TP.HCM: Kiểm soát phát triển đô thị giúp giảm ngập lụt
10 năm trở lại đây, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để giảm, xóa ngập với những công trình về thoát nước và vệ sinh môi trường như: Cải thiện môi trường nước TP và lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ, cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, vệ sinh môi trường TP – lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè… với tổng mức đầu tư lên tới vài chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau mỗi trận mưa TP lại ngập nhiều hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus.vn
Nguyên nhân nhiều, giải pháp cũng không thiếu
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh nguyên nhân chủ yếu gây ra ngập là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng. Do phát triển đô thị hóa thiếu kiểm soát khiến cho tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống còn diện tích bị bê tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất; hàng ngàn hec-ta diện tích nước bị biến mất; gây lún cho đô thị, làm cho nhiệt độ tăng. Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, ý thức người dân và những nguyên nhân khách quan khác cũng là nguyên nhân gây nên ngập lụt ngày càng trầm trọng.
Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường – Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Việt Nam thì: Đã có nhiều giải pháp, ý tưởng được đề xuất như dùng đê bao, van ngăn triều, cải tạo hệ thống thoát nước hay xây dựng đê biển Vũng Tàu – Gò Công, xây dựng cống ngăn triều trên sông Soài Rạp, nâng cao dung tích hồ Dầu Tiếng, phân lũ trên sông Sài Gòn về Long An… Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính ngăn ngừa tác động mà không làm giảm nguyên nhân gây thiệt hại. Hơn nữa, trong bối cảnh hàng ngày, hàng giờ người dân TP.HCM đang phải đối mặt với những khó khăn do tác động ngập lụt gây ra thì phải có những giải pháp cần thiết, trước mắt, có thể thực hiện ngay.
Tại Hội thảo về Quy hoạch diễn ra tại TP.HCM vào cuối năm 2015, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường đã đề xuất những giải pháp quản lý đô thị nhằm hỗ trợ những biện pháp truyền thống nhằm làm chậm dòng chảy tràn, gia tăng không gian điều tiết, giảm sụt lún… PGS Cường khẳng định: Tình trạng ngập lụt liên quan mật thiết đến việc kiểm soát phát triển đô thị, vì vậy cần phải thiết lập “Khu vực khuyến khích đô thị hóa” và “Khu vực đô thị hóa có kiểm soát” trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai.
“Khu vực khuyến khích đô thị hóa” là khu vực có địa hình cao như khu trung tâm hiện hữu và hướng bắc, tây bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc QL22 – trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Đây là hướng phát triển kém hấp dẫn hơn các hướng khác, vì vậy cần có sự đầu tư đáng kể về mọi mặt.
“Khu vực đô thị hóa có kiểm soát” được PGS Cường đề xuất là hướng đông bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (Đồng Nai), quận 2, 9 và Thủ Đức; hướng tây nam dọc QL1 trên địa bàn Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh; hướng nam, đông nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhơn Trạch – Long Thành (Đồng Nai). Đây lại là hướng có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Hiệp Phước, Thủ Thiêm… nhưng lại có địa hình thấp vì thế các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông và kiến trúc tại đây cần theo hướng giảm bớt dân tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ, tăng hệ số phản xạ bề mặt albendo, tiết kiệm năng lượng để giảm nhiệt độ đô thị. Việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là cần thực hiện càng sớm càng tốt.
TP.HCM vốn có diện tích trữ nước rất ít, vì vậy, trong quá trình tái phát triển đô thị thì cần mở rộng không gian trữ nước. Tại các khu vực chịu ngập lụt thường xuyên sẽ thích hợp quy hoạch thành các khu vực dự trữ phát triển đô thị và vùng bảo tồn môi trường. Đã có đề xuất cần di dời ga Hòa Hưng và xí nghiệp toa xe ra ngoại thành, tận dụng trên 10ha đất làm hồ thu, chứa nước nhiều ngăn và điều tiết ra cầu Bình Lợi bằng hệ thống cống rút nước có tiết diện lớn được xây dựng dưới đường sắt hiện hữu mỗi khi triều hạ hoặc qua nhà máy xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất bên trên để tạo nguồn vốn trong hoàn cảnh bế tắc tài chính chống ngập của TP. Việc làm này vừa không tốn kinh phí đền bù giải tỏa, vừa tận dụng khai thác triệt để hệ thống cống đã đầu tư nhưng kém hiệu quả, vừa thu nước chống ngập ở các khu vực quận 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Cũng trong lĩnh vực quản lý đô thị, PGS Cường đề nghị TP.HCM cần nghiên cứu quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bể chứa nước mưa, xây dựng “vỉa hè xanh”, xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi mưa lớn xảy ra, giữ những không gian xanh còn chưa bị đô thị hóa ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần ban hành quy định về tỷ lệ diện tích xanh cho công trình như không gian xanh thông thường, mái nhà xanh trồng cỏ, tường xanh… bởi những bức tường này sẽ giữ lại một khối lượng nước mưa tới 50% và làm giảm ngập lụt khi mưa to. Đặc biệt, đối với những công trình xây dựng tại khu vực có mức độ ngập lụt cao thì tỷ lệ này cần phải cao hơn các khu vực khác. Đây là biện pháp có thể áp dụng ngay và dựa vào cộng đồng, PGS Lưu Đức Cường khẳng định.
Xem xét lại công tác quản lý phát triển đô thị
Để quản lý nước bề mặt một cách khôn ngoan, các nhà khoa học đã “khuyên” TP.HCM cần áp dụng kỹ thuật sinh thái trong thiết kế cảnh quan công trình đô thị. Đó là sử dụng hệ thống lưu trữ nước mưa tại mỗi gia đình, giảm sự kết nối trực tiếp nước mưa và vùng không thấm. Với mỗi khu vực thì dùng chắn lọc sinh học, kênh phủ thực vật, mương thấm lọc thực vật, bề mặt thấm, ao lưu nước tạm thời…. để thực hiện được những giải pháp này thì cần xây dựng tiêu chuẩn, quy định áp dụng hệ thống thoát nước “xanh” trong khi vẫn sử dụng hệ thống thoát nước lề đường, rãnh thoát nước khi cần thiết nhằm giảm lượng dòng chảy đến hệ thống thoát nước chính.
Về quản lý và phát triển đô thị theo quy họach, TS Phạm Sỹ Liêm từng khẳng định: Tình trạng xây dựng tự phát và yếu kém trong quản lý cốt san nền đã gây ra tình trạng ngập lụt đô thị khi mưa to hay lúc triều cường. Vì vậy, TP.HCM phải phát triển đô thị trên quỹ đất đã được dự trữ theo quy hoạch, chuẩn bị đất đai hoàn chỉnh rồi mới cấp đất cho các dự án BĐS riêng lẻ. Mặt khác kiên quyết chống hiện tượng xây dựng tự phát trên đất ven nội và dọc các tuyến ngoại thành.
Ngoài ra, đã có nhiều đề xuất TP xây dựng hồ điều hòa, cũng theo PGS Cường thì trước mắt có thể biến hệ thống kênh rạch hiện hữu làm nhiệm vụ như hồ điều hòa. Khi xây dựng hồ điều hòa thì cần có quy định tỷ lệ hồ trong cơ cấu sử dụng đất nhằm phòng trừ quá tải hệ thống thoát nước sau này và ảnh hưởng tới BĐKH.
PGS Cường cũng đề nghị TP.HCM: Trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng đang tác động ngày càng rõ ràng đến phát triển đô thị bền vững và chờ đợi những giải pháp mang tính chiến lược thì việc xem xét lại công tác quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết.
Mai Thanh/Báo Xây dựng