Chung tay xây dựng không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Hội KTS Hà Nội tổ chức ngày 8/10, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – số 50, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Tham dự tọa đàm, ngoài sự tham gia của các chuyên gia trong nước đến từ các cơ quan quản lý, trường đại học, tổ chức tình nguyện… còn có các chuyên gia nước ngoài đến từ Mỹ (Bà Debra Efroymson – Giám đốc vùng của HealthBridge Canada) và Nhật Bản (Mochizuki Shinichi – Giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế Aterlier).
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Dựa trên các góc độ tiếp cận khác nhau từ kiến trúc, giao thông, đời sống cộng đồng, các đại biểu đã chỉ ra ý nghĩa, vai trò của việc tổ chức không gian phố đi bộ, cũng như hướng đi cần thiết trong quy hoạch các tuyến phố đi bộ tại Hà Nội.
Theo đó, việc tổ chức tuyến phố đi bộ tại Hà Nội được khẳng định là phù hợp với xu hướng của quy hoạch đô thị hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của Thủ đô giai đoạn hiện nay. Lợi thế của Hà Nội là việc chuyển đổi các tuyến phố từ giao thông bằng xe cộ qua việc đi bộ tương đối rẻ, nhanh chóng; có nhiều di sản đặc sắc, hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng sinh động…
Tuy nhiên, việc tiến hành thực nghiệm ở đây tương đối nhanh, trong khi chưa nghiên cứu, khảo sát sâu rộng tạo nên gây khó khăn và hạn chế nhất định cho các hoạt động tại khu vực này, đặc biệt là thiếu sự tương tác của người dân với các hoạt động.
Bắt đầu cuộc Toạ đàm, KTS Nguyễn Phú Đức giới thiệu khái quát lịch sử biến đổi của không gian khu vực Hoàn Kiếm qua các thế kỷ, đặc biệt là từ đầu TK 20 đến nay – cơ sở hình thành ý tưởng phân khu các không gian cảnh quan, xã hội và phân vùng tổ chức những hoạt động trong không gian đi bộ khu vực Hoàn Kiếm.
Với việc triển khai phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần, Hồ Gươm được phát huy và trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc biệt. Tuy nhiên, xung quanh phố đi bộ HG vẫn còn nhiều điều cần nói, về quản lý, tổ chức thực hiện… nhưng rõ ràng đã thu hút nhiều người tham gia hơn vào những hoạt động cộng đồng.
Bà Debra Efroymson (Giám đốc HealthaBridge khu vực châu Á) với kinh nghiệm nhiều năm là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững đã đến Hà Nội và cổ vũ cho những con phố đi bộ, nơi con người giao tiếp thân thiện và chia sẻ hạnh phúc.
Bà cũng chỉ ra những khó khăn ban đầu khi TP mở ra những hoạt động mới, cho dù đem lại những lợi ích và giá trị về nhiều mặt nhưng không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại – “Những con phố đi bộ làm cho TP trở nên tuyệt vời hơn. Chúng tôi có thể giúp các bạn với những hoạt động phong phú. .. Cuối cùng thì những điều tuyệt vời sẽ xuất hiện…”.
Theo nhiều chuyên gia, quá trình xây dựng, tổ chức không gian đi bộ Hà Nội phải đặt ra mục tiêu cụ thể về ngắn hạn, dài hạn, nhấn mạnh xây dựng thương hiệu cho không gian đi bộ Hà Nội, đưa các địa điểm này trở thành không gian văn hóa cộng đồng. Trên cơ sở đó, bố trí khu vực đa chức năng phục vụ hoạt động tham quan, vui chơi, mua sắm… một cách linh hoạt với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Lê Văn Lân: “Đặt ra câu chuyện chung tay xây dựng không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả không phải vấn đề đơn giản. Những nghiên cứu, đánh giá của chuyên gia, nỗ lực của các kiến trúc sư, những đề xuất hoạt động của các nhóm cộng đồng… đưa ra gợi ý rất thú vị cho xây dựng, triển khai không gian đi bộ ở Hà Nội. Đó chính là những tư liệu ý nghĩa. Còn việc sử dụng, tiếp thu như thế nào cần sự hành động của các cơ quan, bộ phận chức năng để duy trì và xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra một Hà Nội sinh động, thanh bình”.
Các KTS, chuyên gia đã góp thêm nhiều ý tưởng cho không gian đi bộ của Hà Nội với nhiều cách tiếp cận: giao thông, quy hoạch, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo, các trò chơi… đúng theo tinh thần cuộc toạ đàm – Hướng tới việc xây dựng những tuyến phố đi bộ văn minh, an toàn và hấp dẫn.
Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, điều quan trọng nhất và cũng đặc biệt nhất chính là sự tham gia của cộng đồng trong những hoạt động sáng tạo ở không gian phố đi bộ: “Chúng tôi tiếp cận phố đi bộ từ góc độ các hoạt động sáng tạo. Có thể hình dung phố đi bộ như ứng dụng app trên iphone, luôn cần sự tương tác với người sử dụng. Đối với phố đi bộ, cộng đồng, người dân vừa là đối tượng phục vụ, là chủ thể thực hiện và cũng chính là người thụ hưởng. Xác định rõ điều này sẽ hạn chế việc cung cấp những “món ăn tinh thần kiểu mậu dịch”, tạo ra những không gian tiện ích, hấp dẫn và sáng tạo”.
Cuộc toạ đàm thu hút nhiều ý kiến thảo luận, từ ý tưởng đến thực tiễn còn nhiều khoảng cách. Tuy nhiên, với sự kết hợp của định hướng quản lý phù hợp, sự nghiên cứu và đề xuất giải pháp của các chuyên gia, và quan trọng nhất là sự chung tay của cộng đồng… hy vọng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian đi bộ văn minh, hiệu quả, nâng cao hiệu quả chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Lê Văn Lân.
Ông Mochizuki Shinichi, Giám đốc Cty Tư vấn quốc tế Aterlier (Nhật Bản).
Bà Debra Efroymson (GD HealthaBridge khu vực châu Á) tại buổi tọa đàm.
KTS Nguyễn Phú Đức đóng góp ý kiến tại tọa đàm.
Các KTS trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.
Quốc Bình/Báo Xây dựng