16/06/2016

Cải tạo hồ điều hoà – Giải pháp cho thoát nước đô thị

Có thể nói, cải tạo hồ điều hoà được cho là giải pháp thoát nước của đô thị Hà nội nên từ gần chục năm trước, Hà Nội có chủ trương xây dựng các dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa, nhằm tạo ra các hồ trữ nước, điều hòa khí hậu, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các dự án này vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Bê tông hoá mạnh, mặt nước, cây xanh yếu

Thực tế ai cũng nhận thấy là trong những năm gần đây, nhiều tuyến phố ở Hà Nội thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi mưa lớn hoặc mưa vừa kéo dài, gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là do quy hoạch hệ thống thoát nước bị chậm so với quá trình đô thị hóa. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê-tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp cũng là nguyên nhân gây ngập lụt.

“Trước kia, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm. Bây giờ, lòng đường, vỉa hè bị bê-tông hóa, diện tích đất ao, hồ bị thu hẹp, dẫn tới cứ mưa lớn là ngập. Vì vậy, phải tạo diện tích đất tự ngấm và bể ngầm” – ông Hùng nói.

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê-tông, đường nhựa… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Do đó, muốn thoát được nước phải có độ chênh mặt nước để chuyển từ nơi này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

Theo PGS. Hùng nói, từng khu đô thị, tòa nhà phải có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước. Ở vườn hoa, phải tạo ra bể ngầm, lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường, vừa chống mất nước mặt, giảm độ thất thoát nước ngầm, đồng thời sẽ giảm sụt lún và ngập lụt.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hồ điều hòa còn cải tạo cảnh quan, môi trường, là điểm vui chơi của người dân. Trong tương lai không xa, khi nguồn nước ngọt hạn chế, hồ điều hòa sẽ có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.


Hồ điều hoà trong Công viên Cầu Giấy.

Đối với các hồ điều hòa ở vùng đất nông nghiệp, có nhiệm vụ trữ nước cho sản xuất trong mùa khô, mùa mưa hồ ngăn nước tràn vào các vùng đô thị. Về lâu dài, cần nghiên cứu phương án chuyển nước từ các phân vùng đô thị đến các hồ này.

Thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, toàn địa bàn thành phố hiện tại chỉ còn hơn 100 ao, hồ với tổng diện tích 1.165ha, giảm gần một nửa số ao, hồ so với trước đây, trong đó, chỉ có 18 hồ có khả năng điều tiết và thoát nước.

Trong quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, diện tích mặt hồ, ao đã giảm rất nhiều, nhiều hồ, ao hoàn toàn biến mất. Những hồ còn lại thì 80% bờ hồ bị ô nhiễm, 71% hồ bị ô nhiễm, 26% số ao, hồ chưa được kè bờ, số hồ, ao được kè một phần chiếm 8%.

Hồ Tây với diện tích khoảng hơn 500ha, chiếm gần 50% diện tích ao, hồ toàn thành phố, nay chỉ còn khoảng 400ha. Hồ Linh Quang (Đống Đa), từ diện tích 6ha, giờ đã thu hẹp còn khoảng 5ha. Phần lớn các hồ bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng.

Đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng công viên hồ điều hoà

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các hồ điều hòa, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng nhiều dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.

Tuy nhiên, dù đã được lên kế hoạch nhưng hiện tại cũng mới chỉ một số dự án hoàn thành. Hiện tại một số dự án như Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân với tổng trị giá hơn 252 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong tháng 6/2017 với thời gian thi công là 390 ngày.

Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ điều hòa Nhân Chính do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 299 tỷ đồng. Công viên có diện tích đất xây dựng khoảng 13,23ha, với các khu chức năng chính là hồ điều hòa, trạm bơm, công viên cây xanh và công trình nhà điều hành 2 tầng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hai dự án hồ điều hòa tại khu vực quận Cầu Giấy hiện đang trong thời gian thi công. Chị Nguyễn Thị Vân giảng viên trường Đại học Thuỷ lợi cho hay: “Khi biết có dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa, người dân đều mong ngóng vì họ sẽ có nơi để thư giãn, tập thể dục và chống ngập úng trong mùa mưa. Đây là những ý tưởng tốt và có thể cải thiện được tình trạng ngập nước mỗi khi mùa mưa đến của khu vực này”. Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, tại địa bàn có hai dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa, quận và các đơn vị thi công đang tiến hành gấp rút để dự án sớm hoàn thiện.

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 287/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng về việc thực hiện các dự án công viên, hồ điều hòa.

Theo đó, thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, đề xuất giải pháp quy hoạch tổng thể toàn tuyến mương Đồng Bông (quận Cầu Giấy) để làm cơ sở quản lý, thực hiện dự án đầu tư, thời gian hoàn thành trước 30/11/2015.

Về tiến độ thực hiện Khu Công viên, hồ điều hòa CV1 (quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm) và khu công viên, hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam tại quận Cầu Giấy, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hợp đồng, thực hiện ký kết ngay sau khi hoàn thành thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư.

UBND quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm căn cứ quy hoạch chi tiết khu công viên, hồ điều hòa CV1 và ô đất D24, tỷ lệ 1/500 được duyệt tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng theo quy định, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Về quy mô, vị trí các trạm xử lý nước thải, giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lựa chọn vị trí, quy mô công suất các trạm xử lý nước thải cục bộ, bảo đảm đồng bộ với mạng lưới thoát nước khu vực, phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chuyên ngành thoát nước, đáp ứng yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, phù hợp điều kiện thực tế.

Với những động thái của UBND thành phố, các dự án công viên, hồ điều hòa sẽ được khởi động tích cực, tạo cảnh quan đô thị, môi trường xanh, sạch cho Thủ đô, nâng cao chất lượng điều kiện sống của người dân, đặc biệt khi mùa mưa đến.

Thanh Huyền/Báo Xây dựng