Vì sao Bộ Xây dựng siết chặt trách nhiệm của chủ đầu tư?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc yêu cầu nhà đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng các thủ tục đầu tư xây dựng là để tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng. Đây không phải là lý do để UBND cấp tỉnh, hay doanh nghiệp viện dẫn cho nguyên nhân muốn tự thẩm định dự án hay tăng giá bán nhà.
Những hạn chế thấy rõ
Năm 2013, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Xây dựng, 08 năm thực hiện Luật Nhà ở cho thấy một bức tranh màu xám khi có không ít công trình xây dựng chất lượng kém (đặc biệt là công trình xây dựng vốn nhà nước), tiến độ xây dựng công trình kéo dài, đội giá, chất lượng nhà chung cư, nhà ở thấp, nhiều tòa nhà mới sử dụng 30-35 năm (chưa hết nửa tuổi thọ) đã xuống cấp, thị trường nhà ở có sự lộn xộn, gây ra khiếu kiện kéo dài, tranh chấp.
Hay có không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp được nhà nước giao hết quyền cho đầu tư kinh doanh, mặc dù doanh nghiệp không buông lỏng quản lý, áp dụng đầy đủ những quy định của pháp luật, thiết kế cũng thuê tổ chức thẩm tra, thẩm định, nhưng do những hạn chế về mặt chuyên môn nên vẫn để xảy ra sự cố và khi đó chỉ có một mình doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
Đối với nhà ở, tại thời điểm gần đây cũng lại bộc lộ một loạt câu chuyện: chung cư xuống cấp, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, thoát hiểm thoát nạn không đảm bảo, nhà này dột sang nhà kia, tranh chấp diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng, sở hữu chung sở hữu riêng… và gần đây nhất là việc quản lý các tòa nhà chung cư không minh bạch gây khiếu kiện kéo dài, như trường hợp ở Tòa nhà Keangnam.
Các chuyên gia nhận định, để dẫn đến tình trạng này, không thể không kể đến nguyên nhân từ việc xây dựng chính sách của cơ quan quản lý còn thiếu sót, một số quy định của pháp luật không bám sát thực tế cuộc sống, không theo kịp với sự phát triển và mở rộng của các khu đô thị, của nền kinh tế. Pháp luật về xây dựng trước đây có những quy định gần như buông lỏng của quản lý nhà nước, nhưng lại có những quy định siết quá chặt dòng vốn đầu tư, ví dụ như đối với thị trường BĐS, gây nên tình trạng có nguồn cung thì thừa (phân khúc BĐS cao cấp), nhưng lại có những nhu cầu rất bức xúc cho xã hội quá thiếu, đó là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, gây ra tình trạng mất cân đối cung-cầu trên thị trường BĐS.
Quản lý nhà nước – trách nhiệm không của riêng ai
Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải điều chỉnh pháp luật quản lý nhà nước ngành xây dựng theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công trình xây dựng nói chung, đặc biệt là đối với nhà ở chung cư và nhà ở công cộng. Đối với thủ tục đầu tư xây dựng, nếu như giai đoạn trước 2006, chỉ cần quy hoạch 1/500 là khởi công, nhưng từ khi có Nghị định 90 (từ 2006-2010) lại thêm Dự án đầu tư và Giấy phép xây dựng, hay giai đoạn từ năm 2010 đến nay có thêm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật. Và đến nay, thời điểm Luật Xây dựng 2014 đi vào cuộc sống, nếu công trình có chất lượng kém, hoặc có sự cố xây dựng, phải chỉ ra bằng được các nguyên nhân và cá nhân chịu trách nhiệm, cũng như tổ chức chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cũng thẳng thắn nhận định rằng, việc bảo vệ lợi ích của người dân và chủ đầu tư là yếu tố mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bởi nhiều khi bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng nhưng lại có nhiều khả năng dẫn đến xung đột với bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Hiện có một số tỉnh thành, doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư xây dựng quá nhiều, gây mất thời gian cho công tác thi công, hay thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế quá rườm rà, gây tốn kém cho doanh nghiệp… Nhưng, theo tổng kết của Bộ Xây dựng, có hơn 50% hồ sơ thiết kế có vấn đề về thiết kế, đặc biệt là việc thiếu tải trọng, thiếu quy chuẩn về quy hoạch, thiếu quy chuẩn về áp dụng, dẫn đến tình trạng công trình xây dựng chất lượng kém nhưng người mua nhà hoặc người sử dụng nhà không biết.
Cụ thể gần đây nhất là trường hợp Tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung của Đà Nẵng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tới 2.000 tỷ đồng, do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư và tự thẩm định dự án, mới đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn đã bộc lộ những khiếm khuyết nhất định. Và chính lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng phải thừa nhận những bất cập khi sử dụng công trình và có ý muốn di dời Trung tâm Hành chính tập trung này đi nơi khác.
Trong khi đó, từ đầu năm 2015 đến nay, TP Đà Nẵng đã có không dưới 3 lần gửi văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Đà Nẵng tự chủ các công trình tương tự như Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Lý do đưa ra đề xuất này là vì TP Đà Nẵng đủ năng lực để đảm nhiệm.
Rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến hành động
Công trình xây dựng có những đặc thù nhất định, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh người dân, tài sản của người dân, không gì có thể dễ dàng thay thế, sửa đổi hay khắc phục được nếu như sự cố xảy ra, đó là chưa kể có những công trình được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, không thể tùy tiện đầu tư xong rồi lại muốn bỏ.
Còn nhớ, thuyết minh về phương án xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung của Đà Nẵng rất thuyết phục và nó đã được thực hiện theo đúng nguyện vọng của chủ đầu tư. Nhưng đến nay thực trạng về chất lượng công trình là minh chứng để TP Đà Nẵng nhìn nhận lại đề xuất của mình trong thời gian vừa qua. Và nó cũng là minh chứng để bất kỳ một chủ đầu tư, doanh nghiệp nào, dù là đầu tư xây dựng công trình lớn hay nhỏ, sử dụng vốn trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay vốn ngoài ngân sách nhà nước, phải nhìn nhận lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, từ các thủ tục đầu tư xây dựng đến khi hoàn thành dự án. Không thể viện lý do phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật mà tăng giá bán nhà, hay muốn tự quyết định thẩm quyền thẩm định dự án.
Chính vì vậy, việc kiến nghị đơn giản hóa quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp tại một cuộc hội thảo mới đây về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh sẽ không khả thi, khi mà nhận thức, trình độ chuyên môn, năng lực tài chính, năng lực quản lý dự án của đại đa số các chủ đầu tư, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thuyết phục được người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước trao nhiều quyền hơn cho họ. Và cũng chính tại thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa đồng ý thông qua việc bổ sung Luật sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh vào Chương trình pháp luật năm 2016 của Quốc hội vì hầu hết các đạo luật này vừa mới được ban hành và đi vào cuộc sống vài năm, nên chưa thể tổng kết, đánh giá và xem xét đầy đủ những ưu điểm hay khiếm khuyết đem lại.
Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, những đối tượng công trình xây dựng như Trung tâm Hành chính tập trung Đà Nẵng sẽ thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành – cơ quan tập trung đủ năng lực để có thể nhìn nhận ra những điểm yếu, những khiếm khuyết cũng như việc áp dụng đồng bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn, chịu lực công trình.
Thanh Nga