09/09/2016

KTS Nguyễn Vũ Hưng: Người tạo hồn cho kiến trúc bệnh viện

Có thể chúng ta chưa có những kiến trúc sư (KTS) gây tiếng vang trong nước và quốc tế trong nhiều thập kỷ qua, nhưng từ thế hệ vàng các kiến trúc sư được đào tạo bài bản với kỳ vọng kiến thiết đất nước sau giải phóng, chúng ta đã kịp thời có những tên tuổi bậc thầy trên một số lĩnh vực. Một trong những kiến trúc sư ghi dấu ấn trên lĩnh vực đặc thù ít người biết đến đó là cố KTS Nguyễn Vũ Hưng – người tạo hồn bản sắc kiến trúc cho các công trình bệnh viện (BV) Việt Nam.


Bệnh viện Bạch Mai là một trong những công trình ghi dấu ấn KTS Nguyễn Vũ Hưng.

Thế hệ Vàng KTS kiến thiết đất nước

KTS Trần Trọng Chi – người từng có những năm tháng cùng công tác với KTS Nguyễn Vũ Hưng và phụ trách xưởng thiết kế Trường học – Bệnh viện kể lại: Tổ Bệnh viện những năm sau giải phóng đất nước có hơn 10 KTS tu nghiệp ở CHDC Đức về. Đây là nơi duy nhất lúc đó chuyên ngành thiết kế BV cho toàn miền Bắc.

Dấu ấn đáng kể của KTS Nguyễn Vũ Hưng phải kể đến Bệnh viện Hà Quảng

(Cao Bằng); BV 5-8 Hải Quân; BV Việt Tiệp (Hải Phòng), các BV Phú Yên, Thái Bình, Khánh Hoà, Trà Vinh, Đắc Lắc… Và sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói tới công trình BV Bạch Mai – công trình chiếm nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đã đưa Nguyễn Vũ Hưng lên vị trí KTS bậc thầy thiết kế BV.

Cần phải nói thêm rằng, BV là dạng công trình có những yêu cầu khá đặc thù về công năng và dây chuyền sử dụng, buộc KTS phải biết kỹ và sâu nhiều thao tác nghiệp vụ của thày thuốc và nhân viên các phòng ban chuyên môn. Để xây dựng nên một công trình BV, KTS cần đến tận nơi nghiên cứu dây chuyền làm việc trong từng khoa, giữa các khoa, các bộ phận: hô hấp, tim mạch, dược, tiêu hoá, lây, cấp cứu hồi sức, nhất là dây chuyền mổ và hậu phẫu. Ngoài ra còn phải nắm chắc các công nghệ hậu cần như: bếp, kho, giặt là, xe cộ, bảo vệ…

Có thể ngay trong BV các bác sĩ, y tá, nhân viên… chỉ biết và nắm chắc khu vực mình làm việc nhưng người thiết kế BV thì không những biết mà phải nắm rất vững: cầu thang rộng hẹp ra sao; độ dốc cho xe đẩy hoạt động nhanh và không làm sốc bệnh nhân; hành lang che chắn thế nào chống hắt, tạt; sàn lát gì chống trơn trượt… Nguyễn Vũ Hưng là KTS may mắn không chỉ được đào tạo bài bản ở Đức mà vì anh còn được tham gia thiết kế BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba do Chủ tịch Fidel Castro tặng nhân dân miền Trung đặt tại Đồng Hới. Những chuyến đi thực tế vô giá ở 02 nước này đã cho Nguyễn Vũ Hưng nền kiến thức vững chắc để sớm trở thành chuyên gia thiết kế BV hàng đầu miền Bắc.

Đưa bản sắc dân tộc vào hiện đại

Nhưng Nguyễn Vũ Hưng không chỉ biết chắc và kỹ về dây chuyền thiết kế bệnh viện mà điều làm nên phong cách kiến trúc riêng có của anh chính là giải pháp hình tượng công trình, tạo ấn tượng thẩm mỹ hài hoà vừa hiện đại, vừa truyền thống cho công trình tưởng như khô cứng này.

Anh bắt tay vào tìm hiểu tỷ lệ các ngôi đình cổ để đem chúng vào bê tông cốt thép. Đồng thời, trong những toà nhà BV do anh thiết kế, Nguyễn Vũ Hưng luôn hướng tới những không gian mang sắc thái truyền thống, làm toát lên tinh thần gần gũi, không khí thân thiện với mỗi người dân. Anh “bổ dọc” một ngôi chùa rồi “gắp” các tỷ lệ chuẩn ở đó sang công trình của mình. Các đồng nghiệp vẫn gọi vui là “thức Nguyễn Vũ Hưng”. Nhờ đó mà trong cảm nhận về một BV Thái Bình mới mẻ vẫn thấy được hơi hướng của chùa Keo, về BV Quốc tế Hà Nội vẫn có gì đó không xa lạ. Đó là một thành công, một đóng góp đáng trân trọng về cách thức tìm tòi kiến trúc mà nói như KTS bậc thầy Nhật Bản Kenzo Tange là “hãy đập vụn cái bình truyền thống ra rồi ghép lại”.


Bệnh viện Bạch Mai xưa. (Ảnh tư liệu)

Còn nói như cố Tổng Bí thư Trường Chinh thì: “Hãy làm hiện đại đã, rồi đưa dần dân tộc vào”. Ở công trình kiến trúc phong cách Nguyễn Vũ Hưng, ta thấy sự chuẩn xác và sắc nét kiểu Đức như phảng phất đâu đó cái thần, cái không khí của một Mies van der Rohe (bậc thầy KTS người Đức dạy tại Mỹ). Vẫn mái ngói, vẫn lan can, consơn xưa cũ còn nguyên tỷ lệ nhưng được khoác lên bộ cánh hiện đại, hệ khung cột bê tông hoá xoá đi cảm giác nệ cổ trên các công trình.

Nói thì như vậy nhưng để thực hiện được ý tưởng trên các công trình hiện diện thực sự không đơn giản, nhất là khi trên đầu mình là những vị thủ trưởng, những kỹ sư xây dựng nặng chất “dùi đục chấm mắm cáy”. Nói như KTS Trần Trọng Chi thì việc Nguyễn Vũ Hưng làm được những mái, những consơn bê tông cao vật vã mà không bị ép cắt, hạ chiều cao… quả là quá giỏi, chả khác “dắt voi qua lỗ kim” một cách an toàn.

Dường như việc thiết kế BV là thứ duyên nghiệp gắn với cuộc đời Nguyễn Vũ Hưng. Nó giống như một thú vui, một nỗi đam mê. Hình ảnh quen thuộc của KTS Nguyễn Vũ Hưng trong lòng đồng nghiệp là sự trầm tĩnh, ít nói. Những khi rảnh, anh dành nhiều thời gian vẽ bệnh viện, vẽ tỷ lệ lớn, vẽ rồi bỏ, rồi lại vẽ… Sau này, trong giới KTS có thêm nhiều các chuyên gia thiết kế bệnh viện nhưng mọi người đều tôn trọng cái thần thái, phong cách kiến trúc mà Nguyễn Vũ Hưng đã dày công tạo dựng.

Công trình ghi dấu ấn cuối cùng trong sự nghiệp của Nguyễn Vũ Hưng là cải tạo nhà xác BV Bạch Mai thành khu tang lễ trang nghiêm. Có ai ngờ, không lâu sau khi công trình đi vào sử dụng, Nguyễn Vũ Hưng đã ra đi tại nơi đó trong niềm thương tiếc của gia đình và đồng nghiệp, hưởng dương 59 tuổi. Anh đã đi xa được gần 15 năm nhưng những đóng góp của anh vẫn còn nguyên giá trị, xứng đáng với phần thưởng cao quý: KTS cao cấp; Huân chương Lao động và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Viễn Phong (ghi)/Báo Xây dựng