Mặt tối của Thành phố thông minh
Khát vọng trở thành thành phố (TP) thông minh đang trở nên mãnh liệt đối với nhiều quốc gia, đặc biệt Singapore tham vọng trở thành quốc gia thông minh, nhưng cho đến nay mới chỉ có bốn TP được coi là đạt đến thông minh ở các cấp độ khác nhau là Putrajaya của Malaysia, Songdo của Hàn Quốc, TP đại học Quảng Châu của Trung Quốc, TP Yokohama của Nhật Bản.
Nhiều TP của Việt Nam cũng mong muốn trở thành TP thông minh như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đà Lạt, Phú Quốc… Nhưng lý thuyết và thực tiễn về TP thông minh dường như còn rất mới mẻ không chỉ với người dân mà còn cả với giới trí thức và công quyền.
Những ngộ nhận chết người về TP thông minh, phải chăng TP thông minh là TP của công nghệ thông tin hay còn những gì bí ẩn khác nữa?
TPHCM có thể thực hiện được khát vọng trở nên TP thông minh hay không? Những thách thức, những giới hạn đặt ra cho tiến trình này cho các TP của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng?
Cuộc trao đổi giữa PGS.TS Nguyễn Minh Hoà và các kiến trúc sư, nhà văn hoá, nghiên cứu dưới đây là những thông tin nhiều chiều về “TP thông minh”.
Ông có thể cho biết đánh giá của mình về những mô hình “TP thông minh” trên thế giới và ứng dụng của nó vào Việt Nam?
– Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 30 TP tiến hành chương trình TP thông minh, trong đó có Dubai, Thượng Hải, Thiên Tân, TPHCM… nhưng chưa ai tuyên bố là mình tới đích. Ngay như nước Đức cũng không theo đuổi mô hình này, mà cổ suý cho mô hình TP theo đuổi lối sống thanh đạm, khả năng phục hồi.
Khởi công từ tháng 8/1995, với số tiền hơn 8 tỷ USD, TP Putrajaya của Malaysia được cho là TP thông minh. TP Songdo của Hàn Quốc thiết kế cho 300.000 người, đầu tư 75 tỷ USD để thu hút doanh nghiệp FDI, tạo ra cộng đồng người nước ngoài.
Trong bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5/11/2016, KTS Yuji Koyama cho biết Nhật Bản chỉ có bốn TP xây dựng thông minh, nhưng ba TP đã… bỏ cuộc! Singapore là nơi duy nhất dám tuyên bố khởi động chương trình quốc gia thông minh.
Từ đó có thể rút ra một định nghĩa chung nhất về TP thông minh: tất cả đều được xây dựng từ mảnh đất hoàn toàn mới, thậm chí diện tích rất nhỏ, dân số khá ít, thường dưới 500.000, nhưng đầu tư cực lớn, trong khi cả đất nước Việt Nam dự trữ mới 35 tỷ USD.
Cư dân ở đây là những người có học vấn cao, có lối sống văn minh đô thị, có sự quyết tâm cao của chính quyền, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, hoặc những tập đoàn đầu tư tuyệt đối. Mục tiêu chỉ thực hiện vài điểm cơ bản.
Còn ở Việt Nam, Đà Nẵng được IBM chọn là một trong 33 TP trên thế giới, TPHCM đang triển khai cùng tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT mô hình TP thông minh, VNPT cũng ký kết với Đà Lạt, ngoài ra còn có Hải Phòng, Hải Dương, Hạ Long… đang trên đường khảo sát.
Vậy TP thông minh là gì? Mỗi nước, mỗi TP có những quy chuẩn riêng. Mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông kết nối các mạng cảm biến, làm cho cuộc sống người dân đô thị tiện lợi, nhanh chóng khi thực hiện các dịch vụ công.
Mục tiêu của Singapore là hiệu quả, bền vững, an toàn. Bỉ lại coi trọng: nước, không khí. Hà Lan có thêm du lịch thông minh, cộng đồng thông minh, môi trường thông minh, doanh nghiệp thông minh, quy hoạch thông minh, dịch vụ công thông minh…
Với cá nhân, với hộ gia đình đều có những quy chuẩn riêng. Hệ thống hạ tầng các dịch vụ, các lĩnh vực mà mình định áp dụng để bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ. Phải có kho dữ liệu lớn đầy đủ, chính xác, tích hợp thông tin vào các trung tâm của TP và ở trong thẻ từ của mỗi cá nhân. Các lệnh cho giao thông được đưa ra sau khi đã được xử lý ở trung tâm.
Về khả năng người dân đón nhận TP thông minh, phải có cư dân thông minh mới có được TP thông minh, nên phải phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân hiểu được. Nhưng ở Việt Nam, người dân có thể bẻ các bộ phận cảm biến này để bán với giá vài chục ngàn thì sao?
Bên cạnh đó, phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi, bài toán của TP thông minh không phải là công nghệ mà bài toán về xã hội.
Nếu không có chính quyền thông minh, lãnh đạo thông minh để ra quyết định đúng, lựa chọn đúng, dám thực hiện và thực hiện hiệu quả thì công nghệ chỉ là vô ích, thậm chí phản tác dụng. Công nghệ có thể mua, chỉ là công cụ, còn xây dựng thể chế cho TP thông minh là điều không dễ.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, TP thông minh liệu có đặt ra những rủi ro gì khi mà công nghệ len lỏi vào quá sâu đời sống cá nhân của cư dân đô thị?
– Rủi ro về mặt công nghệ là rất cao, gây hệ quả nghiêm trọng vì liên thông đến toàn hệ thống. Ví dụ như hệ thống cảm biến không báo cháy sẽ làm cho toàn hệ thống bị tê liệt, gây ra tai nạn xe liên hoàn. Nếu để cho một thế lực nào sử dụng toàn bộ dữ liệu của hệ thống sẽ gặp rắc rối.
Như một chiếc máy tính trong không gian mở, nếu bị virút sẽ rất khó để phục hồi lại. Hoặc với những tên khủng bố, những kẻ gian lợi dụng trong những hoạt động tài chính để chiếm đoạt tiền. Chắc chắn những tên khủng bố sẽ lợi dụng hệ thống dữ liệu Big Data này trong tương lai.
Nhưng rủi ro về mặt xã hội còn lớn hơn nhiều, tạo ra xã hội lạnh lùng, cô đơn và cách biệt. Gia tăng phụ nữ độc thân, tự tử. Các nhà quản lý xa dân, chỉ tiếp xúc bằng máy móc. Triệt tiêu môi trường và chất xúc tác kết giao xã hội. Những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương sẽ bị đứng ngoài hệ thống này như người già, khuyết tật, người nghèo, trẻ em mồ côi…
Ở TPHCM, người già thích nhận tiền lương hưu bằng tiền mặt hơn là rút ở ATM. Nhiều người già ở Nhật Bản chết từ bao giờ mà không ai biết.
Vì thế các nước Bắc Âu không chuộng lắm hình thức TP thông minh. Sự giám sát chặt chẽ, bất cứ lúc nào của hệ thống camera cảm biến sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do và thông tin cá nhân bị chiếm đoạt.
Những TP thông minh có thể hạn chế năng lượng sử dụng, nhưng rất dễ bị kẻ xấu chiếm đoạt mật khẩu. Ở Songdo, cá nhân bị quan sát liên tục, ám ảnh cuộc sống riêng tư.
Cuối cùng tôi nghĩ công nghệ tốt hay xấu phụ thuộc vào người sử dụng nó. Máy quay lắp đặt là để bảo vệ cuộc sống người dân. Nhưng không tránh khỏi bị kẻ xấu lợi dụng. Nếu chính phủ vi phạm pháp luật thì rất khó, phải rất thận trọng với việc sử dụng dữ liệu.
Tạo ra TP tự động hoá quá cao sẽ làm cho xã hội khô cứng, làm mất đi sự bất ngờ, thú vị, giảm đi “gia vị” của đô thị. Songdo mất đi vẻ tự nhiên vì các toà nhà thiết kế quá hoàn hảo, thiếu sáng tạo. Chúng rất sạch sẽ, hoàn hảo, đó là bộ sưu tập, không phải là một thành phố.
Thừa công nghệ, thiếu nhân văn, rất nhanh chúng ta sẽ nhận ra TP này rất buồn tẻ, cực kỳ đồng nhất, dành cho người giàu, có địa vị cao. Nếu người nghèo sẽ bị cô lập, cảnh sát giao thông sẽ mất việc không biết đi đâu.
Thị trường lao động dôi dư, vốn xây dựng tiêu tốn rất nhiều ngân sách quốc gia. Lệ thuộc quá lớn vào công nghệ, phần mềm, do công nghệ thay đổi rất nhanh, dễ lạc hậu… các TP có thể bị lôi cuốn vào các cuộc mua sắm thiết bị, có thể nghèo hơn vì nợ nần.
Nếu người lãnh đạo không thông minh sẽ bị các tập đoàn nước ngoài lừa. Nhóm môi giới về “TP thông minh” nhiều lắm, cuối cùng mình phụ thuộc vào họ, trở thành… ngớ ngẩn.
Vậy theo anh, những gì của các TP của Việt Nam định tiến hành có phải thực sự là TP thông minh hay không, hay chỉ là những hoạt động bình thường của chính quyền và xã hội?
– Phú Quốc ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử thông minh là rất hay. Giống như xây dựng TP xanh, TP thân thiện, đây chỉ là một sự lựa chọn. Những TP đang sống yên bình, thân thiện, tự quản cao như Đà Lạt đâu cần thiết phải phấn đấu thành TP thông minh. Điều lo lắng TP thông minh đang trở thành thời trang nhất thời, có thể lụi tàn, tôi cũng đang ngờ ngợ chuyện này.
TPHCM đang xây dựng TP thông minh gắn liền với bảy chương trình đột phá là vô cùng khó. Nên chọn một vài nơi có thể áp dụng ngay được hoặc một vài tiêu chuẩn quan trọng để làm trước.
Bảy mục tiêu TP đưa ra không mục tiêu nào là phù phiếm cả, tôi rất hoan nghênh. Sử dụng công nghệ vào bảy điểm này thì tốt quá. Nhưng đòi hỏi cư dân Sài Gòn thông minh là… hỏng.
Ai cũng hoan nghênh công nghệ, chúng ta cũng không nên tránh nó làm gì. Quan trọng là chúng ta sử dụng thông tin như thế nào, đó là vấn đề văn hoá. Đòi hỏi 100% cán bộ TP thông minh lại càng hỏng, lấy đâu ra chuyên gia thông minh? Bọn khủng bố còn thông minh hơn nhiều.
Từ thông minh làm cho chúng ta vừa thích thú, vừa hoảng sợ. Đằng sau thông minh vẫn là con người. Xây dựng con người phải mất cả trăm năm, nên lãnh đạo TP nếu ý chí quá, quyết định vội vàng sẽ tốn kém tiền của dân, dự án đắp chiếu dân phải trả giá.
Tôi đã chuyển ý kiến của mình ra Quốc hội, và được trả lời Thủ tướng sẽ trao đổi lại với tôi về TP thông minh. TPHCM đang đi vào vấn để kỹ trị, không quan tâm đến xã hội. TP thông minh cần nhất là những lãnh đạo chiến lược, thông minh, để đưa ra giải pháp thông minh, chứ không dựa vào công nghệ thông minh.
Ngày nào các tỉnh, thành đều tiếp các tập đoàn đã có sẵn gói công nghệ thông minh đến chào hàng, phải biết chọn giải pháp thông minh, con người thông minh và lãnh đạo thông minh.
KTS Huỳnh Định Chiến: Đừng để con người bị kỹ thuật bắt làm con tin
Phải xem xét kỹ về nền tảng dân trí, lãnh đạo thông minh, đó là cả quá trình giáo dục dài. Ở góc độ khoa học, tôi thấy TP sử dụng người và của lãng phí nhiều lắm, giờ rối tung lên hết. Tư duy TP thông minh phải từ lãnh đạo thông minh, đó là bài toán mở, là cái lõi của vấn đề. Đi du lịch ở những xứ có lãnh đạo thông minh, thấy TP của họ rất bài bản, hài hoà, những công trình kiến trúc cổ đều được giữ nguyên, TP mới họ xây dựng ở vùng vành đai hết. Nhìn góc độ Sài Gòn, tôi thấy mô hình TP thông minh khó khả thi, vì không hài hoà, thân thiện. Mình phải nhìn cả chiều dài, chiều sâu, không nhìn ngắn. Còn công nghệ thì mua dễ lắm, thực sự nếu có tấm lòng phải trăn trở rất nhiều, đừng gây ra nợ chồng nợ chất.
Đối với Việt Nam, trong điều kiện hiện tại, xây dựng TP thông minh giống như nghe một câu chuyện thần thoại. Tôi không bình tiêu chuẩn đó ép vào Việt Nam như thế nào, tôi chỉ bàn về vấn đề loài người. Nếu tiến hoá về sinh học và trí thức loài người theo kịp mới phát triển TP thông minh. Nếu ai thích tự do như chim trời sẽ không thích TP thông minh. Phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ đến mức không suy nghĩ, không hành động thì bộ não sẽ teo đi. Ngày xưa người Anh nghĩ ra hướng đạo chính là vì người nước Anh “ lên xe xuống ngựa”, mất hết kỹ năng. Đừng để con người bị kỹ thuật bắt làm con tin, vận hành như một tín hiệu thông tin trong bộ máy khổng lồ.
TS Dư Phước Tân, trưởng phòng quản lý đô thị viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Qua bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, bức tranh tổng quát về TP thông minh đã được trình bày, giúp chúng ta hiểu biết toàn diện hơn. Đây là vấn đề thú vị, nếu chúng ta tiếp cận với mục tiêu TP thông minh trên phương diện công cụ. Khi dân số tăng nhanh, tiết kiệm năng lượng rất cần thiết. Làm sao điều hành TP hiệu quả? TP giống như một doanh nghiệp, tổng giám đốc là thị trưởng, nếu coi đây là phương tiện để TP phát triển hiệu quả sẽ hợp lý hơn.
TS.KTS Hạnh Nguyên: Tôi sợ từ thông minh
Ở đây là vấn đề lãnh đạo. Tôi ái ngại khi lãnh đạo có quyết tâm cao như Sài Gòn với Ba Son, Sapa, hình ảnh kinh hoàng của một đô thị cổ đã mất. Tôi rất xấu hổ, càng ngày càng xấu hổ với tư cách của một kiến trúc sư. Không biết học trò mình đang phá nát Sapa, phá nát kiến trúc.
Tôi sợ từ thông minh. Smartphone thì có thể OK, nhưng smart city thì vô cùng lớn, đừng nhầm hai điều này. Từ smart city phải thay đổi, phải rạch ròi khi có sự tham gia của công nghệ. Vấn đề của chúng ta là lãnh đạo và con người. Chúng ta đang khát khao tính cộng đồng, thấy lạc lõng ngay trong đô thị của chúng ta. Thứ hai là thiếu thiên nhiên thực sự, chứ không phải mấy cái cây ở Singapore nói là thiên nhiên. Thứ ba là mất đi quá khứ, mất đi bản sắc, giống như chúng ta mất đi ông bà. Chính điều này khiến cho giới trẻ Nhật Bản đang sốc. Tôi rất đồng ý với sự hài hoà. Với TP.HCM không cần quá nhiều tiêu chuẩn, chỉ cần tập trung ba việc: ra ngoài đường không bị kẹt xe, không bị cướp giật, không bị ngập nước là đã tốt lắm rồi.
Một sinh viên khoa Đô thị học: Công dân Sài Gòn không muốn trở thành thông minh mà muốn trở thành TP nghĩa tình
Có điều mừng là sau biết bao nhiêu năm TP giải quyết vấn đề sự vụ, giờ đã nghĩ tới một chiến lược dài hơi như TP thông minh. Về xã hội, TPHCM không thể áp dụng tiêu chí thông minh, đây là… mơ, vì dân nhập cư đổ về chính là sức mạnh kinh tế, văn hoá, nhưng họ chưa đủ chuẩn để trở thành cư dân thông minh.
Công dân Sài Gòn không muốn TP trở thành thông minh mà muốn trở thành TP nghĩa tình. Sử dụng công nghệ như phương tiện để tìm đến với nghĩa tình thôi. Người dân không ủng hộ lắm vì dự án rất tốn kém. Con người về mặt sinh học chưa chuẩn bị để sống chết cùng máy tính. Một TP đáng sống hơn là TP thông minh.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phải xây dựng môi trường cho con người tiếp xúc thật với con người
Ở ngã sáu gần nhà tôi có ông sửa xe để biển “Xin đừng hỏi đường”, vì ai cũng dừng lại hỏi đường khiến ông trả lời rất mệt. Khi ông không còn ở đấy nữa tôi lại nhớ ông. Nhưng nếu một ngày tôi mất wifi, tôi không còn là tôi nữa. Công nghệ mang lại cho tôi tiện ích mới, cảm xúc mới. Nếu mình cảm xúc có tính công nghệ hơn cũng là điều tốt. Đi siêu thị thích một điều khác hơn mua online là nói chuyện được với cô bán hàng, giao tiếp đó là giao tiếp thật.
TP thông minh giải quyết các thông tin nhằm vào mục đích nào đó, không sinh ra văn hoá. Cuộc đời không cần kết quả, mà cần chuyện đang diễn ra. Giống như hỏi một cô có lấy tôi không, cô ấy đồng ý liền thì nói làm gì.
Cái khác giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tokyo, là chúng ta không có cư dân đô thị. Sản xuất đều từ làng ra. Chúng ta không có tầng lớp thị dân, quý tộc, ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị chúng ta bây giờ. Ngay cả trí thức Việt Nam cũng không phải là thị dân, mà đều từ làng quê mà ra thì TP thông minh giải quyết kiểu gì? Có lẽ TP thông minh chỉ áp dụng quản lý những điều gì phục vụ đời sống cụ thể, trực tiếp. Không nên để nó can thiệp quá nhiều vào lối sống của người dân. Còn kết nối mọi thứ rất nguy hiểm.
Sự vội vàng của các nhà khoa học khi đưa ra TP thông minh là ảo tưởng. Nếu lạm dụng công nghệ trong TP thông minh thì càng… ngu đi. Phải xây dựng môi trường cho con người tiếp xúc thật với con người, vì hạnh phúc lớn nhất con người là nằm trong giao tiếp,chúng ta trông thấy nhau, chạm vào nhau mới thích
Kim Yến thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
Theo TGTT