07/11/2016

Quy hoạch thành phố thông minh để Hải Phòng phát triển bền vững

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với thành phố Hải Phòng, ngày 6/11.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội của Hải Phòng trong thời gian qua.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khái quát về việc phát triển hệ thống đô thị thông minh; những thành tựu phát triển đô thị ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đô thị thông minh; sự cần thiết phát triển đô thị thông minh trong quá trình ra quyết định quản lý ngày càng phức tạp hơn và hiệu quả hơn, trong đó tiếp nhận khối lượng thông tin rất lớn về môi trường và đối tượng tác động của quyết định; dự báo dài hạn hơn, toàn diện hơn, độ chính xác cao hơn; tìm ra phương án tối ưu trong thời gian tương đối ngắn; chuyển xử lý tình huống sang dự báo dài hạn, tổng hợp và quản lý để không xảy ra tình huống xấu và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao hơn; các công cụ kỹ thuật, công nghệ thông tin – truyền thông và toán học mới hiệu quả hơn, rẻ hơn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 5 mục tiêu của đô thị thông minh gồm hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt hơn; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; thành phố phát triển bền vững.

Đồng thời, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đưa ra 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh; chiến lược “2 cánh” và các nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, “cánh 1” là quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. “Cánh 2” là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh.

Về giải pháp, thứ nhất, chính quyền muốn hoạch định tương lai thì phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và bảo đảm phát triển bền vững, phải có sự mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên.

Thứ hai, chính quyền hỗ trợ quyết định tối ưu của 4 chủ thể là công dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và tổ chức xã hội, từ đó đưa ra hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao và cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn.

Thứ ba, phải coi không gian mạng như một không gian sống bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội trong giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền.

Việc người dân tham gia quản lý đóng vai trò quan trọng, vì vậy, giải pháp nền tảng thứ tư là Hải Phòng cần tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân.


Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi như quyết tâm chính trị, cải cách hành chính, trong thời gian tới, Hải Phòng cần có sự hợp tác với đối tác nước ngoài để từ đó được tư vấn về đô thị thông minh kết hợp với viễn thông nội địa nhằm xây dựng đô thị thông minh.

Với trách nhiệm của mình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Mặt trận sẽ tiếp tục hỗ trợ và hằng năm sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về đô thị thông minh, từ đó mỗi tỉnh sẽ đưa ra kinh nghiệm thực hiện của mình, đưa ra thế mạnh của mình, cùng với đó là kinh nghiệm của các nước trong xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng tại Việt Nam.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành giao UBND Thành phố nghiên cứu và thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về phát triển đô thị thông minh, phấn đấu đến tháng 6/2017 trình Ban Thường vụ Thành ủy Đề án này.

Hải Phòng tập trung huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng Hải Phòng thành đô thị thông minh hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân Thành phố, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong mọi lĩnh vực đời sống như môi trường, xây dựng, giao thông, thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa, năng lượng, nông nghiệp; áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử để cải thiện hơn nữa các dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Ngọc Quang/Chinhphu.vn