08/07/2016

Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung: Bài học lớn từ Đà Nẵng

Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) được xây dựng mới để người dân tiếp xúc các dịch vụ công tiện lợi hơn khi các cơ quan công quyền của các địa phương đã xuống cấp và không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển chung của toàn xã hội.

Hiện nay trên cả nước, số TTHCTT đã hoạt động, đang triển khai và đề xuất được triển khai lên đến con số gần 20. TTHCTT nhỏ nhất thì cũng có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, lớn nhất thì cũng gần 10.000 tỷ. Một số TTHCTT sau khi xây dựng đưa vào sử dụng đã gặp nhiều bất cập. Lựa chọn nào cho phù hợp với sự phát triển của địa phương cần có sự nghiên cứu, đánh giá đúng sự phát triển và cần có sự khách quan, đầu tư mang tính bền vững, thân thiện với người dân, phù hợp với điều kiện thời tiết và thể hiện được bản sắc Việt. Bài học gần nhất là TTHCTT Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “tòa nhà thông minh”. Thế nhưng khi xây dựng và đưa vào sử dụng lại lộ ra bất cập.


Trung tâm hành chính tập trung Đà Nẵng.

Đà Nẵng chọn việc xây dựng một TTHCTT mới để phục vụ tốt hơn cho một chính quyền đô thị dù các cơ quan công quyền của Đà Nẵng không phải cái nào cũng xuống cấp cũ kỹ. Điều này không ai phủ nhận khi chính quyền Đà Nẵng chọn việc phục vụ cho người dân được đưa lên hàng đầu. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong, TTHCTT Đà Nẵng mới lộ nhiều bất cập. Đập vào mắt của mọi người dân và du khách đến Đà Nẵng thì không ai nghĩ rằng tòa nhà cao tầng này là TTHCTT bởi nó giống nơi làm việc của một doanh nghiệp, một Tập đoàn hơn là cơ quan công quyền.

Dẫu chưa có một quy định, một khuôn mẫu nào quy định TTHCTT phải xây dựng như thế này hay xây dựng như thế kia nhưng TTHCTT phải thể hiện được bản sắc Việt, thiết kế kiến trúc phải thân thiện với người dân từ hình dáng bên ngoài lẫn chất lượng phục vụ bên trong, thể hiện sự vững chắc, mạnh mẽ đầy trách nhiệm, tạo niềm tin cho người dân, cần phải là ngôi nhà chung chứ không phải là một tòa nhà cao chót vót sang trọng.

Khi TTHCTT Đà Nẵng khánh thành đưa vào sử dụng, một vị Hiệu phó của trường ĐH Kiến trúc đến Đà Nẵng ngắm nhìn tòa nhà đã nói: Không nghĩ một thành phố hiện đại như Đà Nẵng mà lại chọn mô hình thiết kế TTHCTT như thế này không thể hiện được đó là cơ quan công quyền – nơi phục vụ mọi nhu cầu của người dân.

Nhiều ý kiến từ giới KTS tại Đà Nẵng nhận xét và cũng cho rằng THCTT Đà Nẵng không thể hiện sự mạnh mẽ, vững chắc của một cơ quan công quyền. Đối với mặt thiết kế đã không thể hiện được nét đặc trưng nào của một TTHCTT. Xét về mặt kiến trúc tổng thể chung quanh thì lại càng không được điểm nào bởi mặt chính tòa nhà thể hiện sự phóng thoáng lại bị che khuất bởi một khách sạn. Trong tổng thể chung thì một bên hình tròn, một bên lại hình chữ nhật, hai khối nhà lạc lõng dù đứng cạnh nhau.


Bao bọc bởi lớp kính bên ngoài nơi làm việc bên trong tòa nhà thiếu không khí tự nhiên.

Không những người lớn mà ngay một đứa trẻ khi đi ngang tòa nhà này đều gọi đây là quả bắp và tòa nhà bên cạnh là hộp sữa. Người ta nói vui rằng “thôi thì chuyển qua làm sữa bắp cho rồi”. Sự nói vui này biết đâu rồi sẽ thành sự thật. Bên cạnh đó, hai khối nhà hiện đại lại sừng sững mọc lên ngay bên cạnh và che chắn kiến trúc cổ thành Điện Hải gạch ngói rêu phong.

Điều đáng nói hơn nữa là khi lựa chọn vị trí xây dựng, TTHCTT Đà Nẵng lại chọn vị trí trung tâm thành phố, gần bờ sông Hàn, nơi chịu áp lực lớn về giao thông. Tại đây là nơi làm việc tập trung của 24 sở, ban, ngành và UBND thành phố với hơn 1.600 người, chưa tính lưu lượng người dân và doanh nghiệp tập trung hàng ngày về đây để làm các thủ tục hành chính thì thử hỏi với một cơ sở hạ tầng như hiện nay dù có hiện đại như thế nào thì về phát triển lâu dài liệu khu vực này có đảm bảo được vấn đề giao thông đi lại cho mọi người dân và du khách hay không.

Mở rộng đô thị về phía Tây Bắc và phía Nam, giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố là chủ trương được Đà Nẵng thực hiện từ nhiều năm qua. Cùng với đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2008 đến nay, đó là di dời các cơ sở giáo dục, trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính… ra khỏi trung tâm nội đô để giảm sức ép về hạ tầng, tạo đô thị bảo đảm văn minh, xanh sạch đẹp là cần thiết. Thế nhưng khi chọn xây dựng TTHCTT, chính quyền Đà Nẵng lại chọn vị trí quá trung tâm để xây dựng và tập trung một lượng khổng lồ về con người lẫn phương tiện. Và hiện nay, khu vực xung quanh TTHCTT Đà Nẵng đã xuất hiện ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, nhất là khu vực cầu Sông Hàn, nơi tập trung lượng lớn người qua lại, cả người dân, lẫn du khách và cán bộ làm việc tại TTHCTT Đà Nẵng. Tại phía Tây đầu cầu, chính quyền Đà Nẵng mới phê duyệt xây dựng hầm chui qua nút giao thông này với phần hầm hở có diện tích 1.935m2, hầm kín là 348m2 vốn đầu tư xây dựng 137,5 tỷ đồng nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực này.


TTHCTT xây dựng tại trung tâm thành phố cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông khu vực. Tại vị trí này chuẩn bị xây dựng hầm chui để giải quyết ùn tắc giao thông.

Tại Hội thảo về xây dựng TTHCTT cấp tỉnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuối năm 2014 tại Đà Nẵng, KTS Nguyễn Văn Tất cũng đã cho rằng: Vấn đề chạy đua xây dựng TTHCTT cấp tỉnh, thành đã chính thức trở thành một phong trào trong cả nước. Đã đến lúc Quốc hội phải có tiếng nói chính thức, kịp thời về cuộc chạy đua này về sự cần thiết, quy mô chuẩn về triết lý kiến trúc của loại cơ quan công quyền này cũng như về những giới hạn cần đặt ra. Giới KTS với vai trò trực tiếp trong việc xây dựng các TTHCTT chắc chắn cũng phải có trách nhiệm góp tiếng nói bằng quan điểm chính thống về những giá trị kiến trúc quy hoạch TTHCTT.

Ngay cả khi lập dự án phải tính toán kỹ đến nhu cầu sử dụng trước mắt cũng như lâu dài, tránh tình trạng không lường hết các vấn đề phát sinh dẫn đến diện tích làm việc, dịch vụ sử dụng không đáp ứng được nhu cầu sẽ phá vỡ quy hoạch ban đầu. Đồng thời tránh tình trạng khi đưa dự toán dự án ban đầu cho đến khi thực tế quyết toán mức đầu tư lại vượt ngưỡng dự toán rất nhiều, dẫn đến gánh nặng về ngân sách xây dựng cũng như gánh nặng trên vai người đóng thuế, gây sự nghi ngờ và làm giảm lòng tin trong nhân dân.

Việc vận hành tập trung một tòa nhà lớn như TTHCTT là một lợi thế nhưng cũng cần có sự tính toán, cân nhắc các vấn đề về vận hành, bộ máy quản trị, bảo trì, bảo dưỡng. Nếu không có sự tính toán khoa học, sự chuyên nghiệp trong vận hành thì sẽ gây lãng phí lớn.

TTHCTT Đà Nẵng là một điển hình gần đây nhất. Khi đưa vào sử dụng, ngoài những vấn đề về thiết kế tổng thể, vị trí xây dựng thì chi phí vận hành hàng tháng không phải là con số nhỏ. Đồng thời, nơi đây lại bị thiếu khí tươi cho hàng nghìn con người đang làm việc. Đây cũng là bài học lớn cho các địa phương khi lựa chọn xây dựng TTHCTT mới.

Hiện nay Bộ Xây dựng đang khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rà soát việc đầu tư xây dựng TTHCTT tại các địa phương. Trên cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng TTHCTT tại các địa phương trong thời gian qua, Bộ Xây dựng có những đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Nhị Nam/Báo Xây dựng