06/10/2016

Thái Nguyên: Dự kiến chuyển trung tâm hành chính tỉnh từ phía Tây sang phía Đông thành phố

Tại phiên họp ngày 26/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã cho ý kiến về vị trí xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Thái Nguyên tại khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên và phía Đông Sông Cầu của TP Thái Nguyên.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định việc xây dựng Trung tâm hành chính tập trung là một xu hướng tất yếu phải hướng đến, nhằm hiện đại hóa nền hành chính công.

Dự án Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Thái Nguyên xây dựng tại TP Thái Nguyên được thực hiện đầu tư sẽ đảm bảo cơ hội để thành phố và tỉnh phát triển nhanh và toàn diện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí vị trí xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Thái Nguyên là việc lớn, vì thế trong Công văn số 3740/UBND-TH ngày 4/10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu các nội dung cần xin ý kiến; nghiên cứu làm rõ cơ sở pháp lý và khoa học, tính thực tiễn, đồng thời so sánh, phân tích ưu, nhược điểm của vị trí quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên tại Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên và phương án mới ở phía Đông Sông Cầu về Dự án xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, ngay trong tháng 10 này, Sở Xây dựng phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc Hội thảo, hội nghị xin ý kiến góp ý đại diện các lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; các nhà khoa học; các chuyên gia ở các lĩnh vực: kiến trúc, văn hóa, an ninh quốc phòng và các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ, nhân dân TP Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ về chủ trương xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh.

Trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng, UBND tỉnh sẽ chủ trì tổ chức Hội thảo xin ý kiến về chủ trương xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh; dự kiến trong đầu tháng 11/2016 báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh; sau đó xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương theo quy định hiện hành.

Được biết, trước đó ngày 10/4/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 729/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên trên diện tích khoảng 1.500ha và đất phân khu thành 18 mục đích khác như: Đất xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh (17,8ha); đất hành chính khu vực và công cộng (77,4ha); đất công trình văn hóa (95,1ha); đất công trình giáo dục (36,4ha); đất công viên (75,8ha); đất cây xanh tự nhiên, cây xanh bảo tồn (153,3ha); mặt nước (40,3ha); đất nghỉ dưỡng (62,1ha)…

Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 do Nikken.jp thực hiện Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên sẽ là sự tích hợp “3 trong 1” gồm: Nơi đặt trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh; nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân; nơi nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ khi đơn vị thiết kế đã đặt mục tiêu bảo tồn các làng (cụm dân cư hiện có) phù hợp với quy hoạch, giữ lại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: chùa, nhà thờ…

Tỉnh cũng chủ trương sẽ xây dựng các tòa nhà liên hợp cao tầng để làm trụ sở cho khối cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh nên không chỉ cải thiện điều kiện làm việc đối với cán bộ mà còn tích cực hỗ trợ cho công tác cải hành chính công của tỉnh.

Tính năng về kinh tế được xác định rất cụ thể tại khu vực Đông Bắc của Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên với khu thương mại – văn phòng (Business Park) và khu Resort theo hình thức lưu trú. 3 tính năng trên của Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên không hề mâu thuẫn mà ngược lại còn hỗ trợ nhau rất tích cực, tạo sự sầm uất, sôi động.

Mặc dù có quyết tâm rất lớn, song do thiếu nguồn lực nên Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên trở thành quy hoạch “treo” từ đó đến nay.

Nguyễn Thành