Hội thảo “Thách thức & Chiến lược qua thách thức xây dựng công trình xanh đầu tiên”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Sáng 21/10, tại trụ sở Viện Kiến trúc Quốc gia (389, Đội Cấn, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo “Thách thức & Chiến lược qua thách thức xây dựng công trình xanh đầu tiên”. Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Phạm Thúy Loan chủ trì hội thảo.
EDGE là tổ chức cấp chứng chỉ “Xanh” ở Việt Nam – một sản phẩm của IFC, EDGE tạo cầu nối giữa các nhà đầu tư, chủ công trình, ngân hàng, chính phủ, người mua nhà nhằm giúp nâng cao nhận thức về lợi ích tài chính mà các bên đều được hưởng khi xây dựng công trình xanh. Với các giải pháp bao gồm cả thúc đẩy thị trường tuân thủ các quy định bắt buộc. EDGE góp phần đẩy mạnh áp dụng mô hình công trình xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại buổi hội thảo, chuyên gia đến từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã trình bày những lợi ích tài chính mà công trình xanh mang lại cho chủ đầu tư; Sở Xây dựng Bắc Ninh đưa ra những kinh nghiệm làm Công trình xanh từ góc độ quản lý nhà nước; Công ty TT-As trình bày kinh nghiệm từ Dự án trung tâm lưu ký Chứng khoán và Công ty GreenViet chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ tư vấn Xanh – “Green Consultant”.
Hội thảo đã có những ý kiến trao đổi sôi động của các kiến trúc sư, các chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư… xoay quanh vấn đề này.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đại diện Công ty GreenViet cho biết công trình xanh được thiết kế, xây dựng và vận hành theo bốn hướng, bao gồm: Sử dụng tài nguyên hiệu quả; Đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng; Giảm tác động tới môi trường và đem lại lợi ích kinh tế lâu dài. Ông cũng cho rằng một công trình xanh không nhất thiết phải đẹp nhưng phải vượt qua ngoài khuôn khổ kỹ thuật đơn thuần.
“Làm thế nào để có nhiều công trình xanh tại những đô thị đang phát triển?’’ là câu hỏi đặt ra của Ths. Cao Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Theo ông, việc phát triển công trình xanh là một nhu cầu tất yếu, đòi hỏi các nhà lãnh đạo và những người làm công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị cần nhận thức rõ. Trong bài tham luận, ông đã chia sẻ ba vấn đề chính để phát triển công trình xanh: Thứ nhất, cần có chiến lược phát triển; Thứ hai công trình tiên phong và người nhạc trưởng; Thứ ba là chiến thuật nhân rộng. Ông cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Phát động chiến dịch phát triển các công trình xanh từ cấp bộ và từ địa phương cần có sự chỉ đạo cụ thể; Các sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần là cơ quan đầu mối; Tổ chức tài chính thế giới cần có những chính sách hỗ trợ, tư vấn về tài chính cho công trình xanh.
Phó viện trưởng Ts. Phạm Thúy Loan nhấn mạnh: để tiến tới hành trình xanh hóa các công trình là con đường không dễ, vấn đề là các chủ đầu tư – những con người trực tiếp làm nên những công trình họ có nhận thức được khi làm công trình xanh không đắt, do lợi ích lâu dài của công trình mang lại. Bên cạnh đó cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị tư vấn, các kiến trúc sư và đặc biệt vai trò thúc đẩy của ngành Xây dựng.
Xây dựng công trình theo hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới. Hầu hết tại các nước có trình độ phát triển tiên tiến (như Nhật Bản, Đức, Singapore…), Chính phủ đều đã yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình./.
PV