23/12/2016

Sai lầm trong thực hiện quy hoạch, Hà Nội đối mặt với hệ lụy “tắc đường”!

Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân khiến nhiều quy hoạch phát triển đô thị tại Hà Nội bị phá vỡ trong một thời gian ngắn. Hệ lụy của “vấn nạn” này là cảnh tắc đường, ngập lụt, hỏa hoạn xảy ra liên tiếp thời gian qua.


Thời gian qua khu vực đường Nguyễn Khoái, Lương Yên (trước cửa bến xe Lương Yên cũ) thường xuyên xảy ra nạn ùn tắc giao thông

Nhằm từng bước giải quyết “vấn nạn” tắc đường thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực đưa các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô. Tuy nhiên sau những nỗ lực này, Hà Nội đang phải đối mặt với những “sai lầm” trong việc điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ. Kết quả, hàng loạt cao ốc, dự án chung cư quy mô lớn được mọc trên chính những nhà máy, xí nghiệp, bến xe vừa di chuyển ra ngoài ngoại thành.

Các số liệu công bố cho thấy, diện tích đất dành cho giao thông còn quá khiêm tốn. 7 quận nội thành của Hà Nội cũ có tổng diện tích 83km2, nhưng chỉ có 5,2km2 diện tích đường (chiếm 6,18%). Trong khi đó, tại các quận, huyện ngoại thành chỉ 0,9% quỹ đất được dùng cho giao thông.

Điển hình cho sự phá nát quy hoạch của Hà Nội là KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khu đất 5ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây nam Linh Đàm, Nam Linh Đàm trong tương lai đã nhường chỗ cho khu nhà ở giá rẻ với mật độ xây dựng và cư trú cao. Riêng khu nhà ở này sau khi hoàn thiện sẽ bổ sung khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm, hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên.

Tại khu vực đường Nguyễn Khoái, Lương Yên (trước cửa bến xe Lương Yên cũ) thời gian qua đã phải gánh chịu cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Được biết, tháng 4/2016 UBND thành phố Hà Nội đã trình Chính phủ xin cơ chế đặc thù (triển khai dự án không qua đấu thầu) để triển khai 8 dự án cấp bách với mục tiêu hoàn thiện, đưa vào hoạt động ngay trong năm 2016. Trong số đó có dự án làm cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo – dốc Lương Yên (bến xe Lương Yên khi đó vẫn hoạt động và là một trong những điểm ách tắc nhất ở Thủ đô). Tuy nhiên, sau khi di dời bến xe này, kết hợp với việc tổ chức giao thông, UBND TP Hà Nội đã quyết định không triển khai dự án này. Hiện nay, bến xe Lương Yên đã dừng hoạt động thay thế vào đó là dự án tổ hợp thương mại – nhà ở cao tầng.


Hàng rào tôn, cổng công trường một dự án đang xây dựng được dựng sát mép đường giao thông, chỉ cần một xe ra vào công trường là gây ách tắc giao thông cục bộ đoạn đường

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Yến một người dân sinh sống gần khu vực bến xe Lương Yên cũ cho biết: Ngày nào cũng phải hai lần đi lại qua khu vực này, tôi đã phải hứng chịu nỗi khổ sở của cảnh tắc đường tại khu vực này. Nếu dự án chung cư tại khu vực bến xe cũ hoàn thiện thì có lẽ khu vực này sẽ là một điểm đen tắc đường. Hiện nay mặc dù dự án chưa đi vào sử dụng nhưng chủ đầu tư dự án đã quay hàng rào tôn, cửa công trình ra sát mép đường, mỗi khi có xe ra vào công trình là một chướng ngại vật gây tắc đường, ảnh hưởng tới lưu lượng giao thông qua đoạn tuyến này.

Được biết, sau khi đóng cửa, tại vị trí bến xe Lương Yên hiện nay đang được triển khai xây dựng dự án chung cư cao tầng. Một số chuyên gia cho rằng: Việc di dời các nhà máy, trường học, bến xe từ các quận nội thành ra ngoại thành nhằm giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, đô thị, từng bước xóa bỏ các điểm đen về tắc nghẽn giao thông. Việc “gánh bùn sang ao” tự ý điều chỉnh quy hoạch, cho phép xây dựng nhà cao tầng trên nền các cơ sở đã di dời là một sai lầm, mà hậu quả của việc này ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, đối diện ngay trước mắt là hậu quả của tắc đường, ngập lụt…

Cũng tại khu vực vòng xuyến dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (địa phận khu vực phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội), thời gian qua khu vực này đã liên tục xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào những giờ cao điểm. Cũng theo người dân thì tình trạng này cũng mới xuất hiện thời gian gần đây, từ khi TTTM Aeon Mall Long Biên được khai trương đưa vào hoạt động.


Trước cửa TTTM Aeon Mall Long Biên cũng là một “điểm đen” thường xuyên ách tắc giao thông cục bộ

Phóng viên đã trực tiếp tham gia giao thông trên đoạn đường này nhiều lần vào những giờ cao điểm, theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực nút giao trước cửa TTTM Aeon Mall Long Biên hãy xảy ra cảnh ùn tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt, nhiều hôm tình trạng ùn tắc còn kéo dài cả vài tiếng đồng hồ mới được giải thoát.

Được biết, khu TTTM Aeon Mall Long Biên tại 27 Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội, do Tập đoàn AEON – Nhật Bản xây dựng với 180 gian hàng. Theo thống kê, kể từ ngày đi vào hoạt động, TTTM Aeon Mall Long Biên trung bình đón tiếp hơn 90,000 lượt khách mỗi ngày, ngày thường con số này cũng đạt khoảng 60.000 đến 80.000 lượt khách.

Trước đó, theo quy hoạch được duyệt, khu vực này sẽ được xây dựng khu công viên công nghệ thông tin. Tuy nhiên, năm 2007, Cty CP Him Lam đã mua lại khu đất này của Hanel để đầu tư dự án Khu công viên công nghệ thông tin với phạm vi nghiên cứu lập dự án khoảng 36ha. Hiện dự án Khu Công viên công nghệ thông tin Hà Nội do Cty CP Him Lam – Chi nhánh Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch hơn 36ha thuộc phường Phúc Đồng và Long Biên, quận Long Biên.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Việc dễ dàng điều chỉnh quy hoạch, trong khi hệ thống hạ tầng không đủ đáp ứng đã đẩy Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính ở trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Ở kế bên, phố Vũ Trọng Phụng dài hơn 1km, rộng chưa đủ 2 làn xe tránh nhau nhưng cũng có trên 20 dự án nhà cao tầng sừng sững mọc lên thì làm sao tránh được ùn tắc? Hay như Khu đô thị Linh Đàm, nhiều nhà chung cư xây sai phép 2- 3 tầng, cá biệt có những toà nhà xây vượt 10 tầng để nâng thêm 500 căn hộ là ví dụ rõ nét nhất cho tình trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. “Nếu công tác giám sát, quản lý được thực hiện nghiêm ngặt thì không bao giờ xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, đẩy các khu đô thị vào cảnh hỗn loạn như hiện nay.

Những “tử huyệt” về giao thông và đô thị đã lộ rõ từ rất lâu, thậm chí được nhiều chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, đến năm 2015, UBND thành phố Hà Nội vẫn duyệt quy hoạch mới áp dụng với các quận nội đô, trong đó cho phép xây dựng một số công trình cao 45 – 50 tầng làm “điểm nhấn” thì chẳng khác nào tự tăng thêm áp lực giao thông và đô thị ở khu vực nội đô.

Vũ Chiến/Báo Xây dựng