Bộ Xây dựng tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá
Ngày 11/10 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị.
Hội nghị có sự tham dự Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Xây dựng, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cùng 300 cán bộ, công nhân viên, học viên của các cục, vụ, viện thuộc Bộ Xây dựng.
Bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tác hại của việc sử dụng thuốc lá đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của từng gia đình, xã hội và đất nước. Trước những tổn thất to lớn về sức khỏe và kinh tế do tác hại của thuốc lá gây ra, ngày 11/11/2004, Chính phủ đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Tiếp đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 và hàng loạt văn bản pháp quy để cấp thiết thực thi Luật cũng đã được ban hành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là đối với các cán bộ, công nhân viên chức, các học viên nhằm thay đổi nhận thức trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở trên các phương tiện truyền thông của ngành như: Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và Báo điện tử Xây dựng, các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Phòng chống tác hại của thuốc lá, góp phần đưa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống, hướng đến môi trường không khói thuốc.
Cũng trong Hội nghị các đại biểu được cung cấp các thông tin như tình hình sử dụng thuốc lá ở Việt Nam; các yếu tố quyết định thực hiện môi trường không khói thuốc lá; các bước thực hiện môi trường không khói thuốc; lập kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị trường học, các cơ sở y tế và đặc biệt trên các công trường, trong gia đình và nơi công cộng, nhằm bảo vệ sức khỏe chung của mọi người.
Đại diện Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai tuyên truyền về các tác hại của thuốc lá.
Thông qua Hội nghị này sẽ trang bị thêm kiến thức cần thiết giúp cho các cán bộ, công nhân viên chức có thêm những hiểu biết về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Từ đó xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá tại cơ quan, đơn vị, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá gây ra.
Tỷ lệ người hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay ở nước ta (tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) là 23,8%, tương đương 15,3 triệu người. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá dạng điếu là 19,9% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người), còn lại là tỷ lệ sử dụng các dạng thuốc lá khác. Trong số người trưởng thành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4%, nữ giới là 1,4%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nông thôn cao hơn so với thành thị, người nghèo cao hơn người giàu. Thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá sớm và dễ dàng tiếp cận thuốc lá. Đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hút thuốc rất cao. Theo kết quả các cuộc điều tra của tổ chức Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY – Survey Assessment of Vietnamese Youth), nhóm dân tộc thiểu số lại có xu hướng tăng nhẹ từ 29% lên 31%.
Tuyết Hạnh/Báo Xây dựng