Kinh nghiệm thoát nước từ Hà Lan
Trong vài năm trở lại đây Việt Nam và rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các nước trên thế giới bị tác động rất lớn do biến đổi khí hậu như triều cường, xâm ngập mặn. Hầu như năm nào cũng bị bão lũ gây ảnh hưởng dẫn đến tình trạng úng ngập tại các đô thị. Các tỉnh Nam bộ chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai khá khốc liệt như xâm ngập mặn, nước biển dâng.
Phối cảnh dự án cống thoát nước Tân Thuận.
Thực trạng thoát nước đô thị ở Việt Nam
Hệ thống thoát nước hiện có ở các đô thị nước ta từ loại IV trở lên là hệ thống cống chung gồm ống bê tông đúc sẵn, mương gạch đậy nắp đan bê tông, mương đất hở, các kênh mương và hệ thống ao, hồ điều hoà. Hệ thống cống được xây dựng tuỳ tiện không theo quy hoạch phát triển của đô thị, nhiều đoạn cống có tiết diện nhỏ hơn yêu cầu lại không được bảo dưỡng nên khả năng làm việc kém, cần được thay thế hoặc sửa chữa nâng cấp, phần lớn các đoạn cống và mương không có độ dốc phù hợp để tự làm sạch và không có thiết bị để tránh bốc mùi khi thời tiết khô.
Mức độ bao phủ của dịch vụ thoát nước chưa được điều tra khảo sát nhưng theo ước tính của các chuyên gia của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và của Hội Cấp thoát nước Việt Nam thì thấp hơn mức độ bao phủ của dịch vụ cấp nước, bình quân vào khoảng 30-40%.
Trên hệ thống sông Hồng có hàng loạt hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, chống lũ có thể chứa nhiều tỷ khối nước, lại có hệ thống đê bảo vệ và những khu phân chậm lũ, nếu lũ lớn uy hiếp Hà Nội, có thể phân lũ vào các khu đó. Bởi vậy, vấn đề phòng lũ của Hà Nội là vận hành tốt hệ thống phòng chống lũ và giữ gìn bảo vệ đê. Tuy nhiên, vấn đề ngập lụt đối với Hà Nội lại là “nội tại” phải giải bài toán thoát nước mưa tại chỗ với hệ thống trạm bơm và các đường tiêu thoát nước. Các điểm ngập trong nội thành chưa được cải thiện vì hệ thống cống từ các ngõ ngách tiểu khu đến các mương, sông còn chưa được đầu tư cải tạo và xây dựng. Do đó, nước mưa không thể tập trung nhanh về kênh dẫn đã cải tạo. Có thể thấy khu phố cổ Hà Nội bao lần mưa lớn không bị ngập nhờ hệ thống thoát nước hợp lý. Nhiều nơi khác của thành phố bị ngập do các hồ điều hòa bị lấp, cống rãnh bị tắc nghẽn, hệ thống bơm chưa phát huy tác dụng, lỗi này một phần do ý thức người dân vì xả rác bừa bãi, tắc cống cũng là một phần làm cho hệt thống thoát nước gặp khó khăn. Đặc biệt, do đường ống thoát nước bé nên việc khơi thông dòng chảy là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch và quản lý chưa thực sự đạt hiệu quả nên thực trạng thoát nước tại các đô thị vẫn còn là vấn đề nan giải.
Việc phát triển các khu đô thị lớn về phía Mỹ Đình, Hà Đông cũng chưa quan tâm đến hệ thống thoát nước và đấu nối với các đầu mối thoát nước nên khu vực này là trọng điểm của ngập lụt mỗi lần có mưa. Vì thế, kịch bản khi nước biển dâng, việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao?
Theo đánh giá hiện nay, dự án của JICA đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô cuối năm nay nếu dự kiến mực nước triều đạt đỉnh 1,58m thì sẽ lại là thách thức lớn đối với các dự án chống ngập của thành phố. Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt. Vấn đề úng ngập, thoát lũ của vùng Đồng Tháp Mười và TP HCM với xu hướng ngày càng gia tăng.
Kinh nghiệm thoát nước từ Hà Lan
Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Vùng trũng nhất ở dưới mực nước biển tới 6,74m. Theo thống kê, 2/3 diện tích của quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt, trong khi mật độ dân số thuộc nhóm đông đảo bậc nhất.
Đặc điểm này đã nhiều lần khiến Hà Lan trải qua những thảm hoạ kinh hoàng. Đỉnh điểm nhất là tháng 2/1953, triều cường dâng cao do ảnh hưởng của một cơn bão đã tàn phá gần như hoàn toàn vùng duyên hải phía nam. Hơn 200.000ha đất trồng trọt bị ngập lụt, 1.835 người bị chết đuối. Cũng từ thảm hoạ này đã lộ ra điểm yếu lớn nhất trong hệ thống các công trình phòng vệ chống nước biển của Hà Lan.
Chính vì vậy, Chính phủ Hà Lan đã ngay lập tức thành lập Uỷ ban Châu thổ nhằm sửa chữa, thi công các công trình phòng vệ chống biển.
Sau một thời gian nghiên cứu thực địa, Ủy ban Châu thổ nước này đã cho ra đời một kế hoạch xây dựng các công trình với tầm vóc và quy mô vĩ đại. Đó là hệ thống các công trình đê biển, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt ở khu vực Tây Nam. Tổng cộng có 65 đê chắn sóng đúc bê tông khổng lồ cùng 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các đê chắn với tổng chiều dài 6,8km.
Được biết các cửa van dày 5m và rộng 40m, thay đổi theo độ cao từ 6m đến 12m tuỳ theo vị trí của chúng trong đập chắn. Cửa van lớn nhất nằm ở phần sâu nhất của châu thổ, nặng tới 480 tấn, phải mất cả tiếng đồng hồ mới mở hay đóng cửa van. Các công trình này được xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ nhằm bảo vệ các khu vực đất đai rộng lớn trong vùng châu thổ trước sự tấn công của nước biển. Đây cũng được ghi nhận là hệ thống phòng hộ duy nhất chống lại sóng biển trên thế giới thuộc loại này.
Hiện tại các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống “đê chắn sóng thông minh” bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu. Theo đó, các chuyên gia và các nhà khoa học thủy lợi Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng. Qua đó, với những kinh nghiệm sâu sắc của Hà Lan, đây có thể là những giải pháp hữu hiệu mà Việt Nam có thể áp dụng cho thoát nước tại các đô thị lớn.
Thanh Huyền
(Báo Xây dựng)