Bài 2: Giới chuyên gia nói gì?
Sau 10 năm triển khai, đến năm 2002 mô hình Kiến trúc sư trưởng thành phố đã chính thức được kết thúc “sứ mệnh”. Việc “kết thúc” sứ mệnh của mô hình trong bối cảnh không tổng kết, đánh giá hoạt động đã tạo thành những luồng dư luận hoài nghi về hiệu quả của mô hình này trong suốt một thời gian dài.
Thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn đang cần một “nhạc trưởng” xứng tầm trong công tác kiến thiết Thủ đô văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc.
Vấn đề sẽ chẳng có gì đáng bàn, bởi thời gian qua rất nhiều vấn đề bất cập, tồn tại của đô thị được chỉ ra. Những bất cập của đô thị hiện nay không chỉ có những vấn đề của vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, giao thông mà còn là những tồn tại của công tác thẩm định, lập quy hoạch xây dựng, giao thông, hạ tầng.
Và thực tế đã diễn ra, những tồn tại của vấn đề đô thị đang trở thành những áp lực của xã hội đó là nạn tắc đường, ngập lụt và quy hoạch treo tràn lan. Lúc này nhiều ý kiến được hỏi cho rằng, nên chăng chúng ta cần phải lập lại mô hình Kiến trúc sư trưởng thành phố.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội cho rằng: Mô hình Kiến trúc sư trưởng từng được triển khai 10 năm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lúc đó về quyền hạn Kiến trúc sư trưởng được Thủ tướng bổ nhiệm. Mặc dù được hoạt động trong suốt thời gian 10 năm, nhưng khi kết thúc mô hình đã không hề có tổng kết, đánh giá để xem có cần tiếp tục có một ông nhạc trưởng này nữa hay không. Theo đánh giá của cá nhân tôi, chắc là sau 10 năm hoạt động mô hình này không còn hiệu quả nữa thì xóa bỏ. Sau đó chuyển sang mô hình Sở Quy hoạch – kiến trúc và hoạt động như các Sở, ban, ngành khác, người đứng đầu Sở do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm.
Hiện nay sau khi Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại mô hình Kiến trúc sư trưởng thành phố. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các ý kiến của các chuyên gia, tôi cho rằng dù mô hình như thế nào cũng cần phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng mô hình.
Ông Lê Vinh cũng cho rằng, chức năng của Kiến trúc sư trưởng phải được phân định rõ để đứng độc lập, giống như một nhạc trưởng trong những vấn đề quy hoạch. Bởi bản chất của quy hoạch là phải nghĩ xa, nghĩ những vấn đề chưa có, thế nên để giải quyết những vấn đề trước mắt thì phải phá vỡ những quy luật chung.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng cho rằng, áp dụng Kiến trúc sư trưởng là để tạo ra một kênh phản biện độc lập đối với cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị, cũng là để định hướng giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử, truyền thống của đô thị đó, quy hoạch để tạo ra bản sắc và diện mạo đô thị.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhiều năm trước đây, chúng ta từng có Văn phòng Kiến trúc sư trưởng nằm tại các quận, dưới sự quản lý của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. Tôi cho rằng, mô hình Kiến trúc sư trưởng hay Sở Quy hoạch – kiến trúc cũng chỉ phân biệt ở tên gọi, còn bản chất nằm ở đâu là câu chuyện khác, vấn đề nhận thức, cách làm mới thực sự quan trọng. Ngoài ra, công tác quản lý, giám sát từ cấp trung ương đến địa phương cũng phải làm chặt chẽ, không để tình trạng làm việc thiếu nghiêm túc đối với những người làm công tác quản lý, nhất là quản lý về quy hoạch.
Theo như mô hình Kiến trúc sư trưởng của nước ngoài, thì ông Kiến trúc sư trưởng sẽ chịu toàn bộ các vấn đề về kiến trúc của thành phố đó, mặc dù trong đó gồm các yếu tố về công trình, cảnh quan và quy hoạch. Hiện nay, chúng ta đang cho xây dựng Luật Kiến trúc, trong Luật Kiến trúc đó có đề cập tới vấn đề có nên thành lập Đoàn Kiến trúc sư hoặc xây dựng lại mô hình Kiến trúc sư trưởng hay không.
Ông Đỗ Thanh Tùng cũng nhấn mạnh: Dù có lập mô hình gì thì cũng phải thiết lập một hệ thống điều hành, giám sát, chỉ đạo, thực hiện từ cấp thành phố tới các địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất, tạo thành hệ thống quyền hành, quyền lực nhằm phát huy những hiệu quả trong công tác điều hành.
Kiến trúc sư trưởng nên do Đoàn Kiến trúc sư trưởng cử ra, để đảm bảo những yếu tố chuyên nghiệp trong nghề nghiệp, tìm ra được những người có tài năng trong lĩnh vực này. Hoặc chúng ta đề cử ra một Hội đồng gồm các nhà quản lý tại địa phương, nhà văn hóa, các Kiến trúc sư để lựa chọn ra người có trình độ, kinh nghiệm quản lý điều hành, có tâm huyết để làm Kiến trúc sư trưởng thành phố.
Do đó, bộ máy của Kiến trúc sư trưởng do ai lập ra có vai trò quyết định đến chất lượng hoạt động của nó. Bên cạnh đó cần phải thống nhất về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, bao gồm đầy đủ các yếu tố liên quan đến quản lý, kiểm soát, thực thi các vấn đề liên quan đến quản lý, kiểm soát.
Ở một góc độ khác, một số ý kiến cho rằng, các thành phố hiện đang trong quá trình đô thị hoá rất nhanh, chiếu theo quy luật của các nước đã phát triển qua giai đoạn này thì đây là thời điểm cần những “nhạc trưởng” quy hoạch của thành phố. Vấn đề là thiết kế lại mô hình sao cho đúng chức năng, thẩm quyền, tránh đi lại “vết xe đổ” để chúng ta có một mô hình Kiến Trúc sư trưởng mới hiệu quả hơn.
Vũ Chiến/Báo Xây dựng