Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị
Quy hoạch đô thị cần đáp ứng nhu cầu của người dân về một thành phố đáng sống; nhu cầu của doanh nghiệp về một thành phố vận hành hiệu quả; nhu cầu của xã hội về việc bảo tồn bản sắc đô thị, không gian công cộng và các di sản văn hóa và nhu cầu của thế hệ trẻ về một thành phố có môi trường bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho hệ thống và tư duy quy hoạch hiện hành, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia quy hoạch đô thị nhận biết sâu sắc hơn về các vấn đề đô thị, cùng tìm ra các giải pháp để đô thị phát triển bền vững…
Tăng cường năng lực quản lý đô thị cho các địa phương
Với bất cứ quốc gia phát triển nào, đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời điểm toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng gia tăng, việc xác định và xây dựng các chính sách phát triển đô thị phù hợp đang trở thành mối quan tâm trọng tâm của nhiều quốc gia.
Thống kê trong gần 20 năm qua cho thấy, hệ thống đô thị Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rất tích cực và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% (năm 1999) lên 37,5% (năm 2015). Với số lượng 195 đô thị hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị nước ta đạt từ 10 – 15% (cao gần gấp 2 lần so với cả nước), nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70 – 75% trong cơ cấu GDP cả nước.
Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước còn rất nặng nề trong khi Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) thế giới.
Trong đó, quy hoạch đô thị trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi không chỉ đổi mới về thể chế, nguyên tắc và quy trình mà còn cả về tư duy, kỹ năng của các nhà quy hoạch và xây dựng chính sách để xác định và hài hòa nhu cầu của các bên liên quan, ưu tiên chúng trong các quy hoạch phát triển. Để tham vấn các bên liên quan và xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện địa phương, cần nghiên cứu đánh giá, tăng cường năng lực cho địa phương ở các cấp thấp hơn để đảm bảo hiệu quả mạnh mẽ hơn trong việc quyết định và thực hiện quy hoạch.
Cách tiếp cận có sự tham vấn và tham gia một cách khoa học, hiệu quả sẽ giúp quy hoạch đô thị có tính thực tiễn cao. Đồng thời, các giải pháp quy hoạch và dự toán ngân sách phải dựa trên dữ liệu đánh giá chuẩn xác về quy mô dân số, các hoạt động kinh tế và sự phát triển đô thị, đặc biệt là khu vực vùng ven đô. Điều này đòi hỏi cần có phương pháp quản lý và đánh giá hiệu quả hơn trong quản lý đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị…
Thúc đẩy sáng kiến phát triển đô thị xanh và bền vững
Tại Diễn đàn Quy hoạch và Phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH do Bộ Xây dựng (Cơ quan điều phối), Diễn đàn đô thị Việt Nam và UN Habitat phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vừa qua tại Quảng Nam đã diễn ra nhiều phiên thảo luận song song, với chủ đề liên quan đến 6 vấn đề được đề xuất, bao gồm: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; nâng cao năng lực quản trị và tính hiệu quả của quy phạm pháp luật về phát triển đô thị; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm; tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập; bảo vệ môi trường và ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Trên tinh thần trao đổi, thảo luận của các chuyên gia quy hoạch, các tổ chức nghiên cứu, các hiệp hội…, những nội dung liên quan đến 6 vấn đề trên sẽ được tổng hợp thành Sáng kiến về quy hoạch và PTĐT năm 2016 (gọi tắt là Sáng kiến Tam Kỳ). Sau khi được Ban điều phối thông qua, Sáng kiến Tam Kỳ sẽ truyền tải rộng rãi những nội dung tinh thần của Diễn đàn đến với đông đảo các tổ chức thành viên Diễn đàn đô thị Việt Nam.
Trong đó, một vấn đề liên quan đến nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị chính là công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH – theo Đề án 1961 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp”.
Đại diện Học viện Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam, các chương trình đào tạo của Đề án 1961 đã được xây dựng với nhiều nội dung bao gồm: Quản lý quy hoạch đô thị; đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý phát triển và
sử dụng đất đô thị; quản lý tài chính đô thị; quản lý môi trường, kiến trúc – cảnh quan đô thị và kiểm soát phát triển đô thị. Trong các nội dung giảng dạy, chủ đề phát triển đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH luôn là một trong các nội dung được lựa chọn làm chủ đề xuyên suốt cho các khóa học.
Bộ Xây dựng – Cơ quan điều phối Diễn đàn “Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” khẳng định: Đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Khi sức mạnh của toàn cầu hóa và cạnh tranh thương mại quốc tế về đô thị đáp ứng cho phát triển đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Đây là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu…
Trong tháng 10/2016, Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển nhà ở và đô thị bền vững (Habiat III, tổ chức 20 năm một lần) tại Ecuador với chủ đề Chương trình nghị sự mới khu vực đô thị, sẽ xác định các thách thức mới 20 năm tới và tăng cường các cam kết chính trị trong phát triển đô thị bền vững…
Linh Đan/Báo Xây dựng