05/10/2016

Gửi tiết kiệm khi vay mua NƠXH tại Ngân hàng CSXH: Hiểu thế nào cho đúng?

Như tin đã đưa, ngày 27/7/2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã ban hành văn bản số 2526/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH); xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Theo đó, văn bản quy định hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi NƠXH phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn…

Mặc dù quy định trên của NHCSXH phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”. Hơn nữa, quy định này cũng nhận được sự đồng tình của một số hiệp hội vì cho rằng, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn là nhằm mục đích tạo thêm một phần nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển NƠXH; là chính sách hoàn toàn phù hợp trong điều kiện nguồn vốn thực hiện chương trình hiện đang gặp khó khăn…

Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu vay vốn của NHCSXH mua NƠXH vẫn rất băn khoăn: Vừa phải gửi tiền tiết kiệm, vừa phải trả nợ vay, liệu quy định của NHCSXH làm khó người vay? Bởi người vay mua NƠXH thường là những người thu nhập thấp?

Về vấn đề này, NHCSXH cho biết: Việc ban hành lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân phải đảm bảo sự phù hợp trong việc thực hiện chính sách xã hội, việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn khó khăn với chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của đối tượng thụ hưởng nói riêng. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi chương trình NƠXH tại NHCSXH bằng với lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm năm 2016 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Bên cạnh đó, ngân hàng căn cứ vào thu nhập của cá nhân, hộ gia đình vay vốn, để cùng thống nhất mức trả nợ hàng tháng cho phù hợp. Như vậy, khi Ngân hàng đồng ý cho vay (đồng nghĩa với việc đảm bảo nguồn tài chính cho người vay để được hỗ trợ NƠXH), khi đó người vay vốn mới thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng. Thời gian gửi và mức gửi cụ thể được hai bên thống nhất, thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Trong thời gian 12 tháng gửi tiền tiết kiệm, người vay vốn chưa phải trả nợ gốc. Khi kết thúc gửi tiền tiết kiệm, NHCSXH trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm này để thu nợ.

Việc gửi tiền tiết kiệm có hình thức gửi góp linh hoạt sẽ không gây căng thẳng cho người vay, vì không quy định số tiền tối thiểu mỗi lần gửi mà chỉ quy định mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng với mức trả nợ gốc hàng tháng trên cơ sở kế hoạch trả nợ của người vay. Việc gửi tiền tiết kiệm có thể được thực hiện thông qua nhiều cách như nộp tiền mặt hay chuyển khoản… Nếu chuyển khoản trong hệ thống NHCSXH thì được phục vụ miễn phí.

NHCSXH ví dụ, khách hàng vay 600 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm (0,4%/tháng). Trong 12 tháng đầu, kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên, người vay vốn không phải trả nợ gốc mà chỉ phải trả lãi tính trên dư nợ thực tế. Giả sử tháng 01/2017 khách hàng ký hợp đồng tín dụng nhưng chưa nhận tiền vay thì chưa phải trả lãi. Tháng 2/2017, khách hàng nhận 150 triệu đồng thì tiền lãi là 150 triệu x 0,4%/tháng = 600.000đ. Tháng 4 và tháng 5/2017, khách hàng chưa nhận thêm tiền vay thì vẫn nộp tiền lãi là 600.000đ. Tháng 6/2017, khách hàng nhận thêm 200 triệu đồng thì tiền lãi là 350 triệu x 0,4%/tháng = 1,4 triệu đồng (giả sử tiền vay nhận vào ngày đầu tiên của tháng).

Giả sử mức tiền gửi tiết kiệm hàng tháng là 2,5 triệu đồng. Số tiền hàng tháng người vay phải nộp như sau: Tháng 01/2017 là 2,5 triệu đồng (tiền gửi tiết kiệm). Các tháng 2, 3, 4 và 5/2017, mỗi tháng người vay phải nộp là 3,1 triệu đồng (bao gồm tiền gửi tiết kiệm 2,5 triệu đồng và tiền trả lãi 600.000 đồng). Tháng 6/2017, người vay phải nộp 3,9 triệu đồng (tiền gửi tiết kiệm 2,5 triệu đồng và tiền trả lãi 1,4 triệu đồng)…

Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế thu nhập, người vay có thể điều chỉnh số tiền nộp hàng tháng bằng cách tháng sau nộp bù cho các tháng trước hoặc ngược lại. Ví dụ, tháng 4/2017, người vay nộp 500.000đ; tháng 5/2017 nộp 1 triệu đồng; tháng 6/2017 nộp bù cho tháng 4, 5/2017 tổng cộng là 5,5 triệu đồng.

Mặc dù số tiền gửi tiết kiệm của người vay không lớn, nhưng có ý nghĩa không nhỏ. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày một eo hẹp thì việc đa dạng hóa nguồn vốn thông qua việc huy động từ các nguồn lực khác nhau như ngân sách Trung ương cấp, ngân sách địa phương ủy thác, phát hành trái phiếu, huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân… là hết sức quan trọng. Điều này thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm từ cộng đồng xã hội nói chung và của đối tượng thụ hưởng nói riêng.

Trước cách lý giải nói trên của NHCSXH, anh Bùi Xuân Lâm, một chiến sĩ trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, bày tỏ kỳ vọng: Chương trình cho vay NƠXH của NHCSXH sớm triển khai để những người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận được với nguồn vốn vay, nhằm hiện thực hóa ước mơ mua được NƠXH.

Anh Thư