20/06/2016

Sản xuất và tiêu thụ gạch không nung ở Thanh Hóa: Khởi sắc

Trong những năm gần đây, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng đi vào quy củ và nề nếp. Cùng với đó, do nhu cầu tiêu thụ VLXD tăng cao, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN cũng đang trên đà khởi sắc, nhất là thị trường gạch không nung còn mới mẻ.


Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất gạch không nung của Cty Đại Phong.

Là cơ quan chuyên ngành về quản lý VLXD, những năm qua Sở Xây dựng Thanh Hóa đã tập trung làm tốt công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch (QH) VLXD. Theo đó, đã lập và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể hóa các QH bằng những quyết định bao gồm: QH phát triển VLXD tỉnh Thanh hóa giai đoạn 2008 – 2015, định hướng đến 2020 (QH về 13 nhóm VLXD chủ yếu); QH thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD đến năm 2015, định hướng đến 2020. Trong đó QH 105 mỏ đá, 25 cụm chế biến đá xây dựng, 55 mỏ đất làm gạch tuynel, 40 dự án sản xuất gạch nung tuynel, 43 khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản; QH thăm dò, khai thác, sử dụng cát sỏi lòng sông trong tỉnh đến năm 2015. Theo đó, đã QH 105 mỏ cát và 77 bãi tập kết cát.

Về sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm VLXD chủ yếu, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh có 150 DN khai thác, chế biến đá xây dựng, sản lượng sản xuất 14,5 triệu m3/năm; khai thác cát có 26 đơn vị, công suất cấp phép khoảng 0,83 triệu m3/năm; sản xuất gạch tuynel có 37 đơn vị, sản lượng 750 triệu viên/năm; gạch không nung có 20 đơn vị, sản lượng 176 triệu viên/năm.

Đáng chú ý, đối với gạch không nung, mặc dù còn “mới mẻ”, sản phẩm tiêu thụ chưa nhiều, nhưng nhờ chất lượng tốt, giá thành hạ hơn so với gạch truyền thống, nên đã dần được thị trường chấp nhận, đặc biệt là đối với các công trình, dự án lớn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có hàng chục DN sản xuất gạch không nung, trong đó số DN có dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô sản xuất hàng chục triệu viên/năm như TCty Hà Thanh, Cty CP Thương mại Huy Hoàng (TP Thanh Hóa), Cty TNHH Xuân Trường (Yên Định), Cty TNHH Đại Phong, Cty TNHH Hảo Phụng (Nga Sơn). Trong đó, TCty Hà Thanh có hai nhà máy sản xuất gạch không nung, một nhà máy tại Vĩnh Lộc và một nhà máy tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, công suất mỗi nhà máy 20 triệu viên/năm. Anh Đoàn Văn Hùng – Giám đốc điều hành cụm nhà máy sản xuất gạch, bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông tại TP Thanh Hóa cho biết, dây chuyền gạch không nung tại huyện Vĩnh Lộc đi vào vận hành từ đầu năm 2014, đến hết năm 2015 đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 40 triệu viên gạch không nung. Trong 5 tháng đầu năm 2016, cả hai nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 40 triệu viên. Sản phẩm gạch không nung của Cty chủ yếu cung cấp cho dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Do đầu tư dây chuyền liên doanh Việt – Nhật đồng bộ và hiện đại, sản phẩm của Cty luôn được khách hàng đánh giá cao, kể cả các khách hàng khó tính. Cũng theo anh Hùng, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dự báo trong tương lai, gạch không nung sẽ thay thế gạch truyền thống, do đó nhu cầu của thị trường là rất lớn, nên có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Là một DN mới tham gia sản xuất gạch không nung từ tháng 12/2015, Giám đốc Cty TNHH Đại Phong (xã Nga An, huyện Nga Sơn) – ông Mai Hồng Phong cho biết, với công suất 20 triệu viên/năm, từ ngày đi vào hoạt động đến nay Cty đã xuất xưởng và tiêu thụ được 8 triệu viên gạch không nung; sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, chủ yếu tiêu thụ tại địa bàn 3 huyện là Nga Sơn, Hà Trung (Thanh Hóa) và Kim Sơn (Ninh Bình). Theo ông Phong, so với gạch nung truyền thống, gạch không nung có kích thước “chuẩn” hơn, vừa đều đặn trăm viên như một, lại phẳng, mịn nên khi xây vừa năng suất vừa đỡ tốn vữa hơn so với gạch nung. Đặc biệt, về giá cả hiện nay tại địa phương, gạch nung cùng loại (về kích thước) bán tại chân công trình có giá 1.650 đ/viên, trong khi gạch không nung chỉ có 1.100 đ/viên. Với những ưu điểm trên, sản phẩm gạch không nung của Cty Đại Phong đã có mặt tại hầu hết các công trình xây dựng, cả của Nhà nước và tư nhân, nhất là những công trình lớn, nhà cao tầng.

Thực tế trên đã cho thấy sự khởi sắc rõ rệt trong sản xuất, tiêu thụ VLXD trên địa bàn Thanh Hóa, nhất là đối với thị trường tiêu thụ gạch không nung. Đặc biệt, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự tham mưu, tổ chức thực hiện kịp thời, phù hợp của ngành Xây dựng và các đơn vị liên quan, tình hình khai thác, sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh đã được chấn chỉnh, đi vào quy củ và ổn định. Qua đó, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đào Nguyên/Báo Xây dựng