03/08/2016

Chủ tịch nước: “Phải tiếp tục giảm biên chế để tinh gọn bộ máy”

Chủ tịch nước nêu rõ: Phải tiếp tục giảm biên chế để làm sao xây dựng bộ máy hành chính của nhà nước tinh, gọn, chất lượng, không cồng kềnh.

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, sáng nay (2/8), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có các buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM, nhằm thông báo nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ hoan nghênh kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.


Cử tri quận 4 kiến nghị với các đại biểu Quốc hội

Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị về các vấn đề nợ công, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nước, an toàn giao thông, cải cách hành chính, chế độ chính sách cho người cao tuổi, chế độ chính sách đối với người có công, những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội những tháng cuối năm và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước những diễn biến phức tạp gần đây.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những vấn đề cử tri quan tâm. Thông báo về tình hình phát triển kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, mặc dù trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút song nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn; công tác bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém, đặc biệt sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, hủy hoại môi trường sinh thái biển; các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có xu hướng tăng.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị

Về giải pháp phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, Chủ tịch nước trần cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng ta tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời có giải pháp hữu hiệu để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp”.

Về vấn đề cải cách tiền lương và chính sách đối với người nghỉ hưu, người có công, Chủ tịch nước cho biết đây là vấn đê quan tâm chung của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí để thực hiện vấn đề này. Vừa qua Chính phủ đã thực hiện cải cách tiền lương và ưu tiên cho những người về hưu, đối tượng chính sách.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Sắp tới triển khai đề án một cách cơ bản hơn vấn đề tiền lương. Ngoài việc nguồn kinh phí ở đâu để giải quyết vấn đề này thì một trong những giải pháp rất quan trọng đó là phải tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và phải tiếp tục giảm biên chế để làm sao xây dựng bộ máy hành chính của nhà nước tinh, gọn, chất lượng, không cồng kềnh. Chỉ có như thế chúng ta mới giải quyết cơ bản được vấn đề tiền lương”.

Về vụ việc cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay Quốc hội đang giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát độc lập riêng để có đánh giá, phản biện có cơ sở. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả và thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.

Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước cho biết, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, quyết định đưa nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” vào nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch nước cho rằng các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và khả thi để tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự.

Theo Việt Cường/VOV.VN