11/10/2016

TP.HCM: Cần cơ chế để phát huy nội lực

Dù đô thị TP.HCM đang phải đối mặt với những hệ lụy của quá trình phát triển đô thị nhanh chóng như ách tắc giao thông, ngập lụt… nhưng cũng không thể phủ nhận được thành tựu về mặt kinh tế – văn hóa – xã hội của cả nước và sức ảnh hưởng của đô thị này tới toàn quốc. Tuần qua, trong chuyến làm việc với lãnh đạo TP.HCM của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn đầu đã tìm ra nhiều điểm cần tháo gỡ trong hoạt động xây dựng trên địa bàn TP.HCM.


TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, của cả vùng, vì thế đề nghị lãnh đạo TP tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, phát triển và chỉnh trang đô thị.

Cần có cơ chế đặc thù

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, 9 tháng năm 2016, ngành Xây dựng TP.HCM đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp như: Cải cách thủ tục hành chính, cấp giấy phép xây dựng một cửa, liên thông, giải quyết duyệt hồ sơ qua internet… Những biện pháp này đã giảm được 30% thời gian cấp giấy phép xây dựng. Thời gian qua, TP.HCM cũng đã đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch xây dựng chung; công khai các đồ án quy hoạch đô thị; rà soát các trường hợp, không khả thi để điều chỉnh… đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. TP cũng đã đẩy mạnh công tác phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện trong công tác quan lý về quy hoạch, xây dựng để tăng sự chủ động, thẩm quyền, trách nhiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được thì TP.HCM vẫn còn những hạn chế như việc “để tồn đọng 20 nghìn căn nhà lấn chiếm ven kênh trái phép là do công tác quản lý yếu kém dù ngân sách hỗ trợ di dời người dân rất lớn. Đây là cái giá phải trả cho việc quản lý lỏng lẻo”. Với khoảng 20 nghìn căn nhà ven kênh rạch, gần 500 lô chung cư cũ là khối lượng công trình xây dựng cần có nguồn vốn “khổng lồ” mới có thể thực hiện được. Vì vậy, tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Trung ương cho TP.HCM được cơ chế chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư đã hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Về ý kiến của các chuyên gia của Bộ Xây dựng, theo TS Phạm Gia Yên – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch của TP.HCM còn bừa bãi. Rất nhiều làm quy hoạch mang tính nông thôn. Trong khi đó, tại phần trung tâm hiện hữu lại cho xây dựng quá nhiều nhà cao tầng, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên ùn tắc giao thông. Trong khí đó, đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS cho rằng những năm qua, hoạt động cải tạo chung cư cũ ở TP.HCM đã diễn ra rất chậm.

Trước những khó khăn, vướng mắc và tồn đọng, ông Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan để xem xét thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù trong chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” giai đoạn 2016 – 2020.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã trân trọng sự phối hợp của Bộ Xây dựng trong công tác quản lý xây dựng, góp phần hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ dù bộ máy cho lĩnh vực hoạt động xây dựng của TP.HCM còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần tiếp tục ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ để cán bộ ngành Xây dựng thuộc TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ và để TP có được cơ chế mới đảm bảo sự thông thoáng, phù hợp với đặc thù riêng, từ đó mới tạo đà cho TP.HCM vươn mình mạnh mẽ.

“Ủng hộ các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP.HCM”

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tại buổi làm việc này. Sau khi nghe đại diện UBND TP.HCM báo cáo tình hình hoạt động lĩnh vực hoạt động xây dựng, quy hoạch, Bộ trưởng đánh giá cao những thành quả của TP.HCM trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị như chủ trương phân cấp, phân quyền cho UBND quận, huyện được phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định, sửa chữa; phê duyệt công bố kế hoạch cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn. Bộ trưởng khẳng định: Những thành tựu trong quá trình phát triển đô thị của TP.HCM không chỉ góp phần làm đất nước phát triển mà đó còn là kinh nghiệm quý báu cho các đô thị khác trong cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mỗi đô thị không thể tránh được những hạn chế, TP.HCM đang đối mặt với những khó khăn đến từ nhiều phía như: vị trí địa lý, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, đặc biệt do công tác quản lý còn nhiều bất cập nên đã dẫn tới tình trạng TP bị lún trên diện rộng và địa chất công trình thay đổi nên đã dẫn tới giảm khả năng chịu lực của công trình. Cũng từ những nguyên nhân này đã khiến cho TP.HCM bị ngập lụt, thiếu đất xây dựng, giá thành xây dựng tăng cao.

Trong thời gian qua, hệ thống giao thông phát triển nhanh nhưng do tính thiếu nhất quán, thiếu tầm nhìn xa trong quá trình phát triển đô thị hóa nhanh nên đã dẫn tới hệ thống hạ tầng bị quá tải gây nên nhiều hệ lụy. Tốc độ dân số cơ học tăng nhanh như hiện nay thì TP.HCM đã đạt ngưỡng là “siêu đô thị” (khoảng 13 triệu dân), tạo nên áp đây là vấn đề rất lớn gây áp lực cho đô thị TP.HCM, đặc biệt hệ thống giao thông.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, của cả vùng, vì thế đề nghị lãnh đạo TP tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, phát triển và chỉnh trang đô thị.

Do TP.HCM có sức hút mạnh về mặt kinh tế, nên đã phải gánh chịu những hệ lụy đó là gây áp lực lên đô thị, trong đó có hạ tầng vì vậy TP cần nâng cao chất lượng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kiểm soát quy hoạch xây dựng và quan trọng hơn khẩn trương xử lý những tồn đọng trong công tác quy hoạch giao thông, triển khai lập quy hoạch công trình ngầm nhằm tạo tiền đề cho đô thị phát triển. Bộ trưởng cũng đề nghị TP tăng cường hơn nữa trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Về vấn đề nhà ở, hiện nay thị trường BĐS đang có những biểu hiện tích cực và trong tầm kiểm soát, nhưng tín dụng BĐS và chất lượng dự án vẫn cần kiểm soát chặt, đặc biệt với phân khúc BĐS cao cấp. Nhu cầu NƠXH tại TP.HCM còn rất lớn, vì vậy TP tiếp tục nghiên cứu, triển khai bởi nếu làm tốt NƠXH cùng với chương trình di dời nhà trên kênh rạch thì TP.HCM chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng nhà ổ chuột. Đây vừa là an sinh vừa là chỉnh trang đô thị.

Về các đề nghị của TP.HCM, Bộ trưởng đã nhất trí cao việc TP.HCM phải có một cơ chế mới với tính chất đột phá, tháo bỏ mọi rào cản để phát huy được nội lực và phát triển nhanh hơn nữa, đúng với vai trò là đô thị đi đầu trong lĩnh vực kinh tế. Với chức năng của mình, Bộ Xây dựng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để góp phần tạo cơ chế mới cho TP.HCM.

Mai Thanh/Báo Xây dựng