Tăng cường giám sát trong quản lý phát triển đô thị
Phát triển đô thị thiếu quy hoạch, tự phát theo phong trào…, thực tế này đang khiến cho hạ tầng kỹ thuật, tắc đường, các vấn nạn về ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến tại các khu đô thị lớn hiện nay. Để giảm thiểu và nâng cao công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đang tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch
Đây là thực tế đã và đang diễn ra phổ biến tại các khu đô thị hiện nay. Không khó để chứng kiến nạn tắc đường, lụt lội diễn ra thường xuyên tại các khu đô thị lớn, đặc biệt là các khu đô thị thuộc nhiều TP lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Đã có nhiều bài phân tích được đưa ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các vấn đề bất cập liên quan đến quy hoạch đô thị. Việc phát triển đô thị quá “nóng” đã khiến cho TP.HCM phải trả giá đắt do cơ sở hạ tầng, hệ thống chống ngập… không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của quá trình đô thị hoá. Câu chuyện cả TP chìm sâu trong biển nước suốt những ngày dài mới đây đã trở thành nỗi ám ảnh “khó quên” đối với những người dân đã và đang sinh sống tại đây.
Các chuyên gia cho rằng, vấn nạn tắc đường, lụt lội là do việc lựa chọn đất và định hướng phát triển đô thị chưa được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, đặc biệt là việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới và các khu công nghiệp.
TP Hà Nội cũng chẳng khá hơn là mấy, khi một khu đô thị mẫu như KĐT Linh Đàm với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nhưng lại trở thành gánh nặng chung về quy hoạch đô thị tại Thủ đô. Sự gia tăng “chóng mặt” của các tòa cao ốc đã khiến cho môi trường, hạ tầng kỹ thuật… không thể đáp ứng nổi, trong một dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu nhưng lại thiếu hạ tầng của vùng…
Hiện cả nước có gần 800 đô thị, tổng thu ngân sách khu vực đô thị chiếm trên 70% GDP của cả nước. Các đô thị ngày càng khẳng định được vai trò chủ lực đối với nền kinh tế, tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý đã khiến cho việc quy hoạch của các khu đô thị này chậm so với yêu cầu đặt ra, thậm chí nhiều nơi làm sai, chậm hoặc muộn so với quy định. Việc thiếu quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã khiến cho các đô thị phát triển thiếu tính kết nối…
Trước thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng đã cho soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị với mong muốn hạn chế được những bất cập trong việc quản lý, phát triển đô thị. Theo đó, sẽ thành lập Ban quản lý để có thể quản lý một hoặc nhiều khu vực tuỳ theo mức độ. Ban quản lý này cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo để điều phối hoạt động của các dự án đô thị trong khu vực.
Sửa đổi phù hợp yêu cầu thực tế
Nhằm đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tế, nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý đầu tư phát triển đô thị sẽ quy định rõ dự án đầu tư phát triển đô thị bao gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị. Việc lập khu vực phát triển đô thị sẽ được căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị. UBND cấp tỉnh theo đó phải lập khu vực phát triển đô thị đối với khu vực dự kiến tập trung đầu tư có một hoặc nhiều dự án với tổng quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên.
Phạm vi ranh giới khu vực phát triển đô thị cũng được xác định trên cơ sở phân vùng quản lý không gian của quy hoạch chung, ranh giới các quy hoạch phân khu được duyệt, ranh giới quản lý hành chính Nhà nước theo lãnh thổ, điều kiện tự nhiên và nhu cầu đầu tư phát triển đô thị của từng khu vực…
Để quản lý phát triển đô thị được hiệu quả, việc thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị được coi là vấn đề then chốt tại Dự thảo Nghị định sửa đổi.
Chia sẻ về những điểm mới này, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Số lượng và chất lượng đô thị được nâng lên, tuy nhiên để phù hợp thực tế, chúng ta cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các hệ thống cơ sở pháp lý có liên quan để có thể hạn chế việc phát triển đô thị tự phát, thiếu quy hoạch, bảo công tác quy hoạch phát triển đô thị được giám sát chặt chẽ hơn.
Hồng Quang/Báo Xây dựng