Các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng: Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao
Sau 2 năm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, công tác đào tạo của ngành Xây dựng đã thu được những kết quả khá toàn diện.
Theo đó, các cơ sở đào tạo thuộc ngành Xây dựng đang triển khai tích cực việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo theo mô – đun, tín chỉ, môn học.
Đối với giáo dục đại học, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo 2 trường: ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc TP.HCM nghiên cứu, đổi mới các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình đào tạo ngành kiến trúc và quy hoạch theo hướng tiếp cận với các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới.
Đối với đào tạo nghề, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo một số trường cao đẳng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cho một số nghề trọng điểm có trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực hoặc có trình độ quốc tế theo chương trình đầu tư xây dựng nghề trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015 và 2020 của Bộ LĐTB&XH. Cùng với đó là rà soát, bổ sung danh mục các nghề trọng điểm cần được đầu tư; đổi mới, phát triển chương trình, giáo trình theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tích cực của người học nghề, gắn với thực tế sản xuất sao cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Về đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo: Các cơ sở đào tạo thuộc ngành Xây dựng đã và đang triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên theo quy định, trong đó chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Hầu hết các cơ sở đào tạo đã triển khai xây dựng xong ngân hàng đề thi cho tất cả các học phần, môn học của các hệ đào tạo, thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung ngân hàng đề thi, nhằm đảm bảo việc đánh giá kết quả học sinh, sinh viên được khách quan và công bằng.
Nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo đại học, tổ chức đánh giá giảng viên thông qua ý kiến phản hồi của học sinh, sinh viên là công cụ tốt để thúc đẩy chất lượng giảng dạy của trường, đạt được sự đồng thuận và hợp tác của giáo viên, giảng viên và các cấp quản lý, nhất là ở các cấp độ khoa trong việc phản hồi kết quả cho giáo viên, giảng viên để có biện pháp giúp giáo viên, giảng viên điều chỉnh kịp thời và cải tiến phương pháp giảng dạy. Đối với các cơ sở đào tạo nghề, các trường đều lấy ý kiến đánh giá chất lượng đào tạo nghề của các doanh nghiệp có sử dụng học sinh, sinh viên sau khi ra trường, để các trường kịp thời cập nhật, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Về phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục: Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Ngành, xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên để làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ giáo viên của các trường đảm bảo đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, phù hợp với quy mô và ngành nghề đào tạo theo từng giai đoạn.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng xác định việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin là rất quan trọng. Trong bối cảnh nguồn kinh phí được cấp hàng năm còn rất hạn chế, Bộ Xây dựng thực hiện chủ trương đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải với mục tiêu đầu tư xây dựng một số trường đại học, trường dạy nghề chất lượng cao. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các cơ sở đào tạo còn lại theo hướng hoàn thiện từng hạng mục công trình đã được phê duyệt, ưu tiên cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tạo thuộc ngành Xây dựng.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy các trường, trong đó có việc thành lập Hội đồng trường và tăng quyền phân cấp, thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính…
Hiện nay, Bộ Xây dựng có 21 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, gồm 1 Học viện, 4 trường đại học, 4 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 7 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp và 2 trường trung cấp nghề. Trong đó có 12 trường thuộc doanh nghiệp mới chuyển về trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngoài ra còn có 5 trường cao đẳng nghề, trung cấp trực thuộc các doanh nghiệp thuộc Ngành. |
Vân Anh/Báo Xây dựng