Giấc mơ về ngôi nhà giá rẻ quay trở lại
Mấy ngày nay, cảm xúc của tôi về cụm từ “nhà ở xã hội” liên tục thay đổi, giống hệt như thời tiết Hà Nội đầu tháng 12.
Với một công dân tỉnh lẻ, học tập, rồi lập nghiệp ở chốn phồn hoa này, 20 năm đã qua, ước mơ có “một ngôi nhà và những đứa trẻ” vẫn quá là xa xỉ. Vì sao? Thu nhập vài triệu một tháng, chi phí ăn tiêu hàng tháng dè xẻn lắm vẫn vào loại gọi là “ráo mồ hôi hết tiền”, vậy mơ gì mua được nhà ở nơi “giá đắt nhất thế giới” như Hà Nội.
Thật ra thì vài năm trước, giấc mơ sở hữu nhà giá rẻ đã bắt đầu xuất hiện với giới công chức bình dân, trong đó có tôi. Đó là vào đầu năm 2013, khi mới manh nha thông tin ngân hàng dành gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng cho người nghèo mua nhà thu nhập thấp. Gói 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ 5 – 6%/năm khiến tôi đặc biệt hứng khởi. Phập phồng thấp thỏm, nhấp nhổm lên xuống biết bao lần, hết ra phường hỏi thủ tục, lại mò đến ngân hàng thăm dò đường đi nước bước… cuối cùng thì “tay vẫn hoàn trắng tay”.
Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, đôi lần gia hạn, gói 30 nghìn tỷ đã hết hạn giải ngân, các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và đương nhiên, rất ít người thu nhập thấp như tôi nằm trong số được sở hữu căn nhà “trong mơ” đó. Thực tế, gọi là “nhà ở xã hội”, “nhà ở cho người thu nhập thấp”, nhưng có mấy người thu nhập thấp được mua? Chuyện đầu cơ, chạy suất “nhà ở xã hội” của một số nhân vật lắm quyền, nhiều tiền là có thật. Nó đơn giản như “cân đường, hộp sữa” đối với một số người, dù khó hơn lên trời với những người thực sự “thu nhập thấp” như tôi.
Thôi thì đành tự nhủ rằng xã hội thế, cơ chế thế, mình là người thấp cổ bé họng, biết điều thì an phận là hơn.
Thế rồi nhiều năm qua đi, giấc mơ về ngôi nhà thành phố trong tôi ngày càng hư ảo. Tôi bắt đầu quen với nếp nghĩ “tạm bợ ít năm tuổi trẻ ở chốn thị thành, đến khi già nghỉ hưu, về quê làm căn nhà ở tạm cũng coi như xong một kiếp người”… Tự nhủ thế, để an phận thủ thường, tự lấy làm yên ổn, tự thấy bằng lòng…
Nhưng đột nhiên, giấc mơ về ngôi nhà giá rẻ lại bắt đầu quay trở lại. Chỉ mấy ngày thôi mà nó bùng phát, nó bắt đầu nhen nhóm, khiến tôi không khỏi tâm tư.
Lẽ nào thời của nhà ở xã hội, thời của nhà giá rẻ đã bắt đầu quay trở lại?
Mở đầu là thông tin một đại gia bất động sản đồng ý xuống tay, đầu tư tới 200 – 300 nghìn căn hộ giá rẻ chỉ tầm 600 – 700 triệu. Gọi là giá rẻ, nhưng họ cam kết sẽ đáp ứng các điều kiện cơ bản nhất, có thể xa trung tâm một chút (không sao), nhưng điện đường, trường trạm, trung tâm thương mại, dịch vụ đi kèm chắc chắn sẽ “ngon, bổ, rẻ” là điều “đúng như trong mơ”.
Nhẩm tính, với công chức bình dân, thì một căn hộ giá 600 – 700 triệu là “tạm ổn”. Cứ tính chục năm tích cóp, cộng với vay mượn họ hàng nội ngoại hai bên, giả dụ thêm tí hỗ trợ vay của ngân hàng, coi như là chuyện sở hữu nhà đã “trong lòng bàn tay”, có lẽ!
Cảm xúc thăng hoa khi nghĩ về ngôi nhà trong mơ lại xuất hiện. Và càng thăng hoa hơn, khi thấy những quan tâm, chỉ đạo sát sao gần đây của Chính phủ về phát triển mạnh nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp như mình. Thủ tướng quan tâm, rốt ráo yêu cầu các địa phương phải dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, đề nghị ngân hàng nghiên cứu gói tín dụng cho vay phù hợp, ưu đãi… Thông tin chính thức sau cuộc họp về nhà ở xã hội hôm 7/12 là Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Nghị quyết Chính phủ + cái tâm DN = hiện thực hóa giấc mơ người nghèo.
Niềm tin được xác lập. Nhưng nỗi lo vẫn thấp thỏm không yên. Viết đến đây lại nhớ chuyện anh bạn thân vừa hốt hoảng chuyển khỏi căn nhà giá rẻ (dẫu nó là nhà thương mại). Nguyên do, dẫu cũng thuộc hàng “nhà thương mại” nhưng do “giá rẻ” nên chất lượng “thôi rồi”. Mỗi sáng đi làm, chờ thang máy cả tiếng đến phát điên. Ấy vậy, hồi mới dọn về, hí hửng mua được cái tivi mới, vừa chuyển vào thang, chưa kịp chen vô thì nó chạy tuốt lên trên, quay xuống, thì “giời tìm, đành mất”. Chuyện này sau thấy không còn là cá biệt, nên anh đành tặc lưỡi “số đen”. “Lo nhất là hệ thống thoát hiểm, phòng cháy rất tệ. Người thì đông như kiến cỏ, chen nhau lên xuống, giả dụ xảy ra cháy thì chỉ có chạy đằng trời”… Ở vài tháng, sau lúc khấp khởi là lúc “toát mồ hôi” vì sợ, vậy là anh đành ngậm ngùi bán tháo, chuyển ra thuê nhà ở. “Giấc mơ” vừa thành đã tan tành mây khói.
Thật ra thì lần này, Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng “nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”. Mệnh lệnh của Thủ tướng đúng thực quá hợp lòng dân, làm những kẻ thu nhập thấp như tôi phần nào yên tâm, hy vọng.
Nhưng liệu chỉ thị của Thủ tướng có được thực thi nghiêm cẩn? Đương nhiên DN rồi sẽ phải nỗ lực hết mình, thế nhưng rõ ràng họ sẽ khó bề xoay xở nếu như quỹ đất sạch không có, vốn ngân hàng siết lại, lãi suất không “thu nhập thấp”…
Vậy nên, để giấc mơ “nhà thu nhập thấp, chất lượng không thấp” thành sự thật, thì chắc hẳn, không thể chỉ trông vào quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, cũng không thể chờ đợi vào lòng tốt của riêng DN… Nói thì vĩ mô, nhưng quả thực muốn lo cho người nghèo, phải cần sự vào cuộc bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò trực tiếp của lãnh đạo các địa phương, các ngân hàng là thực sự quan trọng.
Hoàng Lan/Báo Xây dựng