Hội nghị tổng kết Chương trình tiên tiến ngành Thiết kế đô thị
Hội nghị tổng kết Chương trình tiên tiến ngành thiết kế đô thị (CTTT) của trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh diễn ra sáng 5/7/2016.
Tới dự hội nghị có TS. Nguyễn Văn Hựu – Chuyên viên chính Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), TS. Sầm Thị Thu Hương – Chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), TS. Ngô Hồng Điệp – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một , PGS. TS. Hoàng Xuân Niên – Phó trưởng khoa Kiến trúc Đại học Thủ Dầu Một.
TS.KTS Lê Văn Thương – Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh cùng các thầy trong Ban giám hiệu và đông đảo thầy, cô đại diện cho các Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm, Thư viện cũng tới tham dự hội nghị.
Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của các giảng viên trực tiếp giảng dạy chương trình này và rất đông sinh viên, cựu sinh viên Chương trình tiên tiến ngành thiết kế đô thị các khóa: 09, 10,11,12,13,14.
Tại Hội nghị, TS.KTS Trương Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế đã báo cáo tổng kết quá trình thực hiện Chương trình tiên tiến ngành Thiết kế đô thị.
Theo đó, Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh Chương trình tiên tiến (CTTT) ngành thiết kế đô thị từ năm 2009, đối tác là trường Katholieke University Leuven – Vương Quốc Bỉ (xếp hạng 61 theo bảng xếp hạng Times Higher Education Suplement (THES).
Theo báo cáo, CTTT ngành thiết kế đô thị hiện đã có tổng số 03 khóa tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, hiện có 11 sinh viên tiếp tục học thạc sĩ ở nước ngoài, 04 người làm việc tại các Viện nghiên cứu, 04 làm việc tại các cơ quan công lập, một số sinh viên khác làm việc tại các cơ quan liên doanh với nước ngoài và công ty tư nhân…
Báo cáo cũng nêu chi tiết quá trình đào tạo các sinh viên theo CTTT ngành thiết kế đô thị của Trường, từ khâu triển khai văn bản, phát triển cơ sở vật chất phục vụ chương trình như: lớp học, phòng làm việc, thư viện, phòng máy tính… đến tình hình bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý thuộc CTTT, công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, vấn đề trao đổi sinh viên… kèm theo những bảng thống kê và minh chứng.
Theo nhận định chung, chương trình được đánh giá là tốt về các mặt: chất lượng đào tạo, chất lượng chuyên môn, chất lượng giảng dạy (giảng viên nước ngoài, giảng viên trong nước, trợ giảng). Phương pháp giảng dạy được áp dụng cho CTTT là: đào tạo dựa trên nguyên tắc chuyển từ giáo viên là trung tâm sang sinh viên là trung tâm; Về phương pháp đánh giá như cách thức thi, kiểm tra, chẩm điểm bài tập, thảo luận, thực hành… được thực hiện theo đúng quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ, hệ thống đánh giá phù hợp với chương trình đào tạo.
Giảng viên chính và giảng viên trợ giảng tham gia giảng dạy chương trình tiên tiến đều sử dụng thông thạo tiếng Anh, đa số được đào tạo từ các trường quốc tế; khả năng nghe – nói, tiếp thu bài giảng bằng tiếng Anh của sinh viên được đánh giá là tốt. Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên tham gia các chương trình workshop với giảng viên, sinh viên nước ngoài nhằm trao đổi học thuật, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sử dụng tiếng Anh.
TS.KTS Trương Thanh Hải cũng trình bày tại hội nghị về kế hoạch phát triển và khả năng phát triển bền vững của chương trình.
Tuy nhiên, hiện cũng còn một số khó khăn như: đầu vào tiếng Anh của thí sinh chưa đồng đều; nhận thức của xã hội về chương trình tiên tiến và ngành thiết kế đô thị còn hạn chế, công tác quảng bá chưa hiệu quả…
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, thống kê, đánh giá những kết quả đã đạt được, Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh kiến nghị được: tiếp tục kéo dài thời gian được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho Đào tạo Chương trình tiên tiến ngành Thiết kế Đô thị; mở rộng Đào tạo Chương trình tiên tiến Sau đại học: đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành Thiết kế Đô thị, Quy hoạch và Kiến trúc; Xin mở thêm hai ngành Đào tạo Chương trình tiên tiến: ngành Kiến trúc và ngành Xây dựng.
Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các giảng viên và sinh viên, cựu sinh viên trực tiếp giảng dạy và học tập CTTT ngành thiết kế đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Hựu – Chuyên viên chính Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT nhận định) ghi nhận những đề xuất kiến nghị từ phía Đại học Kiến trúc TP.HCM, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của các giảng viên, sinh viên tham gia CTTT ngành thiết kế đô thị.
TS. Nguyễn Văn Hựu chia sẻ nhiều nhận xét nhận xét về quá trình tổ chức thực hiện và các kết quả cụ thể từ CTTT. Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Văn Hựu cũng góp thêm nhiều ý kiến để Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh hoàn thiện thêm trong báo cáo tổng kết.
Thay mặt Nhà trường, TS.KTS Lê Văn Thương tiếp thu các ý kiến của TS. Nguyễn Văn Hựu và các giảng viên tham gia giảng dạy CTTT; đồng thời thầy cũng lắng nghe những ý kiến và trực tiếp giải đáp thắc mắc của các sinh viên.
Hiệu trưởng Nhà trường cũng chia sẻ tại hội nghị những kế hoạch, dự định của Nhà trường nhằm lan tỏa và kế thừa những ưu việt của CTTT ngành thiết kế đô thị trong công tác đào tạo chương trình này nói riêng và của Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh.
Theo ĐH Kiến trúc TP HCM