giảm bớt được đi không? Rất nhiều đầu tư bạc tiền ném vào xây dựng các trung tâm thương mại, mở chợ, làm nhà văn hóa, nhà thư viện, quảng trường ở các huyện liệu có “quá tay” không? Rõ ràng tất cả những dự án đầu tư, những chi tiêu công đều phải rà soát lại hết xem các dự án mở ra, các chi tiêu ấy đã thực sự cần thiết chưa, có thể giảm bớt đi được không?
Thủ đô của cả nước phải khang trang to đẹp! Thủ đô của cả nước phải xanh – sạch – đẹp. Nhưng Thủ đô của cả nước càng phải đi đầu gương mẫu trong tư duy cách nghĩ cách làm: Biết đầu tư đúng vào những việc cần đầu tư, biết dùng bạc tiền ngân sách sao cho hiệu quả nhất! Còn cứ quy hoạch uốn nắn, chồng chéo lên nhau, quy hoạch nọ “đá chân” lên quy hoạch kia trong cái tư duy nhiệm kỳ, bao giờ đất nước mới có một Thủ đô hiện đại xứng tầm!
Có người hỏi thẳng: Tình trạng tắc nghẽn giao thông, hạ tầng quá tải ở Thủ đô do nghẽn từ quy hoạch, hay non kém tư duy? Có hay Thủ đô là nơi hội tụ nhân tài, dư thừa trí thức sáng tạo, sao có thể nói non kém nhỉ?
Đỗ Quang Đán/Báo Xây dựng