14/07/2016

Sản xuất và sử dụng gạch không nung vì mục tiêu phát triển bền vững

Phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) thay thế gạch đất nung là đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010. Qua 6 năm triển khai trong cả nước, chương trình đã có những bước chuyển biến tích cực từ các địa phương đến doanh nghiệp và người sử dụng. Để tiếp tục triển khai chương trình này sâu rộng hơn nữa, ngày 8/7, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.

Đây là một trong nội dung của dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.


Bộ Xây dựng đã xây dựng được các tiêu chuẩn về VLXDKN nhằm đẩy mạnh công tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-Kỹ thuật, Giám đốc Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam cho biết: Dự án được thực hiện với mục tiêu tổng quát là giảm mức phát thải nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, thông qua việc tăng cường sản xuất, sử dụng VLXDKN.

Sản phẩm VLXDKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ hạn chế các bất lợi trên; ngoài ra còn giúp tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng… góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí xử lý phế thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một đất nước phát triển bền vững.

Hậu quả từ việc sản xuất sản phẩm VLXD từ đất sét nung để lại ai cũng biết. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp, và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0, 57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Nếu kéo dài thì không lâu nữa Việt Nam sẽ mất đất canh tác, tiêu tốn hàng triệu tấn than mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Vật liệu không nung đến năm 2020 và Chỉ thị tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong 5 năm qua, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng được các tiêu chuẩn về VLXDKN. Tính đến cuối năm 2015 việc đầu tư sản xuất VLXDKN đạt và vượt chỉ tiêu chương trình đã đề ra. Tuy nhiên công tác tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vật liệu nhẹ. Nguyên nhân là do tâm lý, thói quen người sử dụng, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, giá còn cao và cơ chế chính sách chưa đủ mạnh tạo điều kiện cho sản phẩm mới vào thị trường. Chính quyền cấp cơ sở nhận thức về chương trình chưa đầy đủ. Các chính sách mới khuyến đầu tư sản phẩm mới chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh. Công tác triển khai các chế độ chính sách, các hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành và các địa phương còn chậm, chưa đồng bộ.

Ông Bắc cũng cho rằng: Để tăng cường sử dụng VLXDKN, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản hiện có liên quan đến VLXDKN. Tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất gạch đất nung bằng các lò thủ công. Tuyên truyền lợi ích của việc sản xuất và sử dụng VLXDKN.


Sản phẩm gạch KH được sản xuất và tiêu thụ tại công trình nhà dân ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những yếu điểm của VLXDKN; nghiên cứu hoàn thiện hướng dẫn thi công, nghiệm thu công trình. Đối với các chính sách cần bổ sung cơ chế chính sách nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hướng dẫn thi công, nghiệm thu, định mức xây dựng.

Trong công tác quản lý, cần tăng cường triển khai, thực hện các văn bản quy phạm đã được ban hành; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định triển khai tại các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng. Lộ trình xóa bỏ lò thủ công của các địa phương đã ban hành.

Hiện nay đã có 52 tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 25 tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường sản xuất và sử dụng VLXDKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch sét nung.

Nhu cầu VLXD ở nước ta tăng từ 8-10%/năm. Theo dự báo, nhu cầu VLXD vào năm 2020 là 30-33 tỷ viên, trong đó tỷ lệ VLXDKN là 30-40%. Tính đến cuối năm 2015, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 6,2 tỷ viên QTC trên 2.000 dây chuyền sản xuất. Với đà đầu tư sản xuất VLXDKN hiện nay thì việc cung cấp các loại sản phẩm VLXDKN là không thiếu. Vì các dây chuyền sản xuất hiện nay chưa phát huy công suất thiết kế. Đặc biệt là các dây chuyền sản xuất gạch AAC tại các tỉnh miền Bắc.

Ngọc Long/Báo Xây dựng