07/11/2016

Cẩn trọng với VLXD có bông sợi thủy tinh

Bông sợi thủy tinh được cấu tạo từ những sợi bông thủy tinh tổng hợp và được ứng dụng làm vật liệu cách nhiệt, cách âm, chống cháy, chống ồn hiệu quả trong những công trình xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình thi công hay phá dỡ công trình xây dựng, bông thủy tinh có khả năng khuếch tán trong môi trường không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mức độ ảnh hưởng do phơi nhiễm các chất này phụ thuộc vào liều lượng, thời gian và phương thức tiếp xúc.

Bông thủy tinh có độc hại?

Sợi bông thủy tinh tổng hợp là một nhóm vật liệu vô cơ dạng sợi chứa aluminum hoặc siliccat canxi và một lượng nhỏ các oxit và kim loại khác. Loại sợi này được làm từ đá, xỉ, đất sét hoặc thủy tinh. Chúng khác với các loại sợi vô cơ tự nhiên như amiăng vì chúng không có cấu trúc phân tử thạch anh. Cấu trúc phân tử hướng ngẫu nhiên của sợi bông thủy tinh tổng hợp được gọi là cấu trúc vô định hình. Có 2 loại bông thủy tinh chính: Dạng sợi nhỏ và dạng sợi len. Tiện ích cơ bản của sợi bông thủy tinh tổng hợp là được sử dụng cho cách nhiệt, cách âm và cách điện để gia cố cho các vật liệu khác như các vật liệu lọc. Sợi len thủy tinh là loại vât liệu cách nhiệt được sử dụng phổ biến nhất trong các hộ gia đình và tòa nhà. Việc sản xuất và tiêu dùng sợi bông thủy tinh tăng nhanh trong một vài năm gần đây vì những sản phẩm này thường được sử dụng như một sản phẩm thay thế cho amiăng.

Nếu các vật liệu chứa sợi bông thủy tinh như tấm cách điện hoặc tấm cách nhiệt ở trần nhà hoặc nơi làm việc bị hỏng hay rơi xuống, sợi bông thủy tinh có thể trở thành bụi trong không khí. Khi những sợi này lơ lửng trong không khí, con người có thể sẽ bị phơi nhiễm sợi bông thủy tinh ở mức nhẹ do hít phải. Da và mắt cũng có thể bị dính sợi này nếu tiếp xúc trực tiếp với tấm cách nhiệt hoặc cách điện mà không sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động như găng tay, kính bảo vệ và mặt nạ.

Nhân viên tại các nhà máy nơi sản xuất sợi bông thủy tinh tổng hợp cũng như công nhân, những người thường xuyên phải tiếp xúc với dạng vật liệu này có nguy cơ bị phơi nhiễm cao. Các công nhân làm các công việc liên quan tới phá hủy cũng như bảo dưỡng, sửa chữa tòa nhà có nguy cơ phơi nhiễm sợi bông thủy tinh tổng hợp ở mức cao hơn nhiều nếu những vật liệu này bị phát tán ra.

Khi bị phơi nhiễm bông sợi thủy tinh sẽ có thể có triệu chứng “ngứa do sợi thủy tinh”. Chúng cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp trên mũi, họng và các phần của phổi, gây ra đau họng, tắc mũi và ho. Những ảnh hưởng này sẽ dần dần biến mất sau một thời gian. Vì hầu hết mọi người không bị nhiễm sợi bông thủy tinh tổng hợp ở mức cao nên chưa thấy có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những người công nhân sản xuất thường xuyên tiếp xúc với bông thủy tinh cũng phải chú ý những điều kiện trong việc an toàn và bảo hộ lao động như quần áo, găng tay, khẩu trang, kính mắt, đảm bảo an toàn tuyệt đối vì chính những nơi sản xuất có mật độ sợi bông thủy tinh cao, thường xuyên tiếp xúc về lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chưa có một trường hợp nào cho thấy bông thủy tinh có thể gây ung thư da. Vì vậy, bông thủy tinh không gây độc hại cho con người như những chất hóa học khác nhưng có thể bị ảnh hưởng, phơi nhiễm đến cơ thể con người như da, hệ hô hấp. Vì vậy, luôn cần được đảm bảo an toàn khi sản xuất cũng như thi công và sử dụng.

Bên cạnh đó, cũng cần thêm những nghiên cứu về tác động của loại vật liệu xây dựng này với môi trường. Bởi sợi bông thủy tinh không bốc hơi trong không khí hay hòa tan trong nước. Chúng không bị tan rã thành các hợp chất khác trong môi trường và nó sẽ tồn tại hầu như không thay đổi trong một thời gian dài. Các sợi này có thể bay vào trong không khí, rơi trong nước và đất từ nơi sản xuất, sử dụng và nơi huỷ các vật liệu chứa sợi bông thủy tinh. Các sợi với đường kính nhỏ sẽ dễ dàng lơ lửng trong không khí, gió có thể phát tán chúng tới nhiều nơi.

Về đâu phế thải bông sợi thủy tinh?

Để trả lời câu hỏi về đâu bông sợi thủy tinh, phóng viên đã liên hệ với các Cty Môi trường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Theo ông Bùi Chí Bình – Phó giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) và Cty Urenco 10 thì hiện tại, Urenco 10 xử lý bông thủy tinh bằng phương pháp lưu giữ an toàn có kiểm soát trong hầm bê tông. Tuy nhiên vẫn chưa có công nghệ xử lý triệt để bông thủy tinh. Mà xử lý bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao bông thủy tinh thì không cháy mà chỉ vỡ liên kết không xử lý được các thành phần trong bông thủy tinh. Trong khi đó giá thành để chi phí cho xử lý những phế thải từ thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 2 triệu đ/tấn. Tuy nhiên không có nhiều hợp đồng xử lý các phế thải này. Hiện nay mới chỉ Cty đã ký 2 hợp đồng xử lý với Cty Honda Việt Nam tại Hà Nam và Cty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc. Hiện các cơ sở công nghiệp ở nội thành Hà Nội di chuyển ra ngoại thành, các nhà xưởng cũ bị phá bỏ để xây dựng những dự án mới (hầu hết phế thải của các nhà xưởng cũ đều có bông sợi thủy tinh). Theo PGS.TS Lê Trình – Phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tác hại của bông sợi thủy tinh thì đã rõ; quan trọng là xử lý phế thải đó ra sao để nó không phát tán trong không khí, nếu không được bảo quản từ một thiết bị lưu trữ như thùng hoặc chai, nó sẽ phát tán trong môi trường. Bạn sẽ bị phơi nhiễm do chất độc nào đó chỉ khi bạn tiếp xúc với nó, có thể qua đường hô hấp, ăn uống có chứa chất độc hoặc qua da khi tiếp xúc.

Vì thế với khối lượng phế thải lớn từ bông sợi thủy tinh được dỡ bỏ từ các cơ sở sản xuất cũ, nhiều người dân đang lo ngại về vấn đề xử lý chất thải đó để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống tại Hà Nội, khi phế thải đó không phân huỷ.

Thanh Huyền/Báo Xây dựng