Mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã lấy cách làm của Bình Dương trong việc xây chung cư có giá bán 100 triệu đồng/căn cho công nhân và có thể trả góp trong vòng 3 – 5 năm làm tấm gương cho UBND TP.HCM.
Thông tin này cho thấy, mô hình “tổ chim họa mi” không chỉ đáp ứng được nhu cầu đông đảo của những hộ có thu nhập thấp, của dư luận xã hội mà còn được sự đồng tình của cấp lãnh đạo cao nhất.
Thật ra, vấn đề “nhà ổ chuột” hay “tổ chim họa mi” đã nhiều lần được đề cập trong nhiều năm trên Báo Xây dựng với tinh thần ủng hộ sự hình thành các “tổ chim họa mi”, tức khu chung cư có các căn hộ diện tích nhỏ phù hợp với những người có thu nhập thấp, nhưng có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt.
Hẳn nhiều người còn nhớ hơn 1 năm trước, hàng nghìn công nhân ở Bình Dương mừng đến rơi nước mắt khi nhận căn hộ 30m2 (20m2 sàn và 10m2 gác xép) mà chỉ phải nộp ban đầu có… 20 triệu đồng. Sau đó, mỗi hộ trả góp mỗi tháng khoảng 1,4 triệu đồng (ngang với tiền đi thuê nhà), sau 5 năm là đã được sở hữu một căn hộ. Quả là câu chuyện tưởng như chỉ có trong một giấc mơ.
Ngược lại thời gian sẽ dễ dàng nhận thấy, những căn hộ nhỏ này đã được “xây chui” cách đây 5 – 6 năm ở Khu chung cư Thái An của Cty Đất Lành và đã bị các cơ quan quản lý của TP.HCM hành cho “lên bờ xuống ruộng”. Nói là “chui” bởi vì khi đó, pháp luật quy định căn hộ thương mại không được dưới 45m2. Quy định này đã khiến cho nhiều người dân không có cơ hội có nhà ở, bởi các nhà làm luật lo lắng rằng những căn hộ nhỏ sẽ dễ dàng biến thành các “ổ chuột”.
Đến nay, con số quy định khô cứng ấy đã được bãi bỏ.
Các nguồn thông tin cho hay, UBND TP.HCM đã ra hẳn một văn bản chỉ đích danh Bình Dương là “địa chỉ đỏ” để Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan phải học kinh nghiệm về thủ tục, quy trình xây dựng nhà ở xã hội bán cho công nhân, người lao động với giá rẻ… 100 triệu đ/căn để áp dụng trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, yêu cầu cần khảo sát nhu cầu mua, thuê nhà ở và đề xuất các thiết kế nhà cho công nhân tham khảo, nhà ở phải gần khu vực có trường học, trạm y tế, siêu thị, chợ…
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao các Sở QH-KT, Xây dựng và UBND Q.7 phối hợp với LĐLĐ TP.HCM xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong Khu chế xuất Tân Thuận và khu vực liền kề. Từ đó có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân với các hình thức được mua, thuê và thuê mua…
Thôi, thế cũng là mừng, mặc dù vật vã đến cả chục năm, cuối cùng, chính sách nhà ở xã hội đã ra đời một mẫu hình khá lý tưởng cho những gia đình công nhân nghèo.
Nguyễn Hoàng Linh/Báo Xây dựng