28/12/2016

Vĩnh Phúc trên hành trình “Vinh phúc”

20 năm – từ phận cá chép thúc bờ cỏ quanh Đầm Vạc, Vĩnh Phúc đã hóa rồng ngạo nghễ trên đỉnh Tam Đảo phóng tầm mắt về Thăng Long.

Năm 1997 tái lập Vĩnh Phúc, thì tỉnh thuần nông ở châu thổ sông Hồng thuộc trung du và miền núi phía bắc này ngổn ngang như một HTX nông nghiệp cuối canh hay một nông trường bết bát. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng.

Năm 2016, quy mô nền kinh tế tăng trưởng gấp 39,5 lần so với năm 1997 và đạt 77,2 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng 33,2 lần, từ 2,18 triệu đ/người/năm lên 72,3 triệu đ/người/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 18,4% lên 61,97%, ngành dịch vụ giảm từ 36,5% xuống còn 27,78% và ngành nông lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 45,1% xuống còn 10,25% trong cơ cấu nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng nhiều năm đạt ở mức cao, đặc biệt có những năm đạt trên 20% và bình quân giai đoạn 1997 – 2016 ước đạt 15,37%.

Vĩnh Phúc tự cân đối và điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2016 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 251 lần so với năm 1997). Chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ của tỉnh.

Năm 1997 từ phía Đông lên phía Tây hay từ phía Nam lên phía Bắc Vĩnh Phúc đôi khi phải mất cả ngày đường vì nhiều nơi không thể kết nối giao thông. Nông thôn thắp đèn dầu, nước giếng tự khơi. Trường học, trạm xá, đình chùa đổ nát. Mỗi xã lèo tèo vài chục số điện thoại máy bàn. Đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên, không đảm trách được vai trò đô thị đầu tàu của kết nối và phát triển. Các quy hoạch đô thị và ngành hầu như chỉ là những bản thiết kế sơ sài, lạc hậu, tồn dư từ thời bao cấp.

Năm 2016, toàn bộ các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, tuyến đường quan trọng liên xã, liên huyện được cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới; hệ thống đường đô thị được nâng cấp; giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được kiên cố hóa. Hạ tầng điện, 100% các xã phủ lưới điện quốc gia. Hạ tầng cấp, thoát nước được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đảm bảo cấp nước cho đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên và các thị trấn huyện lỵ. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin thỏa mãn nhu cầu phát triển. Trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa, công trình văn hóa được tập trung nguồn lực xây dựng trong thời gian ngắn đã góp phần thay đổi diện mạo từ nông thôn đến đô thị…

Công tác lập quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch trên các lĩnh vực luôn tiên phong và triển khai một cách khoa học, đồng bộ, được bố trí đủ nguồn lực thực hiện. Vĩnh Phúc hoàn thành và phê duyệt hầu hết các quy hoạch, tạo cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án bài bản và quản lý chặt chẽ; trong đó nổi bật là quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc và quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 danh mục khu công nghiệp với diện tích 5,5 nghìn héc-ta, trong đó có 11 khu đã được thành lập với diện tích 2,3 nghìn héc-ta.

Hiện tại đã thu hút 856 dự án, gồm 227 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các dự án ODA đạt hiệu quả cao, ngoài các dự án được đăng ký 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đã sản xuất kinh doanh. Ngoài các dự án ODA đang được triển khai với số vốn do tỉnh chủ quản là 123,7 triệu USD, tỉnh đã vận động thành công 3 dự án được nhà tài trợ chấp thuận bằng văn bản, dự kiến số vốn được vay khoảng 350 triệu USD. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giá trị thu nhập đến năm 2015 đạt 135 triệu đ/ha, tăng 7,2 lần so với năm 2000.

Các khu du lịch như Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc được đầu tư, khai thác hiệu quả song hành với các công trình phục vụ văn hóa, du lịch như Quảng trường, Nhà hát, Văn Miếu tỉnh, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường, Khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, ước tính đến năm 2016 đạt 1,76 tỷ USD đưa nhịp độ tăng bình quân giai đoạn 1997 – 2016 đạt 34.9%/năm. Các DN có những bước phát triển vượt bậc cả lượng và chất, số DN đăng ký tăng 981 lần so với năm 1997 và đạt 7.394 DN với số vốn đăng ký đạt 55,9 nghìn tỷ đồng.

Vĩnh Yên trở thành đô thị loại II; Phúc Yên trở thành đô thị loại III; 20 thị trấn, xã được công nhận là đô thị loại V.

Năm 2015 có 68/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,7%); huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2016 Vĩnh Phúc tăng thêm 24 – 28 xã đạt chuẩn.

Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào học năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa bảo tồn để phát triển bền vững. Báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình được đầu tư thỏa đáng nên đã nâng tầm cả về hình thức và nội dung, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu của nhân dân. Thể thao quần chúng phát động rầm rộ; thể thao thành tích cao phát triển khởi sắc, từng bước được khẳng định, một số môn thể thao mũi nhọn của Vĩnh Phúc đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như: Đua thuyền, Pencak-Silat, bắn súng…

Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế với tổng số giường bệnh đạt tỷ lệ 29,3 giường bệnh/vạn dân, tăng 20,4 giường/vạn dân so với năm 1997. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân ngày một nâng cao. Đội ngũ y bác sĩ tiếp tục gia tăng về số lượng và trình độ chuyên môn, đạt tỷ lệ 9,7 bác sĩ/vạn dân, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 100% thôn, bản có cán bộ y tế và 97% trạm y tế có bác sĩ (năm 1997 có 8,1% trạm y tế có bác sỹ).

Từ năm 1997 đến nay, Vĩnh Phúc đã giải quyết cho hơn 400 nghìn lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 20,4 nghìn người. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm, qua đó số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016.

TP Vĩnh Yên từ con vịt bầu bậm bạch dần thay đổi thành con thiên nga yêu kiều qua năm tháng nghiệm sinh. Soi sóng nước đầm Vạc không chỉ đàn tép dầu mà còn lung linh tòa dinh thự Tỉnh ủy trên đồi cao thâm nghiêm bóng cây sưa đỏ, một Sông Hồng Thủ đô những biệt thự nhà vườn. Quảng trường xanh lộng tự tình, trai gái sánh vai tay trong tay bước vào nhà hát trong khúc ca nguyện cầu hạnh phúc cho lứa đôi.

Phúc Yên cửa ngõ yên bình và hạnh phúc trong năng động, tự tin. Nóng lạnh Đại Lải, Flamingo thư giãn. Với tay là Honda, Toyota. Bước tiến đến đèo Nhe, bước lui là Nội Bài lộng gió…

Tam Đảo, nàng công chúa ngủ trong rừng đang thức giấc, đón chào du khách bằng tấm lòng phật tử Trúc Lâm nhưng không quên món thịt bò tái kiến đốt và rau su su nà nõn. Mười tám lỗ sân golf chờ golfer một gậy hole in one…

Lập Thạch chiêm khô, mùa úng đã xanh màu no ấm, bánh nẳng, bánh gạo, cá thính, rổ rá Triệu Đề thuận đường nối bến vẫn đợi ai về thắp hương Trần Nguyên Hãn hóa giải hận công danh… còn vọng vang Đông Quan tiếng hội thề. Sông Lô bến Then sóng cả cát vàng, ngất ngưởng Bình Sơn, trèo núi Sáng, nào thi bơi trải Tứ Yên lại chọi trâu Hải Lựu.

Tam Dương trang trại liên hoàn, dứa ngọt, dưa giòn câu đối xưa để ngỏ đến giờ.

Vĩnh Tường một trăm năm mấy lần đền nợ nước, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Viết Xuân, buông liềm hái là giao thương nam bắc dao kiếm Bàn Mạch, giường tủ Bích Chu, đậu rùa, bánh trùng mật mía, rượu ngang ngâm nọc rắn Vĩnh Sơn. FLC Vĩnh Thịnh Resort là điểm nhấn hoàng gia, trang nhã gợi chào hội thảo, nghỉ dưỡng.

Yên Lạc trông cậy di chỉ Đồng Đậu, thắp hương Phật chùa Biện Sơn chớ quên dâng nến đền Gia Loan nhớ mang theo rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa. Sông Cà Lồ nhập dòng sông Hồng bồi ứ cũng đủ ngọt phù sa.

Bình Xuyên gốm sứ nung lò ga, cháo xe, bánh hòn, bánh gio, vó cần tốn đâu dầu mỡ. Khăn đỏ, áo hường vẫn phơi phới trước đình Hương… Trống giong cờ mở khu công nghiệp. Thép Việt Đức dựng cột cờ cao sáng rỡ…

Đích năm 2020 gần lắm, sẽ cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới TP Vĩnh Phúc. Quy mô dân số sẽ đạt khoảng 1,117 triệu người. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9,3. Giải quyết việc làm bình quân khoảng 19 – 20 nghìn lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1 – 1,5%.

Thu gom 90% chất thải rắn công nghiệp, dịch vụ. Xử lý trên 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 7,0 – 7,5%/năm. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.800 – 5.000 USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 26,5 – 27 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 3 – 3,5 tỷ USD. Thu hút mới 1,3 – 1,5 tỷ USD vốn đăng ký từ các dự án FDI và 14 – 15 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký từ các dự án DDI.

Vĩnh Phúc sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước; ngành nông nghiệp tái cơ cấu gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ vui về đích sớm; kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế song hành với thực hiện an sinh xã hội; nâng cao thể chất và tinh thần cho mỗi người dân. Tăng cường quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Câu chuyện chia tách, tái lập và phát triển chưa bao giờ cũ trong thời đại số hóa. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao cùng thời kỳ tái lập, với các tỉnh trong vùng Thủ đô hội đủ điều kiện chính trị, xã hội, thiên nhiên tương tự Vĩnh Phúc lại không có được sự phát triển thăng hoa thần kỳ như Vĩnh Phúc?

Con người đã tạo ra số hóa, Vĩnh Phúc cũng vậy, tầm vóc tư duy của con người Vĩnh Phúc quyết định sự thịnh vượng, phát triển ổn định hiện tại, vững chắc tương lai. Đó là thời kỳ bản lề từ năm 2004 – 2010. Đặc biệt giai đoạn 2006 – 2010 Vĩnh Phúc đã vươn tầm tư duy đột phá, đổi thay thân phận cá chép để hóa rồng. Vĩnh Phúc đàng hoàng đứng vào top ten phát triển hàng đầu của nước Việt. Đó là thời kỳ đỉnh vàng của Vĩnh Phúc với làn sóng đầu tư ồ ạt vào Vĩnh Phúc. Liền một lúc phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn nội tại phát sinh, đói là phải trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, tạo điều kiện đất đai, bàn giao mặt bằng nhanh nhất để giữ dòng tài chính đầu tư, công ăn việc làm, vừa phải bảo đảm an sinh cho người dân bị thu hồi đất chuyển đổi phương thức sản xuất, lại vừa nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân khố. Và Vĩnh Phúc đã hóa giải được mâu thuẫn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp nhưng không để nông dân rơi vào thảm cảnh bần cùng.

Giải quyết được các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và công bằng xã hội; giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và phát triển công nghiệp, đô thị với quan điểm phải lấy công nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và dịch vụ; tạo chính sách gia tăng việc làm trong công nghiệp và dịch vụ để giảm lao động nông nghiệp và giảm lượng nông dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp đơn giản; tạo nguồn thu ngân sách lớn để đầu tư phát triển và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; điều tiết lại thặng dư phát triển công nghiệp cho xây dựng hạ tầng khu vực nông thôn…

Một loại những quyết sách đột phá, khai mở, định hướng cho cả nước được Vĩnh Phúc tiên phong thực hiện: Như cấp đất dịch vụ khi thu hồi đất để thực hiện dự án và miễn thủy lợi phí cho nông dân, hoặc đưa các trường học tư thục vào hệ công lập để đầu tư chiến lược vào giáo dục, nhằm đào tạo nguồn nhân lực ổn định có trình độ thỏa mãn cho nhu cầu phát triển lâu dài của địa phương. Con em nông dân ly nông nhưng không ly hương. Đây chính là kế sách an sinh xã hội lâu dài.

Một thời từ Vĩnh Phúc Khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc đã lan truyền hứng khởi kích thích nông dân tìm lại giá trị lao động trên mỗi mét vuông đồng ruộng, giúp cả nước thoát đói. Ngày nay, cũng bắt nguồn cảm hứng mô hình Vĩnh Phúc do Bí thư – và là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hiện nay và đồng sự kiến tạo giúp cả nước cảm hứng hoàn thiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, xây dựng một nông thôn Việt giàu đẹp, giữ gìn cốt lõi văn hóa dân tộc và làm giàu thêm bằng những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại; không chỉ truyền cảm hứng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà trong quy hoạch phát triển kinh tế đa ngành, mời gọi đầu tư và xây dựng đô thị, Vĩnh Phúc cũng tạo riêng một dấu ấn sáng tạo. Với tâm nguyện: Mọi tấm lòng đến với Vĩnh Phúc đều là người Vĩnh Phúc. Với tầm nhìn chiến lược, biến ngoại lực thành nội lực.

Một Vĩnh Phúc trách nhiệm với cả nước không chỉ cống hiến những lý luật và tổng kết mang tính kinh điển mà còn bằng cả những đồng tiền thặng dư, đáng lẽ được dùng vào phúc lợi hàng ngày cho mỗi người dân Vĩnh Phúc, nhưng với tấm lòng thơm thảo Vĩnh Phúc sẵn sàng đóng góp vào ngân quỹ Quốc gia vì tương lai của cả dân tộc.

Không giới hạn trong nước, tầm nhìn Vĩnh Phúc hôm nay đã vượt biên trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Mối bang giao hợp tác với các nước như Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản được tăng cường và mở rộng. Trong đó thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhiều tỉnh của nước CHDCND Lào hàng triệu USD xây dựng các công trình văn hóa – xã hội, tăng cường mối quan hệ đặc biệt gắn bó giữa hai nước.

Di sản Kim Ngọc 50 năm trước và tư duy, kiến tạo Trịnh Đình Dũng đương đại tạo dựng nền móng thành công đã cho thế hệ trẻ Vĩnh Phúc ngoài lòng tự hào, kiêu hãnh là người Vĩnh Phúc hôm nay, còn là nền móng phát triển lâu dài đã vững chắc, ổn định đó là công tác quy hoạch được nhìn xa cả một thế kỷ cho một đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, phát triển hài hòa giữa công nghiệp, nông nghiệp và du lịch dịch vụ. Và hành trang di sản quý giá nhất vẫn là đội ngũ cán bộ, đảng viên Vĩnh Phúc được thử thách, trui rèn, nghiệm sinh bảo đảm cho Vĩnh Phúc bước thêm tới phồn vinh, thịnh vượng. Thế hệ trẻ Vĩnh Phúc ngày nay cũng như tương lai có quyền tự hào về cha anh mình đã mở sáng một con đường giàu mạnh, sang trọng mà họ có trách nhiệm phát huy và sáng tạo tiếp nối.

20 năm, một phần ba đời người, cái chớp mắt lịch sử Vĩnh Phúc hiện thực giấc mơ hóa rồng, đã vĩnh viễn thay đổi vóc dáng mới quê hương, đã chuyển đổi số phận những người nông dân trên nền phù sa cổ thành những người làm ra của cải bằng sức mạnh trí thức. Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người!(*). Giá trị nhân bản khơi nguồn cảm hứng sáng tạo từ Vĩnh Phúc hiện còn đang lan tỏa trong khu vực cũng như cả nước như những bước sóng đồng tâm mà chúng ta còn chưa thể hình dung hết chiều kích ảnh hưởng.

20 năm tích hợp bước tiến Vĩnh Phúc cả ngàn năm.

Vĩnh Phúc miền đất mãi mãi hạnh phúc đang trên hành trình “Vinh phúc”.

—————–

(*) Lời bài hát của nhạc sĩ An Thuyên

Nguyễn Tham Thiện Kế/Báo Xây dựng