Biến đổi khí hậu và đô thị vùng tỉnh Quảng Ninh
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007) thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1 mét sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%.
Biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề cho xã hội (ảnh minh họa)
Dự đoán trong dài hạn đến năm 2050, khí hậu Trái đất sẽ thay đổi rõ rệt. Sự nóng lên của Trái đất sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, đến sản xuất nông nghiệp, vùng trũng ven biển và đa dạng sinh thái… Đối với châu Á, đã xuất hiện các hiện tượng khí hậu bất thường như lũ lụt, hạn hán, El Nino… được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng (ảnh minh họa)
Đặc điểm diễn biến biến đổi khí hậu tại Quảng Ninh
Theo báo cáo về kịch bản nước biển dâng ở Quảng Ninh theo kịch bản phát thải trung bình B2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012, ta có bảng dưới đây:
Bảng 1: Kịch bản nước biển dâng ở Quảng Ninh theo kịch bản phát thải trung bình B2
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012)
Theo bảng trên, vùng có nguy cơ ngập trên địa bàn tỉnh với kịch bản nước biển dâng theo kịch bản phát thải trung bình đến năm 2030 (11cm – 12cm) và đến năm 2050 (nước biển dâng 20cm đến 24cm) chủ yếu tập trung tại dải đất ven biển trải dài từ huyện Tiên Yên đến TP.Móng Cái và một số những vùng đất thấp trũng khác thuộc các địa phương như thành phố Quảng Yên, TP.Uông Bí. Do đó cần thiết phải tính toán, xác định cao độ san nền xây dựng và độ cao của hệ thống đê điều.
Theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/07/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, quy mô dân số đô thị là:
– Năm 2020: 1.171.700 người; tỷ lệ đô thị hóa 70,2%
– Năm 2030: 1.534.000 người; tỷ lệ đô thị hóa 77,1%
– Tầm nhìn chiến lược “Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới.”
Cũng theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND, dự báo nhu cầu sử dụng đất đô thị mới phát triển thêm đến năm 2020 là 5.830 ha, đến năm 2030 là 10.050 ha.
Tỉnh Quảng Ninh có 250 km đường bờ biển nên chắc chắn bị ảnh hưởng của nước biển dâng. Do vậy, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị cần phải tiến hành quan trắc mực nước triều cường ở tất cả khu vực ven biển của tỉnh và phải nghiên cứu các đối sách ứng phó với mực nước biển dâng. Quá trình phát triển đô thị vùng tỉnh Quảng Ninh nếu không cẩn trọng cân nhắc các yếu tố tác động BĐKH và nước biển dâng như dự báo của ngành môi trường, sẽ khó đảm bảo cung cấp các dịch vụ đô thị trong tương lai một cách đầy đủ, an toàn, đáng tin cậy.
Quá trình đô thị hóa càng mạnh thì ảnh hưởng của nó đến quỹ đất trồng lúa và sự khan hiếm nước gia tăng
Quảng Ninh là một vùng địa hình phức tạp có khu vực đồi núi cao (hơn 80% là núi), có khu vực đồng bằng và có dải ven biển trải dài hơn 250km. Hệ thống sông ngòi rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên các hồ tự nhiên có khả năng trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất còn hạn chế, phân bố không đều trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai, không chỉ nước sinh hoạt thiếu mà để phát triển nông nghiệp hơn nữa thì nguồn nước tưới tiêu cũng rất quan trọng. Tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 sẽ gặp phải vấn đề này và việc thực hiện xây dựng hồ chứa nước có thể đem lại hiệu quả kinh tế.
Một số thách thức chủ yếu do BĐKH và nước biển dâng đối với phát triển đô thị
(1) Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nặng nềđến Quảng Ninh.
(2) Về hiện trạng môi trường:
– Nguồn nước mặt tại tỉnh không có vấn đề ô nhiễm nước nghiêm trọng ngoài các khu vực sông Vàng Danh, sông Sinh, sông Uông, suối Lộ Phong, suối hóa chất cọc 6 có hàm lượng COD, BOD cao.
– Việc thu gom, xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải chưa phát triển dẫn đến ô nhiễm đất và biển.
– Thay đổi quy mô, tính chất sử dụng đất: Quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp có khả năng bị thu hẹp do nhu cầu chuyển đổi sang các mục đích khác làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái cũng như vấn đề an ninh lương thực.
– Việc phát triển mạnh ngành du lịch cũng sẽ gây áp lực đến không chỉ môi trường mà còn hệ sinh thái, cảnh quan và cả những giá trị cần bảo tồn như di tích, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long v.v..
Khuyến nghị giải pháp chuẩn bị kỹ thuật
Cao độ: Xác định cao độ xây dựng cho các đô thị trong vùng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phù hợp với cấp đô thị, mức độ bảo vệ đô thị,tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, tránh ngập úng, tránh đào đắp lớn.
Lấy mốc năm 2050 mực nước tăng +20cm để làm cơ sở nghiên cứu cho hệ thống cốt san nền và hệ thống đê điều. Cốt nền xây dựng căn cứ vào cấp đô thị để lựa chọn cao độ xây dựng cho phù hợp, dựa trên các số liệu quan trắc về thủy văn như: Tần suất (tổng hợp các yếu tố mực nước dâng do bão kết hợp với triều cường đo tại các trạm quan trắc) và ảnh hưởng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Thoát nước mưa lồng ghép với việc trị thủy dòng chảy
– Xác định lưu vực và hướng thoát nước chính phù hợp với địa hình tự nhiên, tận dụng hệ thống sông suối chính hiện códẫn dòng chảy ra biển.
– Cùng với sự phát triển đô thị, đối với mỗi dự án phát triển cần phải xây dựng hệ thống điều tiết thoát nước mưa hay còn gọi là hồ điều tiết. Đồng thời, cần phải quản lý, kiểm tra việc xây dựng hồ điều tiết của từng dự án.
– Việc quản lý phát triển đô thị trên phương diện trị thủy như thế này phải được quy hoạch dựa trên những nghiên cứu kỹ thuật trong quy hoạch phát triển.
Các giải pháp phòng chống lũ lụt, thiên tai
* Các khu vực ven sông: Căn cứ vào cao độ mực nước lớn nhất của hệ thống sông ngòi mà có các giải pháp cụ thể như nâng cốt nền, xây dựng đê bao, chuyển lên ở khu vực có nền cao v.v..
* Khu vực ven biển: Xây mới hoặc nâng cấp, kiên cố hóa khép kín các tuyến kè biển, kè sông bao quanh đô thị để đảm bảo độ an toàn khi có sự cố bão, lụt và hiện tượng dâng cao của nước biển.
Trồng cây dọc theo tuyến kè nhằm chắn sóng trước kè biển đồng thời cải tạo hệ sinh thái biển; bảo vệ rừng ngập mặt như một “bức tường xanh”, “đê chắn sóng xanh”.
Bảo vệ rừng đầu nguồn ở thượng lưu, tu bổ các đê kè biển, cửa sông; chọn cao độ san nền đô thị có xét tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; quy hoạch hành lang thoát lũ cho các tuyến sông chính, nâng cao khả năng thoát nước của các tuyến chính.
Khuyến nghị giải pháp quy hoạch xây dựng
Lựa chọn đất xây dựng để ít bị ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu và tránh xa các nguồn ô nhiễm, thuận tiện giao thông, tập trung sử dụng giao thông công cộng, giảm tối đa việc thải khí độc ra môi trường; hạn chế san gạt lớn làm biến đổi hệ sinh thái tự nhiên; tích cực bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ rừng đầu nguồn nước.
Khuyến nghị giải pháp kỹ thuật và quản lý
Tích cực xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại, chi phí hợp lý, không gây ô nhiễm môi trường, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản.
Sử dụng hợp lý tài nguyên đất và bảo vệ môi trường đất và nước, cải tạo và ngăn ngừa ô nhiễm đất và nước. Tích cực trồng cây xanh để hoàn nguyên môi trường các mỏ than lộ thiên.
Bảo tồn các di sản thiên nhiên, di tích văn hóa – lịch sử
‐ Với vùng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: cần phải thực hiện các giải pháp về xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải sinh hoạt, đồng thời tiến hành bảo vệ chất lượng nước.
‐ Việc bảo vệ rừng ở khu vực đất liền đem lại những hiệu quả trong việc điều hòa dòng chảy, giảm lũ lụt, tích trữ tài nguyên nước, làm trong sạch chất lượng nước, và hạn chế thiên tai, xói mòn và sạt lở đất, phòng chống hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Như vậy, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2050 sẽ là: (1) vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; (2) Động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp hiện đại, bền vững; (3) vùng di sản văn hóa lịch sử quốc tế, kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Những thách thức đối với sự phát triển bền vững của các đô thị ven biển tỉnh Quảng Ninh do tác động của biến đổi khí hậu đã khá rõ. Để phát triển đô thị bền vững cần giải quyết tốt những vấn đề nêu trên với một số khuyến nghị giải pháp như tóm tắt sau:
– Các bộ ngành liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu và kịch bản BĐKH và nước biển dâng để có các dự báo phù hợp nhất, định hướng cho quy hoạch và xây dựng đô thị.
– Tăng cường lồng ghép, tích hợp các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường: Quy hoạch xây dựng; giải pháp kỹ thuật cấp nước, thoát nước và trị thủy…; giải pháp quản lý phải được chủ động lồng ghép, tích hợp từ khi nghiên cứu đến triển khai cụ thể.
-Bảo tồn các di sản thiên nhiên, di tích văn hóa – lịch sử trong quá trình phát triển đô thị, xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.
Nguyễn Quốc Công (Giảng viên Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)