Bài 1: Chúng ta từng có một mô hình như thế!
Từ tháng 10/1992 đến 2002 Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chế độ Kiến trúc sư trưởng thành phố. Tuy nhiên sau 10 năm, chế độ Kiến trúc sư trưởng thành phố được kết thúc sứ mệnh mà không hề có “tổng kết” thực tiễn, đúc rút những bài học kinh nghiệm. Việc “đột ngột” dừng chế độ này đã đặt ra hàng trăm câu hỏi nghi vấn, đến nay vẫn chưa có lời giải.
Để trở thành một Thủ đô xứng tầm, Hà Nội rất cần một Hội đồng chuyên gia hoạch định những vấn đề quy hoạch – kiến trúc
Kết thúc trong “lặng lẽ”
Về mô hình Kiến trúc sư trưởng thành phố, ngày 13/7/1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 256/CT về thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng tại thành phố Hà Nội; ngày 24/6/1992 Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 298/BXD-TCLĐ về quy chế hoạt động của Kiến trúc sư trưởng thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2064/QĐ-UB ngày 19/9/1992 thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng tại thành phố Hà Nội từ ngày 01/10/1992.
Theo đó, quyết định của UBND thành phố Hà Nội đã quy định chức năng của Kiến trúc sư trưởng thành phố đó là: Lập kế hoạch nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu, thẩm tra, trình duyệt đồ án quy hoạch, xây dựng, cải tạo thành phố, thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch; quản lý Nhà nước về quy hoạch – kiến trúc (giới thiệu địa điểm, chứng chỉ quy hoạch, xác nhận chỉ giới…); tổ chức xem xét các đồ án về kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng, tổ chức, quản lý lực lượng thanh tra xây dựng theo giấy phép xây dựng; thẩm tra trình thành phố cấp giấy phép sử dụng đất cho các loại công trình xây dựng.
Sau 5 năm thực hiện, để phù hợp với thực tiễn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3591/QĐ-UB ngày 16/9/1997 về việc xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. Từ tháng 9/2000, UBND thành phố đã quyết định chuyển nhiệm vụ cấp phép xây dựng và quản lý thanh tra xây dựng sang Sở xây dựng thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết 15/NQTW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương huớng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô “chấn chỉnh, đổi mới công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đô thị”, đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã duyệt như trong Pháp lệnh phát triển Thủ đô. Ngày 18/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 52/QĐ-TTg cho phép thành lập Sở Quy hoạch – Kiến trúc trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. Ngày 23/5/2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 77/QĐ-UB về việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Sở Quy hoach – Kiến trúc Hà Nội, theo đó nhiệm vụ chính của Sở là “tham mưu” cho UBND thành phố để tổ chức tốt việc quản lý Nhà nước về quy hoạch – kiến trúc theo định hướng quy hoach chung đã được Nhà nước phê duyệt.
Hướng đi nào cho kiến trúc đô thị?
Việc sứ mệnh của Kiến trúc sư trưởng thành phố được “kết thúc” trong im lặng, không hề có tổng kết, đánh giá đã đặt ra hàng trăm câu hỏi nghi vấn về hiệu quả của mô hình hoạt động.
KTS.Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình Kiến trúc sư trưởng được 10 năm, sau đó vai trò của Kiến trúc sư trưởng không còn nữa. Trong một thời gian dài, chúng ta không xác định được trách nhiệm của Kiến trúc sư trưởng, lúc đó Văn phòng Kiến trúc sư trưởng có chức năng như một Sở.
Về hành chính Kiến trúc sư trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm, nhưng Kiến trúc sư trưởng không phải là Chủ tịch, hay Phó Chủ tịch thành phố. Thế nhưng ở thành phố lại có ông Phó Chủ tịch thành phố được phân công về lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch, lúc này Kiến trúc sư trưởng chỉ là người làm chuyên môn, tham mưu. Ngoài ra Kiến trúc sư trưởng không thể làm việc một mình, nên chúng ta đã thành lập Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, có dấu, có quyền lực, chứ không đơn thuần là làm chuyên môn nữa. Do đó mô hình này đã “va” với quyền lực hành chính. Thế nên khi nào chúng ta có chính quyền đô thị thì vai trò của Kiến trúc sư trưởng là cần thiết. Lúc này Kiến trúc sư trưởng như một nhạc trưởng, kết nối được tất cả các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc.
Hiện nay, vấn đề quy hoạch – kiến trúc ở các đô thị của chúng ta đã bộc lộ nhiều bất cập, mặc dù Kiến trúc sư được đào tạo nhiều, nhưng tại các quận, huyện, xã, phường có rất ít Kiến trúc sư làm chuyên môn, theo tôi phải có Kiến trúc sư trưởng ở tại các quận, huyện. Ở mỗi đô thị, cần thiết phải có người am hiểu chuyên môn kiến trúc để xử lý, tham mưu các vấn đề về đô thị cho lãnh đạo. Do đó, mô hình Kiến trúc sư trưởng cần phải suy nghĩ, trong đó Bộ Xây dựng phải là cơ quan chủ đạo trong vấn đề này và phải phân định rõ được chức năng nhiệm vụ của Kiến trúc sư trưởng như thế nào, nó phải khác vai trò của Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc hiện nay.
Trong khi đó ở một số nước tiên tiến, Kiến trúc sư trưởng là Thị trưởng thành phố. Họ đã thành lập ra những Hội đồng thành phố, gồm các chuyên gia đầu ngành, họ không hề ăn lương mà làm việc vì cộng đồng. Hiện nay, mô hình của chúng ta là Ủy ban, chúng ta không có thị trưởng, nên phải nghiên cứu mô hình cho hợp lý, việc này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của đô thị.
KTS.Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng: Hiện nay chúng ta chưa nên tái lập mô hình Kiến trúc sư trưởng ngay, mà cần thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch có chất lượng, có chuyên môn. Mặc dù Hà Nội cũng đã có những Hội đồng như thế để giúp việc cho Sở chuyên ngành, nhưng tôi nhấn mạnh phải thành lập Hội đồng riêng gồm các nhà khoa học, các chuyên gia không ăn lương, giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố tham mưu các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, định hướng quy hoạch.
Ông cũng lấy ví dụ: Tất cả các đồ án quy hoạch của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đều rất minh bạch, trước khi thực hiện được đưa ra Hội đồng kiến trúc Quốc gia, nhưng nhiều công trình xây xong đều bị xã hội kêu ca, vậy vai trò của Hội đồng này như thế nào?
Do đó, hiện nay chúng ta chưa cần bàn đến mô hình Kiến trúc sư trưởng ngay, mà cần phải xây dựng bằng được Hội đồng quy hoạch – kiến trúc, phải là những người tâm huyết, khách quan, có chuyên môn để giúp chính quyền thành phố, đưa ra những tham vấn, những hướng đi khoa học, có bản sắc của một đô thị.
Kỳ sau:
Bài 2: Giới chuyên gia nói gì?
Vũ Chiến