“Là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.”
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thông tin trên được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra tại hội nghị đối thoại chính sách cấp cao “Thực hiện INDC và các công cụ chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Nhóm đối tác Chuẩn bị công cụ Thị trường của Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 18/10, tại Hà NộiT
Chia sẻ thêm tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, nhằm cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ áp dụng đối với Việt Nam tại Thỏa thuận Paris.
Trên cơ sở đó, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã được phê duyệt. Đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách hình thành thị trường carbon trong nước và áp dụng các công cụ định giá carbon, thí điểm cho một số lĩnh vực phù hợp.
“Trong giai đoạn 2021-2030, khi thể chế, chính sách, kỹ thuật và tài chính đã cơ bản hoàn thiện, Việt Nam sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thực hiện tốt các cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính trong INDC,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hiện nay, 101 nước đang nghiên cứu định giá carbon vào cam kết Thỏa thuận Paris của mình. Việc tăng cường hợp tác thông qua mua bán carbon sẽ giúp cắt giảm 32% chi phí giảm nhẹ biến đổi khí hậu từ nay cho tới năm 2030.
Kết quả phân tích mô hình trong báo cáo hiện trạng và xu thế định giá các-bon 2016 cho thấy tăng cường mua bán carbon sẽ giúp giảm phát thải trên quy mô lớn với chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay. Đến giữa thế kỷ này, thị trường carbon quốc tế sẽ giúp cắt giảm 50% chi phí giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Càng tăng cường hợp tác thông qua buôn bán carbon thì càng tiết kiệm được nhiều và càng có thể nâng cao kỳ vọng của các nước trong thời gian ngắn. Vì thế, muốn hiệu quả, các chính sách định giá carbon phải được phối hợp với tốt với các chính sách năng lượng và môi trường khác, điều đó đòi hỏi phải hợp tác trong nội bộ từng nước và giữa các nước,” ông John Roome, Giám đốc cao cấp về biến đổi khí hậu – Ngân hàng Thế giới nói.
Theo khuôn khổ hợp tác mới này, mỗi nước sẽ được hưởng lợi từ hoạt động giảm thiểu khi các hoạt động đó giúp một nước khác hoàn thành nghĩa vụ INDC của mình. Báo cáo cũng cho biết, các nước có chi phí giảm nhẹ thấp có thể thu được một khoản từ 2-5% GDP và dùng khoản tiền đó đầu tư nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050.
Theo Mai Mạnh/Vietnamplus.vn