HUD đề xuất một số giải pháp phát triển NƠXH
Nhận thức được vai trò của DNNN là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, đi đầu thực hiện an sinh xã hội, TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) xác định phát triển NƠXH là một nhiệm vụ quan trọng của TCty trong giai đoạn hiện nay.
Để đẩy mạnh việc triển khai các dự án NƠXH theo kế hoạch, Ban Thường vụ Đảng ủy TCty ban hành Nghị quyết chuyên đề số 124-NQ/ĐU ngày 07/3/2014 lãnh đạo HĐTV, Ban Tổng giám đốc TCty tập trung chỉ đạo, đôn đốc các BQLDA, các Cty thành viên tiến hành nghiên cứu, triển khai, thực hiện các dự án NƠXH đã được giao theo lộ trình chi tiết của từng dự án. Theo đó, TCty đã nghiên cứu, triển khai 12 dự án NƠXH, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị có nhu cầu cao về NƠXH.
Đến nay, HUD đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án NƠXH, giúp nhiều đối tượng chính sách xã hội tạo lập được chỗ ở, “an cư, lạc nghiệp”, góp phần giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Điển hình là dự án NƠXH tại KĐTM Tây Nam Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, TP Hà Nội); Dự án NƠXH tại KĐTM Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình; Dự án Khu Chung cư thu nhập thấp P.Phú Sơn, TP Thanh Hoá; Dự án Chung cư An Bình – Nha Trang, Khánh Hòa…
Qua thực tiễn triển khai các dự án NƠXH trong thời gian qua, HUD nhận thấy còn một số vấn đề còn bất cập cần giải quyết, tháo gỡ để các dự án NƠXH được triển khai thuận lợi, hiệu quả, đóng góp tích cực vào các mục tiêu Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Cụ thể, về việc quy hoạch và bố trí quỹ đất triển khai các dự án NƠXH, theo quy định hiện hành, các dự án phát triển đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất ở để bố trí NƠXH. Tuy nhiên, đối với các dự án đã triển khai trước đây thì không bố trí quỹ đất hoặc quỹ đất 20% đã được địa phương đầu tư xây dựng cho các mục đích khác. Các dự án phát triển mới phải mất thời gian rất dài mới có được quỹ đất sạch để triển khai. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, quỹ đất phát triển NƠXH rất hạn hẹp, nhất là tại các địa phương có nhu cầu cao về NƠXH (như Hà Nội, TP.HCM).
Về cơ chế hỗ trợ tài chính cho phát triển NƠXH, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP với nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, trong đó có gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hơn 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các dự án NƠXH và nhà ở thương mại giá thấp. Tuy nhiên gói hỗ trợ này chỉ có giá trị đến 30/6/2016 (các đối tượng khách hàng cá nhân được gia hạn đến 31/12/2016) và theo Luật Nhà ở 2015, các dự án NƠXH sẽ được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong khi các hướng dẫn về vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chủ đầu tư dự án phát triển NƠXH hiện vẫn chưa được ban hành. Do vậy, cần có sự chuyển tiếp giữa các dự án vay gói 30 nghìn tỷ đồng sang việc vay Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và khách hàng.
Về lợi nhuận định mức quy định đối với dự án NƠXH, theo HUD, quy định giá bán NƠXH do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư (kể cả lãi vay) với lợi nhuận định mức các dự án NƠXH không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư dự án, nhằm khống chế các chủ đầu tư không được xác định giá bán với lợi nhuận quá cao, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua là nhóm đối tượng chính sách xã hội. Việc quy định “cứng” tỷ lệ lợi nhuận định mức vô hình chung đã không khuyến khích, không tạo động lực để các chủ đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và các giải pháp tiết kiệm trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm.
Về quy định dành 20% diện tích NƠXH để cho thuê, theo quy định hiện hành, các dự án NƠXH phải dành 20% diện tích để cho thuê, không phân biệt địa bàn, khu vực dự án. Trên thực tế, tại các đô thị lớn, nhu cầu thuê NƠXH lớn và quỹ nhà cho thuê là cần thiết, dễ dàng lấp đầy. Nhưng tại các khu vực đô thị của nhiều địa phương xa, do tập quán sống và quan niệm về sở hữu, quỹ nhà cho thuê rất khó được lấp đầy. Chính vì vậy, không nên quy định “cứng” tỷ lệ cho thuê đối với các dự án NƠXH mà nên giao cho HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ đặc thù địa phương mình mà quy định tỷ lệ diện tích NƠXH cho thuê này.
Về việc phân bổ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án NƠXH trong giá bán, theo quy định hiện hành, dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng đối với chi phí đền bù GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì không có quy định cụ thể. Các chi phí này có thể được nhà nước hỗ trợ, hỗ trợ một phần hoặc không hỗ trợ tùy theo từng dự án, từng địa phương dẫn đến giá bán NƠXH có dự án phân bổ thêm chi phí đền bù GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có dự án thì không phân bổ hoặc chỉ phân bổ một phần chi phí này. Do vậy, cần có sự thống nhất trong các tiêu chí và cách thức phân bổ các chi phí này để đảm bảo sự minh bạch và công bằng đối với các chủ đầu tư cũng như người mua các dự án NƠXH.
HUD mong muốn những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các dự án phát triển NƠXH của TCty sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết để các chính sách phát triển NƠXH ngày một hoàn thiện, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Quý Anh/Báo Xây dựng