Kiến trúc mới ở nông thôn
Vậy là Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã đi qua giai đoạn đầu tiên – giai đoạn 1 (2010 – 2015) với nhiều thành công và cả những bất cập, hệ lụy. Sau 5 năm triển khai, cả nước đã có 1.298 xã (14,5%) đạt chuẩn NTM so với chỉ tiêu 20% đề ra. Thu nhập bình quân đầu người các nơi đạt NTM là 24,4 triệu đ/năm (tăng gấp 1,9 lần so với năm 2010). Bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực theo hướng CNH, HĐH, chương trình xây dựng NTM được nông dân hưởng ứng, xã hội ủng hộ và trở thành phong trào rộng khắp cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã bộc lộ nhiều vấn đề mà Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 triển khai thực hiện Chương trình NTM đầu năm 2016 đã thẳng thắn chỉ rõ, như nhiều tiêu chí đề ra đã không đạt được. Việc gắn xây dựng NTM, mà vai trò chủ thể là người nông dân, với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, phát triển nông thôn bền vững theo hướng CNH, HĐH… đã không được quan tâm đầy đủ. Nhiều nơi chạy theo thành tích, cố bằng mọi cách kể cả huy động nguồn lực quá sức của dân để thực hiện các tiêu chí, nên đã dẫn đến chuyện xây dựng các công trình nhà văn hóa, chợ dân sinh, trụ sở hành chính, đường giao thông… quá to lớn, hoành tráng nhưng lại ít hiệu quả sử dụng, gây lãng phí, thất thoát gây bức xúc trong nhân dân. Theo tổng hợp của Văn phòng điều phối Trung ương về NTM, nợ đọng trong đầu tư xây dựng NTM sau khi thực hiện giai đoạn 1 vào khoảng 13.300 tỷ đồng.
Một vấn đề rất quan trọng trong xây dựng NTM là kiến trúc nông thôn và cải thiện môi trường sống ở nông thôn đã không được coi trọng. Việc quy hoạch nông thôn theo kiểu cóp-py xã nào cũng na ná nhau đã dẫn đến việc xóa nhòa, làm mất bản sắc văn hóa làng, văn hóa nông thôn. Nhà ở nông dân không được quan tâm, hướng dẫn khi xây dựng, không bảo lưu được tính truyền thống với cấu trúc nhà – vườn – ao – chuồng, thân thiện với thiên nhiên và nếp sinh hoạt của nông dân. Rất nhiều nơi nhà ở nông dân NTM xây cất bám theo trục đường mở rộng, với các kiểu nhà cao vài tầng, kiến trúc lai căng, kệch cỡm như nhà “phố huyện”?! Môi trường sống của nông thôn bị ô nhiễm ngày càng nặng nề bởi nước thải, rác thải từ các khu sản xuất, làng nghề và sinh hoạt hàng ngày của người dân nhưng không có các biện pháp xử lý, giải quyết. Rất nhiều nhà văn hóa, chợ dân sinh xây dựng hoành tráng với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng không người sử dụng. Trong khi đó, ngôi đình làng, nơi sinh hoạt truyền thống của cộng đồng làng lại bị lãng quên.
Còn nhiều vấn đề tồn tại trong chương trình xây dựng NTM cần được bàn thảo, tháo gỡ. Bởi suy cho cùng, mục đích của xây dựng NTM là làm cho người nông dân có cuộc sống tốt, hạnh phúc, gắn bó dài lâu với làng quê của mình, để người nông dân ly nông nhưng không ly hương, không phải đi tha phương cầu thực nơi đất khách. Xây dựng NTM dù bằng cách nào chăng nữa thì cũng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, lối sống, phong tục của địa phương, của người nông dân. Giữ gìn, khai thác bản sắc kiến trúc – văn hóa nông thôn vào xây dựng NTM cũng là phù hợp với quan điểm của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến trong thời kỳ mới.
Đừng biến NTM thành phố thị. Bởi kiến trúc – văn hóa nông thôn truyền thống là một phần quan trọng trong kho tàng kiến trúc – văn hóa lịch sử của dân tộc.
KTS Phạm Thanh Tùng